/ Luật sư - Bạn đọc
/ Tạt sơn lên xe, nhà ở, tài sản của người khác có bị xem là hủy hoại tài sản?

Tạt sơn lên xe, nhà ở, tài sản của người khác có bị xem là hủy hoại tài sản?

17/06/2023 19:57 |

(LSVN) - Theo Luật sư, các hành vi tạt sơn lên xe, nhà ở, tài sản của người khác có thể cấu thành tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" được quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Chiếc ôtô hiệu Range Rover bị tạt sơn. Ảnh: Zingnews.

Mới đây, vào khoảng 11 giờ 45 phút ngày 15/6, một chiếc Range Rover khi dừng trước số nhà 86 Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), bất ngờ bị 02 nam thanh niên tạt sơn. Sau khi tạt sơn, các đối tượng tăng ga bỏ chạy. Theo ghi nhận, nắp capo, phần hông trái của ôtô và kính chắn gió bị dính đầy sơn đỏ.

Vậy, từ thực tế vụ việc trên, theo quy định pháp luật, hành vi tạt sơn lên xe, nhà ở, tài sản khác thì có bị xem là hủy hoại tài sản hay không?

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi tạt sơn lên xe, nhà ở, tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Và tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, kết quả của việc giám định thiệt hại người chủ phải chịu mà người xịt sơn có thể chịu những mức án khác nhau.

Theo đó, hành vi tạt sơn lên xe, nhà ở, tài sản khác có thể cấu thành tội "Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" được quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng mà thuộc một trong các trường hợp như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật  thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Hành vi sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc trong một số trường hợp: Có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tài sản là bảo vật quốc gia; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Để che giấu tội phạm khác; Vì lý do công vụ của người bị hại; Tái phạm nguy hiểm.

Những hành vi gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cũng theo Luật sư, người dân nên có các cách ứng xử văn minh với nhau và nâng cao hiểu biết về pháp luật để có thể tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, dẫn theo đó là những thiệt hại không đáng có và góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội của đất nước.

MINH QUÝ

Thừa kế quyền sử dụng đất từ cha mẹ chồng khi chồng chết không có di chúc

Nguyễn Hoàng Lâm