Thừa kế quyền sử dụng đất từ cha mẹ chồng khi chồng chết không có di chúc

13/06/2023 06:11 | 1 năm trước

(LSVN) - Chồng tôi mất vì tai nạn, không để lại di chúc. Chồng tôi có 1 mảnh đất thừa kế của cha mẹ đẻ cho, lúc chia thừa kế tôi và chồng tôi chưa đăng ký kết hôn, nhưng đã có con chung. Khi cha mẹ chồng chia thừa kế, biên bản chia thừa kế chỉ có tên chồng tôi và các em được thừa kế. Tôi và chồng tôi có 2 con chung, 1 cháu sinh năm 1998, 1 cháu sinh năm 2010. Vậy, nay chồng tôi mất thì việc chia thừa kế như thế nào, có phải ra tòa không? Bạn đọc Q.T. hỏi.

Ảnh minh hoạ.

Liên quan đến vấn đề này, theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, căn cứ quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân,...

Theo các quy định này, nếu quyền sử dụng thửa đất là do chồng bạn được cha mẹ để thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng và trước khi kết hôn với bạn, thì sẽ là tài sản riêng của chồng bạn. Do đó, khi chồng bạn chết không để lại di chúc, theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, các di sản thừa kế của chồng bạn (bao gồm cả quyền sử dụng thửa đất nêu trên) sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn, bao gồm: Vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của chồng bạn. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau (Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Trong trường hợp này, bạn và các con (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất) sẽ được hưởng thừa kế đối với quyền sử dụng thửa đất theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do thông tin bạn cung cấp là không đầy đủ nên có thể xảy ra các trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu khi cha mẹ chồng bạn còn sống biên bản chia thừa kế chưa được thực hiện, thì biên bản này có thể coi là di chúc của cha mẹ chồng bạn.

Trong trường hợp này, căn cứ vào quy định tại các Điều 636, Điều 638, Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Điều 633, Điều 635, Điều 667 Bộ luật Dân sự năm 2005, và hiện nay là các Điều 611, Điều 613, Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó: “Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế” và “thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”. “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”, thì sẽ có những khả năng xảy ra như sau:

- Nếu cha mẹ chồng bạn vẫn còn sống thì biên bản phân chia thừa kế (di chúc) chưa có hiệu lực. Do đó, chồng bạn đã chết trước cha mẹ nên sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo nội dung biên bản phân chia thừa kế này. Mặt khác, cha mẹ chồng bạn (người lập di chúc)quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào (Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015).

- Nếu cha mẹ chồng bạn đã chết và chết trước chồng bạn, thì chồng bạn sẽ được hưởng thừa kế đối với quyền sử dụng thửa đất theo đúng nội dung biên bản chia thừa kế. Do vậy, khi chồng bạn chết mà không để lại di chúc, theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, các di sản thừa kế của chồng bạn (bao gồm cả quyền sử dụng thửa đất được hưởng thừa kế từ cha mẹ) sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn (quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Do đó, bạn và các con sẽ được hưởng thừa kế đối với quyền sử dụng thửa đất nêu trên theo quy định của pháp luật.

- Nếu chồng bạn chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cha mẹ, thì chồng bạn sẽ không được hưởng thừa kế theo biên bản chia thừa kế. Tuy nhiên, tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Theo quy định này, các con của vợ chồng bạn vẫn sẽ được hưởng phần di sản (cha mẹ chồng bạn để lại) mà chồng bạn được hưởng nếu sống. Tuy nhiên, phần di sản mà các con bạn được hưởng không phải là phần di sản mà chồng bạn được hưởng theo biên bản chia thừa kế, đó sẽ phần di sản mà chồng bạn được hưởng từ cha mẹ (với tư cách là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất) theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, nếu khi cha mẹ chồng bạn còn sống biên bản phân chia thừa kế đã được thực hiện.

Thực tế, các đồng thừa kế đã phân chia, sử dụng phần quyền sử dụng đất hoặc các tài sản được phân chia theo nội dung biên bản này, thì đây có bản chất là việc cha mẹ chồng bạn tặng cho tài sản, quyền sử dụng đất cho các con, không phải là việc phân chia di sản thừa kế. Trong trường hợp này, chồng bạn sẽ có quyền sử dụng đối với thửa đất đã được cha mẹ tặng cho. Vì vậy, khi chồng bạn chết mà không có di chúc thì quyền sử dụng thửa đất này sẽ trở thành di sản thừa kế của chồng bạn và sẽ được chia cho bạn và các con theo quy định của pháp luật.

Các quan hệ về thừa kế hoặc tặng cho quyền sử dụng đất trong vụ việc là quan hệ dân sự. Do đó trước hết, các bên liên quan có quyền tự do, bình đẳng thương lượng, thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế hoặc quyết định các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhau. Nếu các bên không thể tự thỏa thuận thống nhất được cách thức giải quyết vụ việc thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền, đề nghị Tòa án giải quyết vụ việc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật.

HỒNG HẠNH

Thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất