/ Hoạt động Luật sư
/ Tham nhũng: Vấn đề được nhân dân quan tâm

Tham nhũng: Vấn đề được nhân dân quan tâm

20/08/2022 00:08 |

(LSVN) - Sáng 19/8/2022, Ban Công tác phía Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý III-2022. Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý tại hội nghị.

Tại buổi hội nghị, nhiều vấn đề về an sinh xã hội; vướng mắc của doanh nghiệp; công tác phòng, chống tham nhũng trong cơ quan hành chính nhà nước được trình bày và tranh luận sôi nổi.

Tham nhũng, vấn đề được nhân dân quan tâm

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: Thời gian qua xảy ra nhóm sai phạm lớn tại các tỉnh, thành phải xử lý hình sự. Một số cán bộ cao cấp như Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cũng lọt qua khâu giám sát từ cơ sở, địa phương và sau khi đảm nhiệm chức vụ khác cao hơn mới bị phát hiện các sai phạm và xử lý.

Nhiều trường hợp, người tố cáo tham nhũng bị coi là phần tử gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ; hay bị nhìn nhận là "tranh giành, kèn cựa địa vị”; bị trù dập, hạ uy tín,...

Luật sư Hậu cũng đề ra các giải pháp để phát huy vai trò của MTTQ giám sát tổ chức Đảng và cán bộ nhằm góp phần xây dựng chính trị trong sạch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc hoàn thành pháp luật về phòng, chống tham nhũng bảo đảm khả thi và hiệu quả. Mặt khác cần khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Và muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, mà trước hết là kiểm soát thực thi người đứng đầu. Trên thực tế, việc này khó khăn, thế nên, thời gian qua, xảy ra nhóm sai phạm lớn của các tỉnh, thành phố để dẫn đến phải xử lý hình sự Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cấp tỉnh...

Bên cạnh đó, Luật sư Hậu còn đóng góp nhiều ý kiến có giá trị liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, Luật sư cho rằng việc bỏ khung giá đất là rất quan trọng để phòng chống tham nhũng.

"Như những vụ việc vừa rồi, giá đất hàng ngàn tỉ mà định giá có vài chục tỉ, nhiều cán bộ bị bắt. Nhiều vấn đề như tranh chấp đất đai, bồi thường, tiêu cực của cán bộ một phần do thể chế chưa hoàn thiện", Luật sư Hậu nói và đề nghị đại diện MTTQ có ý kiến về vấn đề này trong các kỳ họp Quốc hội.

Những đóng góp về vấn đề an ninh trật tự

Bên cạnh câu chuyện đấu tranh với tham nhũng, cũng tại hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đã trình bày về những bất cập liên quan đến tình hình an ninh trật tự nổi cộm trong thời gian qua như: Việc nhân viên y tế bị hành hung; vai trò của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an toàn cho công tác khám – chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Qua những vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long thời gian vừa rồi, Luật sư Hậu đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công an chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị Công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chế với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế; đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam kiến nghị với Quốc hội về việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh. Theo đó, cần quy định rõ là chống đối, quậy phá, hành hung tại các cơ sở khám chữa bệnh được xem là chống người thi hành công vụ. Từ đó có các chế tài cụ thể, để răn đe đối với hành vi bạo lực đối với bác sĩ, và quan trọng hơn nữa là đội ngũ y tế, bác sĩ vùng sâu, vùng xa.

Quang cảnh Hội nghị lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý III-2022.

Câu chuyện chảy máu chất xám

Cũng tại hội nghị, chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm đó là những băn khoăn về việc chảy máu chất xám.

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nêu lên nỗi băn khoăn, rằng vấn đề thu hút, tận dụng trí tuệ của người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài rất quan trọng. Hiện nay, có khoảng 500.000 trí thức là con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản. Nhiều trí thức muốn về Việt Nam làm việc nhưng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hồng, mỗi năm Việt Nam phải tiêu tốn 1,4 tỉ USD cho khoảng 100.000 con em du học nhưng sau đó không sử dụng được số trí thức này. 

Nói về đề án 165 đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Ông Peter Hồng cho biết, trong số 3.000 tiến sĩ thì có đến 67% ở nước ngoài, 27% đang làm việc ở cơ quan nhà nước, số còn lại bỏ việc.

Trước những ý kiến của các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng cảm ơn sự đóng góp của các đại biểu, đồng thời ông Dũng cho biết sẽ tiếp thu, chọn lọc, tổng hợp để phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và chuẩn bị báo cáo cho kỳ họp Quốc hội.

HỮU LỘC

Hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

Lê Minh Hoàng