Ảnh minh họa.
Việc thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải đều là các tình tiết giảm nhẹ được nhắc đến tương đối nhiều trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, nhiều người thắc mắc việc xuất hiện dấu phẩy ở giữa “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” thì có được coi đây là hai tình tiết độc lập hay không?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015).
Theo đó, tại Bộ luật Hình sự lại không giải thích cụ thể thế nào là thành khẩn khai báo và thế nào là ăn năn hối cải. Các khái niệm này được giải thích trong các văn bản khác nhau có liên quan. Cụ thể, theo Sổ tay Thẩm phán năm 2009 của TAND Tối cao thì thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.
Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Còn theo Công văn số 212/TANDTC-PC của TAND Tối cao thì “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.
Cũng theo Luật sư, về việc “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” có được coi đây là hai tình tiết độc lập hay không thì ngày 31/8/2023, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 174/TANDTC-PC gửi các TAND và TAQS các cấp. Cụ thể, tại Công văn 174/TANDTC-PC, TAND Tối cao nêu rõ, tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra; tình tiết “thành khẩn khai báo”, “ăn năn hối cải không phải là hai tình tiết độc lập. Do đó, nếu người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51, của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, với tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015, tình tiết “thành khẩn khai báo”, “ăn năn hối cải" không phải là 02 tình tiết độc lập mà chỉ được coi là cùng một tình tiết giảm nhẹ.
Về vấn đề có hai tình tiết giảm nhẹ có được giảm nhẹ khung hình phạt 02 lần hay không thì Luật sư cho biết, tại Điều 54, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi năm 2017 quy định như sau:
Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng 1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. 2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. 3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2, Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án. |
Theo đó, Luật sư cho hay, nếu có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì không được giảm nhẹ khung hình phạt 02 lần mà Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và đảm bảo trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn.
TRẦN QUÝ