/ Góc nhìn
/ Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là hết sức cần thiết!

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là hết sức cần thiết!

14/05/2022 15:00 |

(LSVN) - Trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta tăng cường và đẩy mạnh, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Hội nghị Trung ương 5 xem xét, quyết định. Điều này cho thấy, việc cần thiết phải thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) để tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị trong phạm vi địa phương. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương.      

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh giúp công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ trở nên đồng bộ, thống nhất và hiệu quả từ Trung ương xuống địa phương. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được xem là "cánh tay" nối dài của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương. Hiện nay, chỉ có một số địa phương trên cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các địa phương còn lại chưa thành lập nên tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, chưa có cơ chế để theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các vụ án, vụ việc tham nhũng.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chủ yếu là để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở địa phương. Do đó, người đứng đầu và thành viên Ban Chỉ đạo phải là những người thật sự ưu tú, trong sáng và không tham nhũng, kể cả người thân của họ cũng không được tham những. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải được trao cho những quyền hạn nhất định trong việc chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương; đồng thời,có thẩm quyền chỉ đạo xử lý nghiêm đối cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải đảm bảo cơ chế thi hành nghiêm túc, triệt để.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải làm việc một cách khách quan, công tâm, vô tư và không được phép "nhúng chàm" đến bất cứ hành vi nào về tham nhũng, tiêu cực. Khi thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có dấu hiệu liên quan đến vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thì phải đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo; đồng thời, phải kiểm tra, xử lý ngay đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực đó và công khai để người dân được biết.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nên thành lập theo hướng cơ cấu như thành phần của Ban Chỉ đạo của Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy phải là Trưởng ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo là người đứng đầu các cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy như Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp,…, giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là Thường trực Ban Chỉ đạo và có thể thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo nằm trong Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo theo hướng bố trí cán bộ kiêm nhiệm, không làm tăng thêm biên chế nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập, khách quan và hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết, để xác định vị trí của Ban Chỉ đạo, làm rõ các mối quan hệ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với Ban Chỉ đạo Trung ương và hệ thống chính trị ở địa phương.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta tăng cường và đẩy mạnh, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết, đảm bảo công tác phòng, chống tham những, tiêu cực được triển khai sâu rộng, thông suốt và hiệu quả,không chỉ ở tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương mà còn ở địa phương, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

ĐỖ VĂN NHÂN

Trả tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông là khả thi, hợp lý!

Lê Minh Hoàng