Hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau, theo đó nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ nhưng một số vẫn nghi ngờ về hiệu quả, cho rằng như vậy không phù hợp, nhất là gây khó khăn trong việc xác minh hành vi vi vi phạm để làm căn cứ xử phạt, có thể dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện phức tạp...
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đề xuất trên là khả thi, rất hợp lý trong thời điểm hiện nay khi tình trạng vi phạm giao thông, tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng, hết sức phức tạp. Bởi vì các lý do sau:
Thứ nhất, pháp luật đã có quy định cho phép người có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông được sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm. Do đó, bên cạnh sự tự nguyện của các cá nhân, tổ chức thì cần có cơ chế mua hình ảnh nhằm động viên, khuyến khích người dân cung cấp thông tin vi phạm để công tác xử lý các hành vi vi phạm giao thông đạt kết quả cao hơn.
Thứ hai, việc mua lại hình ảnh vi phạm giao thông do người dân cung cấp sẽ có tác dụng rất lớn trong việc răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Bởi hiện nay, việc ghi hình để phạt nguội chủ yếu do cơ quan chức năng thực hiện, còn hình ảnh do người dân, tổ chức cung cấp rất ít nên những người vi phạm thường chỉ sợ, chỉ tránh những lực lượng chức năng hoặc các điểm có bố trí camera, còn lại thì cứ... "vô tư" vi phạm do không sợ bị ai ghi hình, xử phạt. Vì thế, nếu có sự tham gia người dân thì các hành vi vi phạm giao thông chắc chắn sẽ giảm. Khi đó, người tham gia giao thông sẽ phải "dè chừng" vì hành vi vi phạm có thể bị ghi hình bất cứ lúc nào, bất kỳ địa điểm nào...
Thứ ba, hiện có nhiều thiết bị công nghệ vô hiệu hóa các thiết bị giám sát của cơ quan chức năng hoặc cảnh báo nơi có thiết bị ghi âm, ghi hình, biển báo... được mua bán tự do trên thị trường. Điều này làm giảm hiệu quả, thậm chí vô hiệu hóa tính năng của các điểm ghi hình ảnh vi phạm của người tham gia giao thông. Mặt khác, lực lượng chức năng, phương tiện giám sát thì có hạn nhưng 'tai mắt" của người dân lại có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Do đó, nếu có sự chung tay của người dân thì việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm giao thông chắc chắn sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi có cơ chế mua lại hình ảnh vi phạm giao thông thì cá nhân, tổ chức cung cấp hình ảnh sẽ phải nâng cao được tinh thần trách nhiệm, chịu trách nhiệm về các thông tin được cung cấp. Khi có sự ràng buộc trách nhiệm thì việc cung cấp thông tin sẽ chính xác, nề nếp, hiệu quả hơn góp phần quan trọng trong việc kéo giảm tai nạn giao thông nói riêng và hình thành văn hóa giao thông nói chung.
Đồng thời, việc này cũng hạn chế tình trạng cung cấp thông tin không đúng sự thật gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh, xử lý hành vi vi phạm. Hoặc vì bức xúc mà người dân đưa lên mạng xã hội những tình huống, hành vi vi phạm giao thông gây hoang mang dư luận, bất lợi cho việc quản lý trật tự xã hội.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum