Ảnh minh họa.
Đoàn giám sát gồm 19 thành viên do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh làm Phó Trưởng đoàn thường trực; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh làm Phó Trưởng đoàn. 16 thành viên còn lại gồm có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa và Phan Viết Lượng cùng Ủy viên thường trực của Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội và một số ĐBQH tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai, Long An,…
Ngoài ra đoàn giám sát còn có sự tham gia của bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đoàn giám sát sẽ thực hiện giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên phạm vi cả nước. Đối tượng giám sát: Chính phủ và các Bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đoàn giám sát sẽ đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy; xây dựng kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành. Kết quả giám sát sẽ được đoàn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
PV