Một câu chuyện hi hữu trong hoạt động tư pháp vừa được phanh phui tại TAND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, đó là việc vào năm 2016, các cán bộ TAND huyện này đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế. Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.
Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, trong vụ việc trên không có trục lợi, mà chỉ để “đạt thành tích xét xử”.
Được biết, trong số hồ sơ vụ án lập khống này, một Thẩm phán tên Dung (đã nghỉ việc) lập khống 20 hồ sơ, bà Nguyễn Thị Hải Âu lập 12 hồ sơ, ông Phạm Văn Phiếm và Nguyễn Xuân Triệu lập 8 hồ sơ. Điều đặc biệt, những cán bộ gian dối này sau đó lại được luân chuyển, đảm nhận chức vụ cao hơn trong ngành tư pháp, đó là ông Phiếm, đương nhiệm Chánh án TAND huyện Tuy Đức; bà Âu, đương nhiệm Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô; ông Nguyễn Xuân Triệu, đương nhiệm Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức.
Với sai phạm tày trời đó, cả ba vị đương nhiệm đều bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông thi hành kỷ luật bằng hình thức… khiển trách.
Sự việc sau 5 năm mới bị phanh phui, một câu hỏi đặt ra là nếu các cơ quan kiểm tra không làm rõ thì có lẽ tất cả đã chìm vào im lặng, những cán bộ này vẫn hằng năm vẫn được tuyên dương vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như cách họ đã làm trước đó. Nguy hại hơn, họ lại chính là những người tiếp tục “cầm cân nảy mực”, quyết định số phận của các đương sự tại các phiên tòa do họ điều hành.
Một điều lạ lùng hơn nữa, việc làm gian dối đó được kéo dài suốt 5 năm nhưng tuyệt nhiên không có một cơ quan giám sát nào kiểm tra, làm rõ. Theo phản ánh của báo chí, trong quá trình rà soát, TAND tối cao phát hiện nên kiểm tra và có kết luận gửi về địa phương, tuy nhiên vụ việc lại được "xử lý nội bộ". Cho đến khi rà soát công tác cán bộ, Tỉnh ủy Đắk Nông phát hiện vụ việc mới yêu cầu Ủy ban kiểm tra xác minh. Vậy, trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về ai? Phải chăng các cấp Tòa đã tiếp tay cho sự dối trá?.
Ở một diễn biến khác do báo chí phản ánh, vụ việc đã xử lý đúng người đúng tội và không gây hậu quả lớn nên không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Sau khi sự việc bị phanh phui, giới Luật sư cho rằng, việc làm của các Thẩm phán trong vụ việc trên có dấu hiệu của hành vi "Giả mạo trong công tác" theo quy định tại khoản 4, Điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo các Luật sư, đối với tội phạm này, tội phạm hoàn thành kể từ khi các Thẩm phán lập hộ sơ khống nộp cho cơ quan Tòa án, chưa cần hậu quả xảy ra.
Về phía dư luận đã rất phẫn nộ về việc làm của các cán bộ chấp pháp và càng phẫn nộ hơn về cách xử lý của cơ quan chức năng địa phương này. Có lẽ họ đánh giá việc làm của các cán bộ sẽ “không chết ai” nên mức xử lý như vậy là đúng người, đúng hành vi. Nhưng họ đâu biết rằng, cái cốt lõi của người cán bộ là đạo đức thì lại đang bị méo mó, vấy bẩn và nó chỉ được xếp vào hạng thứ yếu.
Trước đó chúng ta đã chứng kiến án oan, giờ lại đến án khống tại địa phương này. Người dân trông chờ gì và liệu còn niềm tin vào những cán bộ này hay không, và bản thân họ có còn uy tín khi tiếp tục đại diện cho công lý?.
ĐỨC SƠN
Vụ cán bộ Tòa án lập khống hàng chục hồ sơ vụ án: Xử lý kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng?