Phát triển lĩnh vực điện khí LNG là chủ trương quan trọng được Đảng, Nhà nước định hướng khá sớm. Quá trình triển khai đã có những kết quả ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những “điểm nghẽn” ở cả khía cạnh kỹ thuật và pháp lý.
Tại buổi tọa đàm do Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức ngày 20/12/2024 với chủ đề: "Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để phát triển các dự án điện khí LNG" đã chỉ ra thực trạng, phân tích nguyên nhân và khuyến nghị giải pháp tháo gỡ để các dự án điện khí LNG phát triển; đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước theo đúng tinh thần đã được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính); Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội; ông Nguyễn Duyên Hải, Giám đốc Dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh.
Thực trạng dự án điện LNG và pháp lý
Từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Duyên Hải, Giám đốc Dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh cho rằng: Mặc đù đã có hành lang pháp lý và các cơ chế khuyến khích, song trên thực tế khi triển khai dự án điện khí LNG, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn về chính sách, thị trường, nguồn vốn…
Hiện tại, về mặt cơ chế pháp lý đã tương đối đủ, khi mà Quốc hội thông qua Luật Điện lực (mới) - Luật số 61/2024/QH15 có có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025 và trong đó đã có nhiều chú trọng đến việc phát triển điện khí hóa lỏng LNG (khoản 8 Điều 5 Luật số 61/2024/QH15 đã nêu rõ về việc phát triển điện khí LNG). Tuy nhiên, đây mới là luật còn nghị định đối với nhà đầu tư và thông tư hướng dẫn về cơ chế và cách chuyển điện khí đầu vào thì phải đợi. Đó là một vướng mắc chung của dự án. Dự án điện khí LNG với đặc thù đó là một chuỗi phát triển từ khâu cung cấp khí đầu vào cho đến tiêu thụ. Chi phí đầu tư cao do còn phải xây dựng cụm cảng lớn để chuyển tải và hóa khí. Do đó, tổng mức đầu tư cao là một vướng mắc riêng nhưng trong thông báo đó chưa rõ phần công suất đối với nhà máy do có cụm cảng nhập khí không thể thấp hơn 1500 MW. Điều đó dẫn tới, không thể áp dụng chuyển ngang 600MW từ nhiệt điện than sang điện khí. Để giải quyết vướng mắc này, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp kiến nghị với địa phương và trung ương cho phép chuyển đổi khí hóa lỏng một cách linh động.
Trước thực trạng mà ông Nguyễn Duyên Hải, Giám đốc Dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh đã nêu, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết: Phải nói về định hướng của Đảng và Nhà nước rất đúng đắn, trong đó Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt kế hoạch phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chúng ta mới có 01 dự án điện LNG duy nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Hiện nay, trong số 13 dự án điện khí đã được quy hoạch vẫn còn cần nhiều điều kiện hoàn thiện và rất nhiều điều kiện của nhà đầu tư đưa ra cần được đáp ứng... Do đó, với mục tiêu đưa vào hoạt động 13 dự án điện khí như kế hoạch sẽ gặp rất nhiều thách thức và để thực hiện được 50% trong số đó đã là một thành công…
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính): Trước hết, cần quay lại cuội nguồn về lí do phát triển điện khí LNG, trong khi những dự án có tiềm năng vẫn chưa được triển khai và hiện tại mục tiêu để hoàn thành các kế hoạch về phát triển điện khí LNG vẫn rất là khó khăn. Về vấn đề nhu cầu năng lượng của Việt Nam, năm 2025 vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện nhưng từ năm 2026 là cực kỳ căng thẳng và đang đứng trước nguy cơ thiếu năng lượng…
"Theo tính toán, để tăng trưởng kinh tế năng lượng phải đi trước, năm 2025 chúng ta có thể tăng trưởng khoảng 7% và sau 2025 rất nhiều khả năng chúng ta đặt mục tiêu phát triển đến 2 chữ số thì sự tang trưởng về năng lượng cũng phải đạt mục tiêu 12-13%... Hiện nay, tại sao chúng ta lại phát triển diện khí LNG thì đó trước hết là do mục tiêu NetZero và mục tiêu phát triển tổng thể khác đến năm 2030", ông Ánh bày tỏ.
Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu phát triển bền vững, ông Ánh cho rằng cần tập trung vào vấn đề thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển điện khí hóa lỏng LNG. Để thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, cần điều chỉnh các cơ chế, hành lang pháp lý và tiến trình triển khai dự án để tang sức hấp dẫn nhà các đầu tư. Thời gian vừa qua, có thể thấy, hiếm khi nào một dự thảo luật có thể thông qua ngay trong 01 kỳ họp của Quốc hội. Thực tế, do cuộc sống đang thúc ép và buộc phải thay đổi và sự thay đổi liên quan đến điều kiện khung pháp lý, liên quan đến điện tái tạo, điện gió,… cũng sẽ phải được điều chỉnh một cách nhanh chóng…
Ông Ánh cho biết thêm: "Với mô hình ở Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn còn rất khó khăn để đưa luật vào thực hiện do còn chờ hướng dẫn từ nghị định, thông tư,…Tới đây, khi mà EVN lại quay trở về dưới sự quản lý của Bộ Công thương thì việc vướng khung pháp lý sẽ còn phải xử lý nhiều và có thể lại tiếp tục gây ra sự lãng phí về mặt thời gian cho các công việc khác liên quan. Chúng ta đã có khá nhiều hội thảo, nhưng chưa đạt được nhiều kết quả xử lý các vướng mắc về pháp lý. Và như vậy, rõ ràng là chúng ta có tầm nhìn quy hoạch nhưng về các dự án điện khí LNG vẫn chưa được thể hiện một cách mạch lạc. Do đó, tới đây chúng ta cần điều chỉnh bổ sung quy hoạch cụ thể đối với nhóm dự án này.
Mặt khác, đối với các cơ quan chức năng, để giải tỏa khó khăn vướng mắc, chúng ta có thể đề xuất ban hành nghị quyết điều chỉnh đặc biệt đối với ngành điện và nhóm dự án cụ thể vì hiện nay còn rất nhiều nhà đầu tư còn chờ đợi cơ chế pháp lý vè việc này. Thực tế, sự sắp xếp tinh gọn bộ máy của Chính phủ hiện nay có gây ảnh hưởng hay thúc đẩy sự phát triển cua ngàng năng lượng trong đó có điện khí LNG thì còn phải chờ thời gian. Ngoài ra, bản thân ngành điện lực cũng đang bị đặt trong bối cảnh mới về chi phí, về đầu tư và sự rủi ro. Hơn nữa, giá điện hiện vẫn chưa được thay đổi phù hợp với việc phát triển các nguồn năng lượng mới…".
Tại buổi toạ đàm, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội nhận định, về mặt pháp luật, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, hiện nay luật đã được thông qua nhanh nhưng không phải tất cả đã tiếp cận được một cách nhanh chóng. Đối với vấn đề kinh tế, cả nền kinh tế sẽ đình trệ nếu không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Do đó, một số nước hiện nay đã có nhiều chính sách ưu việt để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng… Tuy nhiên, ở Việt Nam thì dự thảo nghị định về triển khai luật điện lực vẫn đang được xem xét… Điều đó đòi hỏi cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Thời điểm hiện nay, nhu cầu về năng lượng sạch đang ngày càng tang, trong đó điện khí LNG đang được chú trọng phát triển tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Kiến nghị và giải pháp cho các dự án điện LNG
Việc phát triển điện khí LNG sẽ giúp ngành năng lượng Việt Nam phát triển xanh, sạch, bền vững, phù hợp với xu thế chung trên thế giới, không chỉ dừng lại ở lợi ích về kinh tế, môi trường, việc phát triển điện khí LNG còn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng, mở rộng cơ hội cho công nghiệp hóa năng lượng và khí hóa phát triển.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam (EOR24) do Cơ quan Năng lượng Đan Mạch phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện được công bố hồi tháng 6 vừa qua cho thấy, tính đến cuối năm 2022, trong tổng sản lượng điện phát từ hệ thống thì nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 38%, tiếp đó là thủy điện, chiếm 35%, còn nhiệt điện khí vẫn khá thấp, chỉ chiếm 10,8%. Trong khi đó, Nghị Quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”; đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”. Còn Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, còn gọi là Quy hoạch điện VIII, đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện.
Nói về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị: Thực tế, trong Quy hoạch điện 8, dù phê duyệt 23 dự án điện khí với công suất 30.424 MW đến năm 2030, song đến nay mới đưa được một nhà máy vào vận hành là nhiệt điện Ô Môn 1; một dự án đang xây dựng là nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 đạt tiến độ 92%, dự kiến vận hành vào tháng 5/2025, các dự án còn lại khó hoàn thành trước năm 2030. Nước ta đã có rất nhiều chủ trương, định hướng đúng đắn về phát triển ngành điện. Tuy nhiên đối với những văn bản cụ thể, chúng ta chưa có định hướng cho những dự án điện sử dụng LNG. Dự án điện khí LNG là một dự án theo chuỗi, từ việc nhập khẩu khí, hóa khí, chuyển đổi khí đến phát điện, đến đấu nối, truyền tải và đưa đến người dân tiêu thụ… Để ra được một quyết định đầu tư, phải biết dự án có hiệu quả hay không? Nhưng để trả lời việc đó thì còn quá nhiều ẩn số và không chắc chắn. Khi mà rủi ro còn nhiều, với giá đầu ra là bao nhiêu và với khung pháp lý hiện nay chưa thể cam kết được.
Trước đây, khi còn bảo lãnh Chính phủ, nhà đầu tư tài chính nhận thấy có bảo lãnh thì họ có thể chấp nhận đầu tư một cách yên tâm. Bên cạnh đó, với việc mua bán điện khí hiện nay khi cần nguồn huy động thì cơ chế nhà nước lại không thực hiện được. Do định hướng việc Thủ tướng là người quyết định, nhưng nghị định hướng dẫn sắp tới yêu cầu ngoài Luật Điện lực thì còn phải tuân theo các quy định pháp luật hiện hành. Cùng một khuôn khổ pháp lý nhưng có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư khi không thể nhìn rõ được việc đảm bảo cho nguồn đầu tư dự án. Hiện nay, hợp đồng mua bán điện có thể đàm phán nhưng chưa thống nhất được và đây là một sức ép, nhiệm vụ bất khả thi. Điều đó dẫn tới, EVN không thể ký kết hợp đồng, không đảm bảo đầu tư, không cam kết do Luật quản lý vốn. đầu ra giá điện bán bao nhiêu thì EVN không được quyết mà do Chính phủ quyết.
"Chúng tôi cho rằng mục tiêu ấy có thể khả thi nếu có một nghị quyết chuyên ngành của Quốc hội về pháp luật trong lĩnh vực này để tháo gỡ vướng mắc hiện tại. Chúng ta cần mở rộng đối tượng điện khí LNG cũng như nhà cung cấp khí và chúng ta cần cam kết về mức giá điện là thị trường và người mua quyết định. Cơ chế về giá, khi mà giá điện LNG không nên tính vào người dân mà nên sử dụng với ngành công nghiệp, hộ tiêu thụ lớn, do đó không cần quá lo ngại về vấn đề giá mà nên để cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý tiếp cận. Các nhà đầu tư đã sẵn sàng, tuy nhiên về quy định vẫn chưa đủ với tinh thần của luật điện lực. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cần có một nghị quyết chuyên đề để thể thiện được mong muốn của nhà đầu tư, mong muốn của Chính phủ, Để làm sao chúng ta triển khai được dự án. Khi có nghị định, nghị quyết rồi thì chúng tôi muốn các tập đoàn kinh tế EVN, PVN phải được Quốc hội phê duyệt điều lệ hoạt động, cơ cấu tổ chức. khi đó lo ngại của các tổ chức sẽ giảm bớt đi. Nếu làm theo luật này mà vi phạm luật khác thì việc thực hiện vẫn còn lo ngại. Qua đó, chúng ta sẽ có đủ điều kiện và cơ sở để các tổ chức làm tốt hơn", ông Thập chia sẻ tại toạ đàm.
Chia sẻ thêm về Dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh, ông Nguyễn Duyên Hải, Giám đốc cho biết: "Với căn cứ đề xuất trong sơ đồ Quy hoạch điện VIII, do dự án đang có điều kiện thuận lợi về mặt bằng hạ tầng là đã có 65ha đất sạch nên có thể triển khai ngay lập tức khi được phê duyệt và lợi thế nữa là Dự án ngay gần Cảng Nghi Sơn. Chúng tôi đang kiến nghị trong Luật Điện lực mới, ưu tiên nhà máy khí hóa lỏng trong nước và nâng công suất cho nhà máy từ 1500 - 4500MW; tạo thêm nhiều điều kiện để đạt được mục tiêu phát điện thương mại trước năm 2030, trong đó cần hợp đồng đầu tư dài hạn để có thể thu xếp nguồn lực đối với đầu tư dự án. Điều đó, cần có sự phối hợp giữa Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện".
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Quốc hội đã thông qua nghị định, nhưng nghị định đó được đang lấy ý kiến do còn trách nhiệm với các bộ ngành do còn liên quan đến đầu tư, chính sách giá cả, an ninh năng lượng… nên vẫn chưa thể đưa vấn đề tư nhân vào. Do đó ông đề xuất cho tư nhân tham gia vào, nếu không có thể thiệt hại về cơ hội, về đất đai và vấn đề triển khai luật cần được hỗ trợ, không thể đến lúc khó khăn lại đổ lỗi. Không thể lãng phí nguồn lực, lãng phí cơ hội, lãng phí năng lực,…
Thông qua Tọa đàm, Tạp chí Luật sư Việt Nam cũng hướng tới việc tập hợp ý kiến từ chính các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, Luật sư về phát triển các dự án điện khí LNG nhằm góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và những tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp giải quyết hiệu quả nhất để tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý.