(LSO) - Một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho vụ án được tiến hành một cách khách quan và chính xác, đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân vào sự công minh của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án. Để bảo đảm sự vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đã có những quy định chặt chẽ về việc thay đổi người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động tố tụng đặt ra câu hỏi là trong trường hợp hủy án để điều tra lại và trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng có phải thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên đã tiến hành tố tụng trước đó hay không? Đây là vấn đề pháp luật không có quy định.
Quy định của BLTTHS về thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên khi tiến hành tố tụng
Trong tố tụng hình sự, Điều tra viên có vai trò rất quan trọng trong việc thu thập, xác minh chứng cứ, tiến hành các hoạt động điều tra nhằm xác định sự thật của vụ án, những chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can. Nếu họ không vô tư, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ thì hồ sơ vụ án có thể bị làm sai lệch, dẫn đến xử lý người phạm tội không chính xác, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của những người tham gia tố tụng không được bảo đảm, kẻ có tội không được trừng trị, người vô tội bị kết án oan... Do vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định nếu có căn cứ để cho rằng Điều tra viên không vô tư khách quan khi thực hiện nhiệm vụ thì họ phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. Việc thay đổi Điều tra viên được quy định tại Điều 51 BLTTHS 2015 như sau:
“1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;
b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.
2. Việc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định.
Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì việc điều tra vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp tiến hành.”.
Kiểm sát viên là người thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Với chức năng, nhiệm vụ này, việc đảm bảo tính khách quan, vô tư của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Để thực hiện mục tiêu nói trên, BLTTHS 2015 quy định cụ thể những trường hợp Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. Việc thay đổi Kiểm sát viên được quy định tại Điều 52 BLTTHS 2015 như sau:
“1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;
b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.
2. Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được phân công giải quyết vụ án quyết định.
Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.
Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.”.
Vướng mắc, tồn tại trong quy định của BLTTHS về thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên
Nhìn chung, quy định của BLTTHS 2015 về thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên cơ bản hoàn thiện, tuy nhiên theo tác giả, quy định này của luật tố tụng vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại sau:
Thứ nhất, thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên trong trường hợp án bị hủy để điều tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 358 và Điều 391 BLTTHS 2015. Theo quy định của Điều 53 và Điều 54 BLTTHS 2015, khi bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm bị hủy để điều tra lại thì khi xét xử sơ thẩm lại Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đều bị thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế và quy định của BLTTHS 2015, khi một vụ án bị hủy để điều tra lại thì Điều tra viên và Kiểm sát viên đã điều tra, kiểm sát điều tra hoặc thực hành quyền công tố vụ án đó lại không bị thay đổi.
Có thể nhận thấy, quy định tại khoản 1 Điều 51 và quy định tại khoản 1 Điều 52 BLTTHS 2015 không đặt ra vấn đề phải thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên khi án bị hủy để điều tra lại. Thực tiễn, nhiều trường hợp sau khi vụ án bị hủy để điều tra lại, người phạm tội, người bị hại hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án yêu cầu thay đổi Điều tra viên và Kiểm sát viên nhưng không được Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát chấp nhận bởi vì lý do là pháp luật không cấm, cũng như không có quy định Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành tố tụng vụ án bị hủy đó phải bị thay đổi.
Mặt khác, việc để Điều tra viên, Kiểm sát viên đã tiến hành tố tụng vụ án bị hủy đó tiếp tục tiến hành tố tụng sẽ thuận lợi hơn vì họ đã nắm chắc các tình tiết của vụ án nên việc điều tra lại hay kiểm sát điều tra lại sẽ không mất nhiều công sức bằng việc thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng đều không muốn như vậy, bởi vì nếu để những Điều tra viên, Kiểm sát viên cũ tiếp tục tiến hành tố tụng thì những nhận định của họ sẽ không được khách quan. Thực tiễn, nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai, thay vì tuyên bị cáo không phạm tội, Tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm lại tuyên hủy án để điều tra lại, và khi không thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên đã tiến hành tố tụng trước đó, dẫn tới việc giải quyết vụ án không được khách quan, làm phát sinh phản ứng tiêu cực của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Ví dụ: Bị cáo A bị Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại khoản 3 Điều 260 BLHS 2015. Sau khi bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện X bị hủy để điều tra lại, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử lại, do yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên không được chấp nhận nên mỗi khi Kiểm sát viên đặt câu hỏi, bị cáo A phản ứng bằng cách không trả lời. Nhưng cũng với những câu hỏi đó khi chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi lại thì bị cáo A lại trả lời rành mạch, rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên trong trường hợp này không giống như việc thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên theo quy định tại 3 Điều 49 BLTTHS 2015. “Căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ” theo khoản 3 Điều 49 là những căn cứ về mối quan hệ mật thiết giữa người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với những người có lợi ích trong vụ án đó như quan hệ về công vụ, kinh tế... thậm chí có mâu thuẫn nghiêm trọng với người đó.
Ví dụ: Điều tra viên một vụ án cướp tài sản mà người bị hại là thầy giáo đã dạy Điều tra viên đó; Thẩm phán xét xử vụ án tham ô tài sản mà bị cáo là em ruột của vợ...
Vì vậy, theo tác giả, việc quy định phải thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên trong trường hợp hủy án để điều tra lại là hết sức cần thiết để bảo đảm tính khách quan của vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Thứ hai, thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên trong trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015. Điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được như sau:
“Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.
Một vấn đề được đặt ra là khi Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì Điều tra viên, Kiểm sát viên điều tra, kiểm sát điều tra hoặc Kiểm sát viên thực hành quyền công tố vụ án đó có bị thay đổi? Vấn đề này, BLTTHS 2015 không có quy định. Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS 2015 về trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng không có quy định về việc phải thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên khi Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Thực tiễn, đây là vấn đề tồn tại gây bức xúc trong dư luận.
Ví dụ: Có vụ án Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau đó tạm đình chỉ vụ án hoặc vì năng lực, trình độ của Điều tra viên, Kiểm sát viên quá yếu nhưng không chịu thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên dẫn đến vụ án kéo dài, hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.
Kiến nghị
Từ những phân tích trên, để hoàn thiện quy định của pháp luật cũng như bảo đảm sự khách quan trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án, tác giả xin kiến nghị bổ sung vào quy định tại khoản 1 Điều 51 và khoản 1 Điều 52 BLTTHS 2015 về thay đổi Điều tra viên, Kiểm sát viên, cụ thể:
Bổ sung thêm quy định thay đổi Điều tra viên tra trong trường hợp án bị hủy để điều tra lại, Viện kiểm sát hoặc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vào khoản 1, Điều 51 BLTTHS 2015. Khoản 1 Điều 51 quy định về thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra như sau:
“1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;
b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án;
c, Tòa án hủy án để điều tra lại, Viện kiểm sát hoặc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Bổ sung thêm quy định thay đổi Kiểm sát viên trong trường hợp án bị hủy để điều tra lại, Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vào khoản 1, Điều 52 BLTTHS 2015. Khoản 1 Điều 52 quy định về thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên như sau:
“1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;
b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.
c, Tòa án hủy án để điều tra lại, trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
LÊ XUÂN QUANG Tòa án quân sự khu vực, Quân khu 1 |