/ Góc nhìn
/ Điểm 'lạ' trong 'Phiếu chuyển đơn' của Bộ VH-TT&DL liên quan đến Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh?

Điểm 'lạ' trong 'Phiếu chuyển đơn' của Bộ VH-TT&DL liên quan đến Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Những lùm xùm trên mạng xã hội trong vài tháng gần đây đa phần là có thật, và gây ra không biết bao nhiêu cảm xúc từ những người trong cuộc lẫn những người “xem” và “nghe”. Trong số những hành vi, những phát ngôn, những bình luận theo dạng “vui vẻ”, “ăn theo” vô hại… thì cũng có không ít những lời nói, những tuyên bố, những hình ảnh được sử dụng trái pháp luật…

Theo hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày nay, một ảnh chụp được cho là phiếu "Chuyển đơn" số 38/TTr-VHGĐ ngày 27/5/2021 của Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Tôi nhận thấy có một số điểm "lạ" trong nội dung này.

Không biết lá đơn ghi tiêu đề là gì?, nhưng thấy ghi – Nội dung: Đề nghị việc xem xét thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh và cấm sóng các chương trình truyền hình có sự xuất hiện Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh.

Lạ là ở chỗ, đây không ghi đơn được "chuyển đi” này là đơn tố cáo. Nhưng xét mục đích (được tóm tắt trong phiếu chuyển) và hậu quả pháp lý (nếu có) thì đây thuộc loại là  đơn tố cáo.

Tuy ghi là “Đề nghị”, nhưng rõ ràng đây là nội dung “tố cáo” một/hay nhiều hành vi sai phạm nào đó (chắc là có ghi trong đơn) của Hoài Linh – dẫn tới phải “Thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh và cấm sóng các chương trình truyền hình…”.

Lạ là ở chỗ, theo Phiếu chuyển đơn này nói: “… chuyển Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.

Theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/9/2014 quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"; tại Điều 11: Quy trình xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, quy định việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng như sau:

- Hội đồng cấp cơ sở…;

- Hội đồng cấp Bộ…;

- Hội đồng cấp Nhà nước…

Trong đó, Hội đồng cấp cơ sở chỉ là người đề nghị, đề cử mà thôi, còn chuyện duyệt xét và phong tặng… là do Hội đồng cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước.

Trong Nghị định không có điều nào quy định về việc thu hồi các danh hiệu, nhưng theo tôi ai cấp, người đó mới có quyền thu hồi. Người đề nghị, đề cử làm sao có quyền và trách nhiệm làm việc này? Vậy, tại sao Thanh tra Bộ lại “đá trái bóng trách nhiệm” này cho Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh?.

Nội dung “đề nghị” thứ hai là "Cấm sóng truyền hình".

Hoài Linh đâu phải chỉ có xuất hiện trên sóng truyền hình tại TP. Hồ Chí Minh, mà còn xuất hiện cả ở Đài Trung ương và nhiều tỉnh khác. Việc “đá trái bóng trách nhiệm” này cho Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh, liệu TP. Hồ Chí Minh có đủ thẩm quyền "cấm sóng" cả ở Đài Quốc gia và các tỉnh?.

Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh.

Sự việc Hoài Linh vận động cứu trợ miền Trung hơn 13 tỉ, sau 06 tháng vẫn còn giữ tiền trong tài khoản gây ra bức xúc với nhiều ý kiến phê phán và lên án gay gắt. Theo dõi các kênh mạng xã hội, thì sự việc này chính thức được đưa lên mạng xã hội vào đêm 22/5/2021. Nhưng trong “Phiếu chuyển” thấy ghi “đơn đề ngày 14/5/2021”. Làm cho nhiều người hình dung lá đơn này “nằm ém quân chờ” tới… 11 ngày để cho sự việc đêm 22/5/2021 xảy ra rồi mới “xuất chiêu”?.

Vì không đọc được nội dung đơn, nên không thể biết đây là loại đơn gì? Nhưng chắc chắn, luật pháp phải có chế tài bảo đảm bí mật cho người gửi đơn.

Đối chiếu với vụ việc lùm xùm gần đây nhất về việc một nhân viên Ngân hàng MB làm lộ thông tin khách hàng (bản sao kê tài khoản của Hoài Linh) bị xử lý. Vậy, việc tờ phiếu chuyển đơn này được đăng công khai trên mạng, dù đã xóa địa chỉ người gửi đơn… nhưng vẫn còn thấy đầy đủ họ, tên và một góc địa chỉ là Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.

Nếu ai gửi đơn khiếu nại – tố cáo cũng được “đưa công khai” lên mạng thế này, liệu có còn ai dám làm điều tương tự?. Liệu người để lộ thông tin này có vi phạm điều cấm của pháp luật không? Và có bị xử lý không?.

Những lùm xùm trên mạng xã hội trong vài tháng gần đây đa phần là có thật, và gây ra không biết bao nhiêu cảm xúc từ những người trong cuộc lẫn những người “xem” và “nghe”. Trong số những hành vi, những phát ngôn, những bình luận theo dạng “vui vẻ”, “ăn theo” vô hại… thì cũng có không ít những lời nói, những tuyên bố, những hình ảnh được sử dụng trái pháp luật…

Do đó, dư luận nói chung rất mong muốn các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc nhằm làm sáng tỏ những khiếu nại, tố cáo (nếu có); chẩn chỉnh những phát ngôn trên mạng xã hội; xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có). Đồng thời, có những biện pháp hạn chế, hoặc chấm dứt tình trạng tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Bên cạnh đó, cũng mong các cơ quan chức năng áp dụng đúng quy trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết các loại đơn (khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh…) từ các tổ chức và cá nhân theo luật định, tránh gây thêm rắc rồi và phức tạp cho tình hình.

Luật sư PHAN VĂN VĨNH

Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh

Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ nghệ sĩ Hoài Linh và gần 14 tỉ tiền từ thiện đồng bào miền Trung

Lê Minh Hoàng