(LSVN) - Quyền yêu cầu phản tố là một quyền đặc trưng của bị đơn trong vụ án dân sự. Việc xác định thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn không chỉ đảm bảo quyền lợi cho chính bị đơn mà còn đảm bảo quyền lợi cho các đương sự khác, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những nội dung liên quan đến thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, qua đó nêu ra một số hạn chế, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
1. Quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thời điểm thực hiện quyền yêu cầu phản tố của bị đơn
Việc xác định thời điểm thực hiện quyền yêu cầu phản tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 không có quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn nên đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về thời hạn bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố, tại thời điểm đó có ba quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố chỉ trong khoảng thời hạn bị đơn phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện[1].
Theo đó, cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn[2]. Bên cạnh đó, Bộ luật TTDS năm 2004 còn quy định người được thông báo phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trong trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn, nhưng không quá mười lăm ngày[3].
Như vậy, theo quy định trên thì hoàn toàn có thể hiểu rằng bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án. Trong trường hợp gia hạn thì thời gian được gia hạn là không quá mười lăm ngày. Tóm lại, thời hạn tối đa để bị đơn phải đưa ra yêu cầu phản tố là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, bị đơn có thể đưa ra yêu cầu phản tố trong suốt quá trình giải quyết vụ án[4].
“Quan điểm này dựa trên cơ sở quyền tự định đoạt của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án”[5]. Như vậy, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố ngay cả trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Tuy nhiên, quan điểm trên tạo nên bất cập trong quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ, nếu bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án buộc phải tạm hoãn phiên tòa và tiến hành lại các thủ tục cần thiết như giao nộp chứng cứ, thu thập chứng cứ, công bố chứng cứ, hòa giải,… dẫn đến vụ án sẽ bị kéo dài thời hạn giải quyết, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, quyền của các đương sự khác sẽ không được đảm bảo nếu thời hạn của yêu cầu phản tố được hiểu như trên. Họ sẽ không chuẩn bị kịp tài liệu, chứng cứ để chống lại yêu cầu phản tố của bị đơn.
Quan điểm thứ ba cho rằng, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong giai đoạn Tòa án chuẩn bị xét xử sơ thẩm cho đến trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm[6].
Quan điểm này được chấp nhận rộng rãi hơn vì nó phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTDS, hài hòa quyền và lợi ích giữa nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (NCQLNVLQ) có yêu cầu độc lập.
Trước những quan điểm trái chiều nêu trên, Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011, đã quy định rõ về thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố, cụ thể: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”[7].
Mặc dù đã có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về yêu cầu phản tố của bị đơn nhưng qua thực tiễn áp dụng Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung 2011 cũng đã dần bộc lộ những hạn chế nhất định. Điển hình là bị đơn căn cứ vào quy định trên để cố tình kéo dài quá trình giải quyết vụ án bằng cách đưa ra yêu cầu phản tố ngay trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Điều này ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án như thời gian hòa giải, thời gian thu thập chứng cứ và gây khó khăn cho các đương sự khác trong việc phản đối yêu cầu phản tố của bị đơn.
Để khắc phục bất cập trên, Bộ luật TTDS năm 2015 đã thay đổi về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn. Cụ thể, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải[8].
Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể tham khảo pháp luật một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có những quy định về thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố, cụ thể:
Luật TTDS Vương quốc Anh quy định: Bị đơn có thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn - (a) mà không có sự cho phép của Tòa án nếu bị đơn nộp đơn bảo vệ; hoặc là (b) bất cứ lúc nào với sự cho phép của Tòa án[9].
Luật TTDS Nhật Bản quy định: Bị đơn có thể nộp đơn phản tố lên Tòa án, nơi mà có yêu cầu chính đang chờ xử lý cho đến khi tranh luận bằng miệng có kết luận, nhưng chỉ khi đối tượng của yêu cầu phản tố liên quan đến yêu cầu chính hoặc liên quan đến bài biện hộ[10].
Luật TTDS Liên bang Hoa Kỳ quy định: Trừ khi một thời điểm khác được quy định bởi Luật này hoặc Quy chế liên bang, thời gian để đưa phản tố phải đáp ứng như sau: (A) Bị đơn phải gửi câu trả lời: (i) trong vòng 21 ngày sau khi được gửi giấy triệu tập và khiếu nại; hoặc là (ii) nếu câu trả lời kịp thời từ bỏ sự tống đạt theo Quy tắc 4 (d), trong vòng 60 ngày sau khi yêu cầu từ bỏ được gửi, hoặc trong vòng 90 ngày sau khi được gửi đến bị đơn bên ngoài bất kỳ khu vực tư pháp nào của Hoa Kỳ[11].
Luật TTDS Đài Loan quy định: Trước khi kết thúc phần tranh luận, bị đơn có thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và những người liên quan đến yêu cầu phản tố[12].
2.. Thực tiễn xác định thời điểm thực hiện quyền yêu cầu phản tố của bị đơn
Trong thực tiễn vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố và dẫn đến cách giải quyết khác nhau.
Ví dụ: Vụ án ly hôn giữa nguyên đơn Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ được Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh (TAND TP. HCM) giải quyết theo Bản án số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/03/2019[13].
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn xin ly hôn ngày 26/10/2015; đơn bổ sung đơn ly hôn ngày 21/11/2015 và ngày 30/08/2017 với nội dung đề nghị Tòa án giải quyết cho bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ được ly hôn, về con chung thì bà yêu cầu là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, ông Vũ phải cấp dưỡng nuôi con và yêu cầu chia toàn bộ tài sản chung được được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.
Ngày 17/11/2015, TAND TP. HCM ra thông báo thụ lý vụ án số 499/HNST về việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Đến ngày 21/06/2016, TAND TP.HCM ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau đó, ngày 18/07/2016, ông Vũ đã có đơn yêu cầu phản tố về việc đề nghị Tòa án xem xét, quyết định phân chia tài sản là tiền Việt Nam, các loại ngoại tệ, vàng là tài sản chung của vợ chồng hiện bà Thảo đang nắm giữ, gửi tại 4 ngân hàng ở Việt Nam, đề nghị phân chia các tài sản là bất động sản ở trong nước do bà Thảo đứng tên hoặc người khác đứng tên, đề nghị chia số tiền chung của hai vợ chồng trong 04 công ty hiện do bà Thảo thành lập trong nước và nước ngoài từ tiền chung của hai vợ chồng.
Từ các dữ liệu trên cho thấy, ngày 21/6/2016, Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó ông Vũ lại có yêu cầu phản tố ngày 18/07/2016 và Tòa án đã thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Như vậy, thời điểm ông Vũ đưa ra yêu cầu phản tố và Tòa án thụ lý yêu cầu phản tố có phù hợp với quy định pháp luật TTDS không? Nội dung này sẽ được phân tích ở phần sau.
3. Các quan điểm về thời điểm bị đơn có quyền yêu cầu phản tố
Mặc dù Bộ luật TTDS năm 2015 có quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có cách hiểu khác nhau đối với quy định này.
Cách hiểu thứ nhất: bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Quan điểm này được hiểu theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015. Cụ thể, bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố từ thời điểm Tòa án thông báo thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Nếu sau thời gian này, Tòa án sẽ trả lại đơn yêu cầu phản tố.
Cách hiểu thứ hai: bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Mặc dù khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 210 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây: “a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết”. Do đó, có thể xác định thời điểm cuối cùng bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải[14].
Cách hiểu thứ ba: việc quy định “quyền” đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải không mang tính bắt buộc.
“Quyền” ở đây có nghĩa là bị đơn có thể làm hoặc không làm những gì mà pháp luật không cấm. Do đó, việc đưa ra hoặc không đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là do bị đơn tự quyết định (Điều 5 Bộ luật TTDS năm 2015 về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự)[15]. Theo cách hiểu này, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp hoặc tại phiên họp hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Chúng tôi đồng tình với cách hiểu thứ nhất. Bởi những lý do sau:
Thứ nhất, pháp luật đã minh thị rõ ràng bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Nếu bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm này thì Tòa án phải trả lại đơn yêu cầu phản tố.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 210 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Thẩm phán hỏi bị đơn về việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố chứ không phải là hỏi bị đơn có yêu cầu phản tố hay không như cách hiểu của quan điểm thứ hai nêu trên. Do đó, cách hiểu thứ hai là không đúng với bản chất quy định của Bộ luật TTDS năm 2015.
Thứ hai, pháp luật đã trao “quyền” cho bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố theo thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015. Nếu bị đơn không thực hiện quyền đưa ra yêu cầu phản tố thì đồng nghĩa mặc nhiên từ chối “quyền” của mình. Cũng giống như trường hợp pháp luật TTDS cho phép đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Nếu những chủ thể trên không thực hiện quyền kháng cáo trong thời hạn quy định của Điều 273 Bộ luật TTDS năm 2015 thì họ mặc nhiên bị mất quyền kháng cáo.
Trong vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tòa án vận dụng theo cách hiểu thứ nhất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc Tòa án áp dụng luật có đúng hay không? Trong quá trình giải quyết vụ án này cũng như tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, các đương sự, Viện kiểm sát và Tòa án đã có những quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm của nguyên đơn: Việc Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vũ (ngày 18/07/2016) sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử (ngày 21/06/2016) là trái với quy định của khoản 3 Điều 176 Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011[16]. Bởi vì, theo quy định của khoản 3 Điều 176 Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Vì vậy, Tòa án phải trả lại đơn yêu cầu phản tố. Theo quan điểm này, phía nguyên đơn đang áp dụng những quy định của Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011.
Quan điểm của bị đơn: Tòa án đã thông báo và bị đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí (ngày 05/9/2016) theo yêu cầu phản tố của bị đơn. Tại phiên tòa ngày 27/3/2019, bị đơn đối chiếu với Bộ luật TTDS năm 2015 thì bị đơn phản tố và Tòa án thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quan điểm này, bị đơn đang hiểu và áp dụng quy định của Bộ luật TTDS năm 2015.
Quan điểm của Viện kiểm sát: Phía Viện kiểm sát không có ý kiến về vấn đề thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn và việc thụ lý yêu cầu phản tố của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Quan điểm của Tòa án: Tòa án cho rằng, về thời điểm đưa yêu cầu phản tố của bị đơn là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo nhận định của Tòa án, ngày 18/07/2016 phía bị đơn ông Đặng Lê Nguyên Vũ có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án xem xét. Ngày 30/08/2016, TAND TP. HCM đã ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí số 5881/TB-TA, tại biên lai đóng tạm ứng án phí số AA/2016/0031054 ngày 05/09/2016 tại Cục thi hành án dân sự TP. HCM, phía bị đơn đã nộp đủ số tiền tạm ứng án phí là 1.310.487.347 đồng.
Tòa án đã căn cứ khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 để thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Bởi vì, sau khi thụ lý yêu cầu phản tố thì Tòa án tiến hành thủ tục mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, Tòa án có cơ sở cho rằng việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn là đúng với quy định của Bộ luật TTDS năm 2015. Theo quan điểm này, Tòa án đã áp dụng quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 để giải quyết vụ án.
Chúng tôi cho rằng, quan điểm của Tòa án và bị đơn là không hợp lý vì lý do sau:
Thứ nhất, theo quy định của khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật TTDS, “đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/7/2016, nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết”. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu vụ việc dân sự đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/7/2016 và đang được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01/7/2016 thì Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 sẽ được áp dụng.
Vụ án nêu trên đang được TAND TP. HCM giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 21/6/2016 (Trước ngày Bộ luật TTDS năm 2015 có hiệu lực là ngày 01/7/2016). Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì Tòa án phải áp dụng Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 để giải quyết vụ án.
Thứ hai, nếu áp dụng Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì Tòa án chỉ được thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn khi yêu cầu phản tố được đưa ra trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Trong vụ án trên, bị đơn đã đưa ra yêu cầu phản tố ngày 18/07/2016, sau ngày Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (ngày 21/6/2016).
Do vậy, chúng tôi cho rằng, Tòa án phải áp dụng Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 để giải quyết vụ án; đồng nghĩa với việc Tòa án phải trả lại đơn yêu cầu phản tố vì lý do bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm quy định của khoản 3 Điều 176 Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011.
4. Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thời điểm bị đơn thực hiện quyền yêu cầu phản tố
Trong thực tiễn, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn bởi những quy định liên quan. Cụ thể:
Thứ nhất, sự xuất hiện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ảnh hưởng đến quyền yêu cầu phản tố của bị đơn.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 200 của BLTTDS 2015 quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.
Cụ thể, theo quy định của khoản 1 Điều 199 Bộ luật TTDS năm 2015, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, kèm theo yêu cầu phản tố (nếu có). Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì thời điểm bắt đầu thực hiện quyền phản tố của bị đơn là ngay khi nhận được thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án. Tuy nhiên, vào thời điểm này, bị đơn chỉ có thể thực hiện được quyền phản tố đối với nguyên đơn, hoàn toàn không thể yêu cầu bù trừ nghĩa vụ hay loại trừ yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi vì nếu trong đơn khởi kiện của nguyên đơn không đề cập đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì trong nội dung của thông báo thụ lý theo Điều 196 Bộ luật TTDS sẽ không có thông tin về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Do đó, việc khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” - được xem là thời gian kết thúc việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn là khó khả thi và hạn chế quyền yêu cầu phản tố của bị đơn. Nói cách khác, tại phiên họp hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì không có quy định nào minh thị cho phép bị đơn thực hiện quyền phản tố.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật TTDS năm 2015, tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ xuất hiện trong vụ án dân sự khi người đó tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hoặc trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, dựa vào quy định trên thì Tòa án hoàn toàn có cơ sở để đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia vụ án tại thời điểm đã mở phiên họp hoặc sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Vấn đề đặt ra là khi đó bị đơn có được quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không?
Chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải thì bị đơn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, trong trường hợp nêu trên thì bị đơn vẫn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Để việc áp dụng pháp luật về yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự được thống nhất trong thực tiễn, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể các vướng mắc nêu trên.
Thứ hai, số lần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 có thể làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu phản tố của bị đơn.
Bộ luật TTDS năm 2015 quy định, “bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” là chưa chưa rõ ràng; bởi lẽ, quy định này áp dụng cho trước thời điểm mở phiên họp đầu tiên hay các phiên họp tiếp theo hay phiên họp cuối cùng?
Bên cạnh đó, Bộ luật TTDS năm 2015 cũng chưa quy định cụ thể khi nào thẩm phán tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, cũng như không giới hạn số lần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Căn cứ vào quy trình tố tụng, các phiên họp tiếp theo không thể được gọi là phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Do đó, có nhiều cơ sở để cho rằng, thời điểm bị đơn phản tố phải được thực hiện trước khi mở phiên họp đầu tiên theo thủ tục quy định tại Điều 210 Bộ luật TTDS năm 2015. Nếu sau khi thụ lý vụ án một thời gian ngắn, thẩm phán mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì thời gian để bị đơn cân nhắc, tìm kiếm, thu thập tài liệu, chứng cứ và thực hiện quyền yêu cầu phản tố sẽ bị hạn chế rất nhiều. Trong khi đó, thực tế giải quyết các tranh chấp dân sự cho thấy, chỉ sau khi tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải các đương sự nói chung, bị đơn nói riêng mới có đủ thông tin để quyết định việc có đưa ra yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập không. Điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu phản tố của bị đơn.
Để khắc phục bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành hướng dẫn cụ thể khi nào thẩm phán tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Để đảm bảo quyền lợi của bị đơn, Thẩm phán phải tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải sau khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều 203 Bộ luật TTDS năm 2015.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần hướng dẫn rõ nội dung bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đầu tiên hay cuối cùng. Vì đây là nội dung quan trọng để Tòa án xác định thụ lý hay không thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn./.
[1] Phạm Thị Thúy (2017), Quyền của bị đơn trong tố tụng dân sự, Luận văn Thạc sĩ luật học, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tr. 31. [2] Khoản 1 Điều 176 Bộ luật TTDS năm 2004. [3] Khoản 1 Điều 175 Bộ luật TTDS năm 2004. [4] Nguyễn Minh Hằng, Hà Văn Nâu (2010), Yêu cầu phản tố và thời điểm thực hiện yêu cầu phản tố từ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tạp chí Nghề luật, số 01, tr. 44 – 45. [5] Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn, Đặng Thanh Hoa (Chủ biên) và các tác giả khác (2012), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Nxb. Lao động – Xã hội, Hà Nội, tr. 100. [6] Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Tuấn, Đặng Thanh Hoa (Chủ biên) và các tác giả khác (2012), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Nxb. Lao động – Xã hội, Hà Nội, tr. 100. [7] Khoản 3 Điều 176 Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011. [8] Khoản 3 Điều 200 Bộ luật TTDS năm 2015. [9] Part 20.4 of The Civil Procedure Rules of England: “A defendant may make a counterclaim against a claimant – (a) without the court’s permission if he files it with his defence; or (b) at any other time with the court’s permission)”; https://www.justice.gov.uk/courts/procedure-rules/civil/rules/part20, truy cập ngày 11/08/2019. [10] Article 146 of Code of Civil Procedure of Japan: “(1) The defendant may file a counterclaim with the court where the principal action is pending up until such time as oral arguments have reached a conclusion, but only if the subject matter of the counterclaim is a claim with a bearing on the claim that is the subject matter of the principal action or with a bearing on the means of defense”; http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=2834&vm=02&re=02, truy cập ngày 11/08/2019. [11] Rule 12 of Federal Rules of Civil Procedure in US: “(1) In General. Unless another time is specified by this rule or a federal statute, the time for serving a responsive pleading is as follows: (A) A defendant must serve an answer: (i) within 21 days after being served with the summons and complaint; or (ii) if it has timely waived service under Rule 4(d), within 60 days after the request for a waiver was sent, or within 90 days after it was sent to the defendant outside any judicial district of the United States”; https://www.uscourts.gov/sites/default/files/cv_rules_eff._dec._1_2018_0.pdf, truy cập ngày 11/08/2019. [12] Article 259 of Taiwan Code of Civil Procedure: “The defendant may, prior to the conclusion of the oral argument, raise a counterclaim against the plaintiff and the persons with regard to whom the counterclaim shall be adjudicated jointly in the court where the plaintiff's claim is pending”; https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawAll.aspx?pcode=B0010001, truy cập ngày 08/09/2019. [13] Bản án số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/03/2019 của Tòa án nhân dân Tp. HCM về việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình. [14] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/thoi-diem-cuoi-cung-dua-ra-yeu-cau-phan-to-yeu-cau-doc-lap, truy cập ngày 28/5/2020. [15] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/ve-thoi-diem-bi-don-duoc-dua-ra-yeu-cau-phan-to, truy cập ngày 28/5/2020. [16] Khoản 3 Điều 176 Bộ luật TTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”. |
NGUYỄN NGỌC SƠN Công ty Luật TNHH MTV E&V (Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp) |