/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần Thơ: Dân “kêu trời” với các dự án đại học

Cần Thơ: Dân “kêu trời” với các dự án đại học

05/01/2021 17:57 |

LSVNO - Những năm qua, TP. Cần Thơ chủ trương phát triển giáo dục đại học bằng chính sách khuyến khích mở trường mới và ổn định nơi ở cho cán bộ, giáo viên. Nhiều dự án được triển khai và không ít t...

LSVNO - Những năm qua, TP. Cần Thơ chủ trương phát triển giáo dục đại học bằng chính sách khuyến khích mở trường mới và ổn định nơi ở cho cán bộ, giáo viên. Nhiều dự án được triển khai và không ít trong đó đang bị dân “kêu trời”.

“Lừa gạt người ta”?

Thương binh Lê Quốc Khánh (nhà số 404/12 Nguyễn Văn Linh, phường An Khánh, Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) bức xúc cho rằng, Ban quản lý Khu nhà ở cán bộ-giáo viên Trường Đại học Cần Thơ đã “lừa gạt người ta”. Để chứng minh, ông Khánh đưa ra xấp hồ sơ, khi làm biên bản đổi đất thì Ban quản lý giới thiệu sơ đồ có con đường rộng 21 m để ông chọn nhưng bây giờ thực tế đường chỉ rộng 4,5 m.

Hồ sơ gồm “biên bản đổi nền tái định cư” ngày 07/8/2014, đóng dấu Trường Đại học Cần Thơ, lấy của ông 320,1 m2 đất vườn và đổi cho ông 90 m2 là “nền góc tiếp giáp với đường số 1 và đường số 7”. Kèm theo là Quyết định phê duyệt số 3519/QĐ-UBND (ngày 16/12/2010) của UBND TP. Cần Thơ, trong đó quy định đường số 1 rộng 21 m, gồm lòng đường 09 m và hai vỉa hè, mỗi vỉa hè 06 m. Bên cạnh còn có “Bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan” do Viện Quy hoạch xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ vẽ, thể hiện đường số 1 rộng 21 m với hai hàng cây xanh.

Thực tế hiện nay, ông Khánh chỉ con đường số 1 có dãy nhà cao tầng đã xây dựng, chỉ rộng 4,5 m gồm lòng đường 03 m và một vỉa hè 1,5 m. Nhiều giáo viên ở Trường Đại học Cần Thơ xây nhà bên con đường cũng bày tỏ sự bất bình, khi mua nền được giới thiệu đường rộng 21 m, nay chỉ 4,5 m nên “đi lại sinh hoạt rất bí bức”.

 

Ông Lê Quốc Khánh chỉ con đường số 1 khi đổi đất được giới thiệu rộng 21 m nhưng thực tế hiện nay chỉ 4,5 m.

Trưởng ban Quản lý dự án Nguyễn Văn Linh giải thích: “Quy hoạch năm 2003 không có đường số 1. Vì vậy, Ban quản lý dự án phải tận dụng vỉa hè để làm tạm thời đường đi khoảng 3 m và vỉa hè khoảng 2 m. Sau này, thành phố có quy hoạch mở rộng thêm 9 m. Do kinh phí của dự án chưa cho phép bồi thường phần đất này nên đường số 1 mở rộng sẽ làm sau”.

Với giải thích này, những người đang bức xúc càng bức xúc vì họ nói, nếu quy hoạch không có đường số 1 thì làm sao có dãy nền bên đường số 1 để bán, và lại có “vỉa hè để làm tạm thời đường đi”?

Giải thích của Trưởng ban Linh còn khiến ông Khánh bất bình thêm ở việc thực hiện và quản lý quy hoạch. Trở lại con đường số 7 đi sát nền đất đổi cho ông, cũng là cửa ngõ khu dân cư ra Quốc lộ 91B, ông Khánh chỉ một số nơi được Ban quản lý cho xây dựng “nhếch nhác”. Đó là những mảnh đất “siêu méo, siêu mỏng” do quy hoạch gây ra, nằm sát đường, nơi đã xây dựng làm chỗ bán hàng, nơi còn ngổn ngang gạch đá vì người dân phản đối và cán bộ phường kịp thời có mặt ngăn cản.

Cán bộ phụ trách lĩnh vực nhà đất của phường An Khánh nói, quản lý dự án là công đoàn nhà trường nên thực hiện quy hoạch có nhiều lúng túng, cửa ngõ cũng xây dựng nham nhở và đầy cỏ rác, phường đang báo cáo cấp trên để chấn chỉnh.

 

Một công trình siêu méo cất lên để bán vật liệu xây dựng tại cửa ngõ Khu nhà ở cán bộ-giáo viên Trường Đại học Cần Thơ.

 

Một công trình siêu mỏng tại cửa ngõ Khu nhà ở cán bộ-giáo viên Trường Đại học Cần Thơ vừa bị cán bộ phường An Khánh ngăn cản xây dựng.

Trăm hộ mòn mỏi tái định cư

Cũng ở phường An Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ) mở ra Dự án Trường Đại học Y Dược TP. Cần Thơ từ cuối năm 2002, nay trường đã dạy nhiều khóa nhưng vẫn còn 109 hộ với 122 nền tái định cư “mòn mỏi chờ đợi”. Một kiến nghị của tập thể các hộ dân vừa được gửi đến nhiều cơ quan TP. Cần Thơ.

Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, Dự án xây dựng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thu hồi 30,95 ha đất với tổng số tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng là 702 trường hợp. Đến nay, đã phê duyệt tái định cư cho 580 trường hợp với 665 nền (cấp và bán), còn lại được cho là không đủ điều kiện tái định cư nên chưa giải quyết. Trong số được phê duyệt, đã giao 543 nền, còn 122 nền chưa có đất để giao.

Giải quyết vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ-Đào Anh Dũng cho hay: “Thành phố đang dự kiến mua 126 nền tại Khu đô thị tái định cư Cửu Long ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy để bố trí tái định cư cho các trường hợp còn lại bị ảnh hưởng bởi Dự án Trường Đại học Y Dược Cần Thơ”. Bao giờ người dân có thể nhận đất tái định cư thì ông Dũng chưa khẳng định.

Gần 20 năm chưa lo xong tái định cư cho hàng trăm hộ dân khi mở ra một trường đại học, có nguyên nhân là từ đầu không lo việc tái định. Dự án Trường Đại học Y Dược TP. Cần Thơ mở ra cuối năm 2002, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì phải hoàn thành trước ngày 31/12/2005.

Thế nhưng, ngày 31/01/2008 mới khởi công xây dựng và lúc đó, Bộ Y tế cùng UBND TP. Cần Thơ chưa xây dựng khu tái định cư cho dự án. Thời điểm khởi công, mới giải quyết được 58 nền tái định cư cho các hộ dân nhường khu đất làm lễ.

Việc giải quyết tái định cư kéo dài, theo thời gian số hộ không ngừng tăng lên, thống kê tháng 12/2003 có 431 hộ dân mất đất nhưng đến năm 2008 tăng lên 599 hộ và hiện nay theo Sở TN&MT đã là 702 hộ.

Tăng thêm nữa hay không thì chưa cơ quan nào trả lời được, còn hàng trăm hộ dân vẫn hàng ngày “kêu trời” với thực trạng thiếu chuyên nghiệp trong triển khai dự án đại học.

                                                                                          Thanh Hải