/ Luật sư - Bạn đọc
/ Thu hồi giấy phép cà phê đường tàu: Nên hay không nên?

Thu hồi giấy phép cà phê đường tàu: Nên hay không nên?

16/09/2022 12:08 |

(LSVN) - Muộn nhất trong 03 ngày (từ ngày 15 - 17/9), quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, vấn đề này đã gây ra tranh cãi không ít, điều khiến dư luận băn khoăn là, có nên hay không nên thu hồi giấy phép kinh doanh của các hộ này? Và nếu quả thực các hộ kinh doanh này có giấy phép, thì ai đã cấp phép kinh doanh trong hành lang an toàn đường sắt? Cần xem xét trách nhiệm của người đã cấp phép ra sao?

  

Ảnh minh họa.

Liên quan đến việc Hà Nội đóng cửa các quán cà phê đường tàu đang gây tranh cãi về việc phát triển du lịch và an toàn giao thông. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của các hộ kinh doanh cà phê đường tàu trước 17/9.

Theo đó, muộn nhất trong 03 ngày (từ ngày 15 - 17/9), quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt (các hộ kinh doanh này có hộ khẩu tại khu vực chắn 5 Trần Phú nhưng kinh doanh ở một vị trí khác).

Vấn đề này đã gây tranh cãi không ít, điều khiến dư luận băn khoăn là, có nên hay không nên thu hồi giấy phép kinh doanh của các hộ này? Bên cạnh đó, nếu quả thực các hộ kinh doanh này có giấy phép, thì ai đã cấp phép kinh doanh trong hành lang an toàn đường sắt? Cần xem xét trách nhiệm của người đã cấp phép ra sao?

"Nếu vi phạm pháp luật về an toàn đường sắt thì phải dừng, phải cấm"

Về vấn đề có nên hay không nên thu hồi giấy phép kinh doanh loại hình cà phê đường tàu, theo nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiệm kì 2016-2021) Bùi Văn Xuyền cho biết, cần ưu tiên vấn đề tính mạng con người trong an toàn giao thông, cụ thể là an toàn giao thông đường sắt là quan trọng nhất, những vấn đề còn lại nên được đặt phía sau.

Đại biểu cho rằng, việc cấp giấy phép kinh doanh cho các chủ cơ sở quản lý quán cà phê đường tàu cần phải được đối chiếu với các quy định pháp luật, cụ thể là các quy định pháp luật về Luật Doanh nghiệp, Luật An toàn giao thông đường bộ, Luật Đường sắt,... nếu một trong các quy định pháp luật xung đột với thì cần phải có biện pháp nhằm tháo gỡ và giải quyết.

"Nếu có thể đạt hài hòa tất cả điều kiện thì cơ quan quản lý mới cho phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn và lộ trình đăng ký kinh doanh cho các chủ cơ sở. Cụ thể, thời điểm nào chủ cơ sở được phép kinh doanh, thời điểm nào chủ cơ sở không được phép kinh doanh. Còn nếu như các chủ cơ sở kinh doanh tại cà phê đường tàu vi phạm pháp luật về đường sắt, về an toàn giao thông thì phải dừng, phải cấm", Đại biểu nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, trước đó mặc dù đã ngăn cấm và không cho phép loại hình cà phê đường tàu này được mở cửa kinh doanh và buôn bán. Tuy nhiên, biện pháp này dường như không đem lại hiệu quả, đồng thời làm mất thời gian nhân lực và nguồn lực của Nhà nước.

Theo đó, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến kiến nghị, thay vì cấm thì cơ quan quản lý cần hợp thức hóa loại hình này bằng cách tạo ra chính sách và môi trường quản lý phù hợp. Cụ thể, việc quy hoạch thành tuyến phố, tạo hành lang an toàn giữa các quán và đường sắt, lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo khi có tàu chạy qua và hệ thống hàng rào mở - tạo khoảng cách an toàn, lắp đặt các biển báo cảnh cáo người lái tàu và hạn chế tốc độ tàu khi qua khu vực tàu chạy nên là những biện pháp cần thiết để góp phần tạo ra các giá trị du lịch cho Hà Nội cũng như vừa là một biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách cũng như vừa tuân thủ các quy định pháp luật. Bởi theo Tiến sĩ, trước khi ban hành lệnh cấm hay tiến hành quy hoạch thì cũng cần có những nghiên cứu và đánh giá cụ thể tình hình thực tế rồi sau đó mới quyết định.

Xem xét đến quyền lợi của các hộ dân theo quy định pháp luật

Phân tích pháp lý vấn đề trên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, việc đảm bảo an toàn đường sắt là vấn đề quan trọng, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người dân sống xung quanh khu vực đường sắt. Tuy nhiên, việc thu hồi giấy phép kinh doanh, cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự thì phải có căn cứ và trên cơ sở trình tự thủ tục luật định, do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Theo Luật sư, thực tế cho thấy các hộ kinh doanh ở đây có giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vì vậy, việc Hà Nội quyết tâm dẹp bỏ các hàng quán thuộc khu vực hành lang bảo vệ đường sắt để đảm bảo an toàn đường sắt còn tùy thuộc vào các biện pháp thực hiện như thế nào, trên cơ sở thứ tự, thủ tục luật định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân kinh doanh, sinh sống tại khu vực này.

Theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp việc kinh doanh hợp pháp, địa điểm kinh doanh có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khi Nhà nước mở đường, làm đường sắt, thay đổi quy hoạch sử dụng đất thì Nhà nước cũng có quyền thu hồi. Tuy nhiên, phải bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo quy định pháp luật.

Đối với các hộ kinh doanh vi phạm hành lang an toàn đường sắt thì cũng cần phải xem xét, nguồn gốc đất, quá trình đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh, mưu sinh của nhiều hộ gia đình ở đây.

Thực tế cho thấy có những hộ kinh doanh ở đây đã rất lâu và là nguồn sống mưu sinh cả gia đình, việc kinh doanh có giấy phép, thậm chí còn có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Bởi vậy, khi chính quyền thay đổi cơ chế chính sách mà giải tỏa khu vực này hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh thì phải xem xét đến quyền lợi của các hộ dân theo quy định pháp luật.

Luật sư cho biết, để giải tỏa hành lang đảm bảo an toàn đường sắt thì cơ quan chức năng có thể phải thực hiện các thủ tục hành chính như thu hồi đăng ký kinh doanh, tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt. 

Đối với việc thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể đối với hộ kinh doanh cá thể thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật, theo trình tự thủ tục luật định.

Còn đối với các cơ sở kinh doanh mà đăng ký thành lập doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp thì việc thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở của Luật Doanh nghiệp 2020.

"Với mọi chính sách mới, những thay đổi về quy hoạch thì cần phải có những hình thức tuyên truyền phổ biến phù hợp. Khi thực hiện các thủ tục hạn chế quyền kinh doanh, tháo dỡ công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến đời sống mưu sinh của người dân thì cần phải vận động tuyên truyền thuyết phục, giải thích về việc thực hiện các thủ tục hành chính phải trên cơ sở chính các quy định pháp luật, đảm bảo an sinh xã hội thì mới hạn chế khiếu kiện", Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Xem xét trách nhiệm của người cấp phép thế nào?

Về vấn đề ai cấp phép cho loại hình cà phê đường tàu kinh doanh tại hộ gia đình, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, các trường hợp kinh doanh chia làm 02 nhóm: Các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể.

Theo đó, việc cấp giấy phép kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể sẽ do Phòng Kinh tế của UBND cấp quận là cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành lang đường sắt. Đối với đường sắt tốc độ cao trong đô thị là 05m, ngoài đô thị là 15m; với đường sắt không phải tốc độ cao thì hành lang quy định là 03m.

Như vậy, với trường hợp xây dựng hoặc kinh doanh trong hành lang đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét đối với Giấy chứng nhận cấp phép kinh doanh với các quán cà phê đường tàu mà xác định là các giấy này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì trước hết phải xác định các trường hợp này thuộc trường hợp được phép thu hồi.

Trong trường hợp thu hồi do cấp sai thì có phần trách nhiệm của cán bộ, cơ quan cấp phép. Cấp sai như vậy ảnh hưởng đến an toàn đường sắt, có thể gây ra các vụ tai nạn thì trách nhiệm không hề nhỏ. 

Theo đó, trách nhiệm ở đây là trách nhiệm của công chức vi phạm quy định về quản lý hành chính, vi phạm quy định quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Tùy vào hậu quả cụ thể, yếu tố lỗi và động cơ để có thể xem xét kỷ luật, xử phạt hành chính.

Nếu có hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự vì thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ.

"Tôi cho rằng, ở đây cơ quan chức năng phải kiểm tra với từng giấy phép để xem điều kiện khi xem cấp phép, cơ quan cấp phép có đúng thẩm quyền, trình tự, căn cứ hay không, từ đó xác định có sai hay không, ai là người sai, sai ở đâu. Trên cơ sở đó mới có thể áp dụng được các chế tài", Luật sư nói.

HOÀNG QUÝ

Vụ trộm xe ô tô của chính mình tại bãi trông giữ xe tang vật: Chưa đủ căn cứ truy tố bị can tội 'Trộm cắp tài sản'

Admin