/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thu thuế thu nhập cá nhân kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử: Bất cập và giải pháp

Thu thuế thu nhập cá nhân kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử: Bất cập và giải pháp

20/07/2021 16:58 |3 năm trước

(LSVN) - Thuế thu nhập cá nhân là một trong những sắc thuế không thể thiếu và đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thu Ngân sách cho Nhà nước và thực hiện các chức năng quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế, xã hội trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, những quy định về việc thu thuế thu nhập cá nhân kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử vẫn thể hiện nhiều bất cập. Chính vì vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan quản lý thuế cho các sàn giao dịch thương mại điện tử và cả các cá nhân kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử này.

  

Ảnh minh họa. 

Hiện nay, do sự phát triển của thương mại điện tử, mà nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử đã được hình thành và thu hút số đông người dùng sử dụng. Có thể kể đến 04 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay như: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi sự phát triển thương mại điện tử lên cao trào tại Việt Nam thì các cơ quan quản lý thuế mới đặt ra vấn đề quản lý thuế thu nhập của những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng của sàn giao dịch thương mại điện tử như thế nào.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 về Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, tại điểm d khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế đối với trường họp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân như sau: “Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thế. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ, email, số điện thoại liên lạc, hàng hóa, dịch vụ cung cấp, doanh thu kinh doanh, tài khoản ngân hàng của người bán, thông tin khác liên quan”.

Một số bất cập

Thứ nhất, cách thức thu thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính lựa chọn phương thức để cho các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ nộp thay các cá nhân, tổ chức kinh doanh là một cách thức phù hợp đứng dưới góc độ quản lý thuế thu nhập cá nhân của cơ quan nhà nước. Nghĩa là, thay vì cơ quan quản lý thuế sẽ phải thu thuế của từng cá nhân kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử thì cơ quan quản lý thuế sẽ quản lý từ đầu mối là các sàn giao dịch thương mại điện tử - đơn vị cho phép các cá nhân kinh doanh online trên nền tảng thương mại điện tử của họ. Cơ sở để thực hiện việc này đó là nếu các cá nhân nào không đóng thuế cho sàn giao dịch thương mại điện tử thì sàn giao dịch này có thể khóa tài khoản kinh doanh của họ để không phát sinh thu nhập.

Ngoài ra, các sàn giao dịch thương mại điện tử có thể thu thuế từ việc nhận hộ thu nhập từ các đơn hàng của các cá nhân kinh doanh online trên nền tảng thương mại điện tử. Sau một thời gian khi các sàn thương mại điện tử miễn phí mở tài khoản và giao dịch buôn bán thì đến nay, hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử đã tiến hành thu phí, được gọi là phí thanh toán. Người bán sẽ chịu trách nhiệm chi trả phí thanh toán bán hàng này. Hiện nay, trên Shopee đang tính phí thanh toán là 2.2% trên tổng giá trị đơn hàng [1] Tiki là 1% [2]. Do đó, trên cơ sở quản lý các đơn hàng của người bán, các sàn giao dịch có thể tính thu nhập theo năm của một người bán hàng online và giúp cơ quan thuế tính và thu thuế thu nhập cá nhân.

Quy định này cũng có những lợi thế nhất định cho người bán trong việc nộp thuế, đó là họ sẽ không cần làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý thuế mà sẽ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử mà mình kinh doanh để tiến hành nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, điều này lại khiến cho các sàn giao dịch thương mại điện tử phải bố trí thêm nhân sự để giúp cơ quan quản lý thuế thực hiện việc này.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo ủy quyền của pháp luật dân sự. Nghĩa là người bán phải làm thủ tục ủy quyền cho sàn giao dịch thương mại điện tử thay mình nộp thuế cho cơ quan thuế. Đây là một trong những vấn đề có thể cản trở việc thu thuế của cơ quan nhà nước nếu cơ quan nhà nước và sàn thương mại điện tử không có sự phối hợp để tạo ra các nghĩa vụ bắt buộc khi đăng ký bán hàng trên sàn thương mại điện tử và yêu cầu người bán hàng phải tuân thủ nghiêm túc thì sẽ dẫn đến việc khó thu thuế thu nhập của họ.

Ngoài ra, đối với những người bán có địa chỉ ở nước ngoài và phát sinh các thu nhập tại Việt Nam thì việc thu thuế của những đối tượng này chưa được làm rõ. Bởi đây không phải là các các nhân thường trú tại Việt Nam theo nghĩa thông thường, nhưng họ lại có hoạt động kinh doanh thương mại thường xuyên ở Việt Nam do người tiêu dùng Việt Nam đặt mua hàng của các cá nhân kinh doanh online này trên các sàn thương mại điện tử.      

Thứ hai, khoảng thời gian chờ để nộp thuế

Thông tư 20/2021/TT-BTC cho phép trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân. Thông tư 20/2021/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2021. Nghĩa là từ 01/8/2021, các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, Thông tư 20/2021/TT-BTC cho phép trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải nắm bắt được các thông tin của các cá nhân kinh doanh này.

Một vấn đề đặt ra là “thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay” này là xuất phát từ nguyên nhân do cơ quan nhà nước chưa có cơ chế thu thuế hay nguyên nhân do từ phía các các nhân chậm cung cấp thông tin để tiến hành kê khai thuế, nộp thuế. Bên cạnh đó, “thời gian chưa thực hiện” này là bao lâu, nếu như các cá nhân không chủ động ủy quyền cho các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không có bất kỳ động thái nào để thực hiện quy định này của nhà nước. Việc nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh này chỉ được phát sinh nếu có ủy quyền theo pháp luật dân sự, nếu không có hành vi ủy quyền này, rất khó để cơ quan thu thuế có thể thu thuế các các nhân kinh doanh này từ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Như vậy, từ hai vấn đề nêu trên trong quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC, có thể thấy những bất cập hiện tại và sự mơ hồ trong việc nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan nhà nước.

Đề xuất hoàn thiện

Trên cơ sở phân tích nêu trên, tác giả cho rằng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan quản lý thuế cho các sàn giao dịch thương mại điện tử và cả các cá nhân kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử này.

Thứ nhất, tạo ra cơ chế ủy quyền bắt buộc cho sàn giao dịch thương mại điện tử

Trên cơ sở các nội dung của Thông tư 40/2021/TT-BTC, cơ quan quản lý thuế muốn thu thuế của các cá nhân kinh doanh online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử phải đưa ra cơ chế về một trong những thủ tục đăng ký kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử là phải chấp nhận điều khoản ủy quyền cho chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ đóng thuế thay cho họ. Tiếp đó, nếu các cá nhân kinh doanh online không thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc kê khai các thông tin cần thiết phục vụ cho việc đóng thuế thì sẽ bị hủy tài khoản kinh doanh online.

Thứ hai, tạo ra cơ chế tạm tính thuế thu nhập cá nhân trước khi phát sinh thu nhập

Thông thường việc tính thuế thu nhập cá nhân hoặc doanh nghiệp sẽ được tính sau 1 năm và vào thời điểm cuối năm để tính tổng thu nhập trong một năm và các cá nhân sẽ nộp thuế thu nhập trên cơ sở đó. Tuy nhiên, đối với các cá nhân kinh doanh online trên các nền tảng thương mại điện tử thì tác giả cho rằng việc thu thuế sau như vậy sẽ có những bất lợi nhất định do sự không ổn định và khó quản lý kiểm soát các đối tượng này. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên đặt ra cơ chế tạm tính thuế thu nhập cá nhân và yêu cầu nộp trước khi phát sinh doanh thu trên sàn giao dịch điện tử.

Cụ thể là sau khi hoàn tất đăng ký thủ tục kinh doanh online trên sàn giao dịch thương mại điện tử, cá nhân này sẽ nộp một khoản phí nhất định cho sàn giao dịch thương mại điện tử để sau kì kết thúc tính thuế thì cơ quan nhà nước có thể khấu trừ thuế từ khoản phí đó. Nếu thuế thu nhập phải nộp cao hơn với khoản phí họ đã nộp từ đầu thì yêu cầu nộp bổ sung cho sàn giao dịch thương mại điện tử. Việc nộp thuế trước này tạo ra một cơ chế bắt buộc các cá nhân phải hiểu rõ trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước và cũng giảm bớt các cá nhân kinh doanh online nhỏ lẻ, không có ý định kinh doanh online lâu dài.

Như vậy, phải thực hiện hai biện pháp này thì mới đủ đảm bảo được cơ quan nhà nước có thể thu thuế của các các nhân kinh doanh online thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.

===========

[1] https://banhang.shopee.vn/edu/article/251.

[2] https://tiki.vn/ban-hang-cung-tiki/chi-phi-ban-hang.

Thạc sĩ NGUYỄN MAI LINH

Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội

Trình tự, thủ tục để F0, F1 nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng