Thừa kế của người chưa đủ tuổi kết hôn chung sống như vợ chồng

30/03/2021 08:30 | 3 năm trước

(LSVN) - Thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về chia di sản thừa kế có vướng mắc trong trường hợp người nam, nữ chung sống như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn trước ngày 03/01/1987 và không đăng ký kết hôn. Tại thời điểm người nam hoặc người nữ chết thì cả hai đã đủ tuổi kết hôn theo quy định hiện hành. Vậy trường hợp này người sống có được hưởng di sản do người chết để lại?

Tại điểm a khoản 1 phần II của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn như sau: Trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, nếu có một bên chết trước, thì bên vợ hoặc chồng còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Quy định này trong thực tiễn được hiểu là người nam và người nữ sống chung như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 nhưng sau đó không đăng ký kết hôn và khi một người chết trước thì người còn sống được quyền hưởng di sản của người chết để lại. 

Việc người nam và người nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 thực tiễn có hai trường hợp như sau: 

- Trường hợp thứ nhất: người nam hoặc người nữ hoặc cả hai người nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn. 

- Trường hợp thứ hai: cả hai người nam, nữ đã đủ tuổi kết hôn. Trường hợp này thực tiễn không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, đối với trường hợp thứ nhất thì thực tiễn còn có quan điểm khác nhau. 

Quan điểm thứ nhất: Do người nam hoặc người nữ hoặc cả hai người nam, nữ tại thời điểm chung sống như vợ chồng không đủ tuổi kết hôn nên mặc dù họ sống chung trước ngày 03/01/1987 nhưng không được coi là quan hệ vợ chồng vì không thuộc trường hợp hôn nhân thực tế. Hôn nhân thực tế được hướng dẫn như sau: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000” (theo khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội).

Tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp có hướng dẫn như sau: “Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì tòa án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Như vậy, hôn nhân thực tế theo hướng dẫn trên được hiểu là phải đáp ứng 2 điều kiện: Một là, hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn; Hai là, hai bên nam, nữ phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 (trừ những trường hợp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trước giải phóng lấy tiếp vợ hai theo hướng dẫn của Thông tư số 60 ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao). Vì vậy, trường hợp này, người còn sống không được quyền hưởng di sản của người chết để lại vì không được công nhận là vợ chồng.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Tại thời điểm chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, mặc dù người nam hoặc người nữ hoặc cả hai người nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng tại thời điểm mở thừa kế thì họ đã đủ tuổi kết hôn nên vẫn công nhận họ là vợ chồng. Bởi vì, khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau: “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.

Đối chiếu pháp luật về hôn nhân và gia đình trước thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thì không có quy định về hôn nhân thực tế. Do đó, tòa án sẽ áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và quy định pháp luật liên quan để xem xét quan hệ hôn nhân giữa người nam và người nữ trong trường hợp này. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội và hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp thì trường hợp này người nam và người nữ được pháp luật công nhận là vợ chồng. Vì vậy, người còn sống được quyền hưởng di sản do người chết để lại.

Cùng một vấn đề nhưng thực tiễn lại có hai cách hiểu khác nhau. Từ hai cách hiểu này dẫn đến việc giải quyết vụ án là trái ngược nhau, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nếu việc giải quyết vụ án không đúng pháp luật. Xuất phát từ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn như đã nêu, tác giả đề xuất cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp hai người nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và không đăng ký kết hôn. Nếu tại thời điểm mở thừa kế cả người nam và nữ đã đủ tuổi kết hôn thì người còn sống là người nam hoặc người nữ có được hưởng di sản do người chết mà họ chung sống như vợ chồng để lại hay không. Tác giả đề xuất nội dung hướng dẫn như sau: Trường hợp người nam hoặc người nữ hoặc cả người nam và người nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và không đăng ký kết hôn; nếu tại thời điểm mở thừa kế cả người nam và nữ đã đủ tuổi kết hôn thì người còn sống được hưởng di sản do người chết mà họ chung sống như vợ chồng để lại.

Rất mong bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi vướng mắc trên để nhận thức pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.

DƯƠNG TẤN THANH

TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Bàn về khởi tố, giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại