/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực tiễn áp dựng Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015

Thực tiễn áp dựng Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015

15/10/2023 07:26 |

(LSVN) - Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản". Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tích cực phòng, chống tội phạm này. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý tội phạm này còn gặp phải khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Bài viết phân tích một số vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận dụng pháp luật để xử lý tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Ảnh minh họa.

Tình hình tội phạm hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Quyền sở hữu về tài sản là một trong những quyền cơ bản của con người, luôn được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lập pháp của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng thừa nhận quyền sở hữu là một quyền cơ bản của công dân và được Nhà nước bảo vệ chống lại mọi hành vi xâm hại.

Khoản 1 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về các tội phạm sở hữu. Căn cứ vào tính chất của mục đích phạm tội, các tội phạm trong Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể chia thành hai nhóm là nhóm các tội xâm phạm sở hữu có mục đích vụ lợi (tức là nhằm thu về những lợi ích vật chất cho cá nhân hay nhóm cá nhân) và nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu không có mục đích vụ lợi. Những năm qua, các loại tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn diễn ra phổ biến, với phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất manh động, liều lĩnh và gây ra những hậu quả nặng nề; trong đó có tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặc dù quá trình phạm tội không có mục đích vụ lợi về tài sản, tuy nhiên tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" là một trong những loại tội phạm có diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, nhiều vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, một số vụ án do các đối tượng hoạt động theo băng nhóm, có tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ, hung hãn, thể hiện thái độ coi thường pháp luật gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an trong vòng 05 năm (từ 2017 đến đến năm 2022), trên địa bàn cả nước xảy ra 5.278 vụ hủy hoại tài sản, thiệt hại hàng tỉ đồng mỗi năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.

Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015

Đảng và Nhà nước ta đangtrong giai đoạn từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền đang tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành trước đó phục vụ quá trình hoạt động quản lý xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để lực lượng cảnh sát hình sự tham mưu, kiến nghị hoàn thiện Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" vì quá trình áp dụng hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau và gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, điều luật mới chỉ nêu tên của tội danh mà không mô tả hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm. Việc không mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" dẫn đến nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, cần thiết nên bổ sung quy định mô tả hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm.

Thứ hai, về các dấu hiệu định tội danh, tại điểm d khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” và điểm e khoản 1 quy định “tài sản là di vật, cổ vật” trong trường hợp hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản dưới0 2 triệu đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý các trường hợp dưới 2 triệu đồng thay vì nhanh chóng ra quyết định xử lý hành chính như hiện nay thì phải buộc kiểm tra xem tài sản đó có phải là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc là di vật, cổ vật hay không? Điều này gây áp lực thêm về mặt thời gian tố tụng cũng như rủi ro nghề nghiệp cho những điều tra viên tiến hành tố tụng, hoặc trong trường hợp người phạm tội sai lầm hoặc không thể nào biết “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” hoặc “tài sản là di vật, cổ vật” thì xử lý ra sao? Tham khảo quy định của pháp luật hình sự các nước về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", chưa thấy có nước nào quy định tương tự như Bộ luật Hình sự Việt Nam. Về mặt lý luận, điều này đặt ra câu hỏi: khách thể chính của tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" là quyền sở hữu hay khách thể khác khi quy định bổ sung các dấu hiệu này?
Thứ ba, điểm c khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “tài sản là bảo vật quốc gia”. Theo quy định tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”. Bảo vật quốc gia là những vật đặc định, được công nhận bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, khi hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý xâm phạm tài sản là bảo vật quốc gia, chỉ cần căn cứ vào quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đang có hiệu lực hay còn cần phải qua giám định tài sản để khẳng định?

Bên cạnh đó, do quy định trong cùng một điều luật, hành vi khách quan không mô tả cụ thể nên khi định tội danh, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn dẫn đến định tội chưa thật chính xác giữa tội hủy hoại tài sản hay là cố ý làm hư hỏng tài sản trong cùng một vụ án. Đồng thời, theo chúng tôi, một trong những tiêu chí để phân biệt đó là dựa vào tài sản bị xâm phạm, cụ thể là xác định tài sản bị xâm phạm có phải là vật đồng bộ hay không? Tuy nhiên, việc xác định thế nào là vật đồng bộ hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau và chưa thống nhất.

Một số giải pháp khắc phục vướng mắc khi áp dụng Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015

Một là, có thể xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" trong Bộ luật Hình sự theo hướng tách Điều 178 thành hai tội riêng biệt, đó là “tội cố ý hủy hoại tài sản” và “tội cố ý làm hư hỏng tài sản”, đồng thời cần mô tả rõ ràng mặt khách quan của hai tội danh này và xây dựng chế tài hình phạt của hai tội này khác nhau, theo hướng giảm bớt hình phạt đối với tội cố ý làm hư hỏng tài sản, vì chế tài của tội cố ý làm hư hỏng tài sản được đặt chung với chế tài của tội hủy hoại tài sản là chưa thật sự phù hợp. Hành vi hủy hoại có tính nguy hiểm cao hơn hành vi cố ý làm hư hỏng, hai tội danh này được ghép trong một điều luật đã tạo ra bất hợp lý khi áp dụng. Đồng thời, nên cân nhắc về một số hình phạt bổ sung, cụ thể như: hình phạt “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Đây là loại hình phạt bổ sung không phát huy được tác dụng phòng ngừa tội phạm và nên có thể xem xét bỏ ra khỏi Bộ luật Hình sự.

Hai là, đối với quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” và “Tài sản là di vật, cổ vật”. Về mặt lý luận, điều này đặt ra câu hỏi khách thể chính của tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" là quyền sở hữu hay khách thể khác khi quy định bổ sung các dấu hiệu này. Vì vậy, các cơ quan chuyên trách cần đánh giá lại có nên giữ nội dung này hay không? Nếu có cần ban hành văn bản hướng dẫn về cách xử lý trường hợp người phạm tội sai lầm hoặc không thể nào biết “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” hoặc “tài sản là di vật, cổ vật”.

Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 (tài sản là bảo vật quốc gia) cần có văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết về cách thức thực hiện trong quá trình tố tụng, căn cứ để xác định tài sản là “tài sản là bảo vật quốc gia”. Theo quan điểm của tác giả, chỉ cần căn cứ vào quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đang có hiệu lực mà không cần qua giám định, điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức cho cán bộ tiến hành tố tụng và tránh được những chồng chéo phát sinh.

Ba là, đối với việc định giá tài sản là di vật, cổ vật, tài sản quyền sở hữu trí tuệ và tài sản là sinh vật cảnh, tranh ảnh, cây cối… Mặc dù Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã có hướng dẫn về vấn đề này nhưng thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn (chẳng hạn như về tiêu chuẩn của thành viên hội đồng định giá tài sản tương ứng với các lĩnh vực khác nhau) và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm tính chuyên môn, hạn chế tối thiểu sự chênh lệch về giá trị tài sản trong định giá so với thực tế, làm cơ sở cho cơ quan tiến hành tố tụng định tội danh được chính xác.

VÕ VĂN QUANG - LÊ VĂN NÔNG 

Học viện Cảnh sát Nhân dân

Nâng cao hoạt động giám định pháp y trong điều tra các tội phạm xâm hại tình dục

Nguyễn Hoàng Lâm