Quang cảnh Hội nghị.
Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà trong trường hợp người dân bị gây thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước gây nên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân. Điều này đã được quy định tại tại Điều 29, Hiến pháp 1959; Điều 73 Hiến pháp 1980, Điều 74 Hiến pháp 1992 và các Điều 30, 31 Hiến pháp 2013. Ngay các Điều 30, 31 Hiến pháp 2013 quy định, người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Thể chế hóa quy định của các Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được Nhà nước ban hành là Nghị định số 47/CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Tiếp đó, Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Tuy nhiên, các văn bản nêu trên chưa đáp ứng được các yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân do chỉ bó hẹp trong phạm vi hoạt động tố tụng hình sự mà chưa mở ra các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước hoặc các hoạt động tố tụng hành chính, dân sự, thi hành án. Do vậy, ngày 18/6/2009, Quốc hội nước ta đã thông qua văn bản Luật TNBTNN. Tiếp đó, ngày 20/6/2017, Quốc hội nước ta lại tiếp tục thông qua văn bản Luật TNBTNN và đang có hiệu lực áp dụng đến thời điểm hiện nay.
Phải thừa nhận, Luật TNBTNN 2017 đã cụ thể hóa được phạm vi trách nhiệm bồi thường trên các lĩnh vực quản lý hành chính, hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án; quy định rõ hơn trách nhiệm bồi thường của những cơ quan gây nên những thiệt hại cho người dân và những quy định khác có liên quan đến trình tự, thủ tục bồi thường, mức bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam không phải là cơ quan thống kê các vụ việc có liên quan đến công dân yêu cầu cơ quan nhà nước có liên quan bồi thường thiệt hại do hoạt động công vụ gây nên, cũng như không phải là cơ quan thống kê các vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước giải quyết các vụ việc bồi thường thiệt hai cho công dân, nên không thể có số liệu cụ thể trong 05 năm vừa qua, có bao nhiêu vụ việc được giải quyết trên cơ sở Luật TNBTNN 2017. Tuy nhiên, theo dõi tình hình hoạt động của Luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tại trong các vụ việc về bồi thường thiệt hại cho thấy có những vấn đề sau đây:
Số lượng các vụ án được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng đình chỉ điều tra hàng năm chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số các vụ án hình sự được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng giải quyết, nhưng số lượng bị can có quyết định đình chỉ điều tra hàng năm cũng còn cao. Theo Báo cáo số 107/BC-VKSTC ngày 20/8/2022 và Báo cáo số 108/BC-VKSTC ngày 20/8/2023 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại kỳ họp thứ 4, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoán XV:
- Năm 2021, Cơ quan Điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với 1.930 bị can, trong đó đình chỉ do không có sự việc phạm tội là 11 bị can; Viện Kiểm sát đình chỉ 471 bị can, trong đó đình chỉ do không có sự việc phạm tội là 4 bị can; số bị cáo Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa là 8;
- Năm 2022, Cơ quan Điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với 1.726 bị can, trong đó đình chỉ do không có sự việc phạm tội là 15 bị can; Viện Kiểm sát đình chỉ vụ án đối với 412 bị can, trong đó đình chỉ do không có sự việc phạm tội là 2 bị can; số bị can mà Viện Kiểm sát truy tố, nhưng Tòa án tuyên không phạm tội là 7 bị cáo;
- Năm 2023, Cơ quan Điều tra ra quyết định đình chỉ Điều tra đối với 1.974 bị can, trong đó đình chỉ do không có sự việc phạm tội là 13 bị can; Viện Kiểm sát đình chỉ vụ án đối với 576 bị can.
Thực tế đã chỉ ra, trong số các bị can có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án của Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát mà vụ việc giải quyết bồi thường thiệt hại được tiến hành ngay sau khi có quyết định đình chỉ thì việc thỏa thuận bồi thường được diễn ra nhanh chóng, các bên đều dễ dàng chấp thuận. Còn nếu việc giải quyết việc bồi thường thiệt hại không được tiến hành ngay sau đó vì các lý do khác nhau thì việc giải quyết sẽ kéo dài, gây rất nhiều khó khăn.
Với tư cách là những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị hại trong các vụ việc bồi thường thiệt hại do những sai lầm trong hoạt động tố tụng, chúng tôi cho rằng, các bị can, bị cáo thường có tâm lý muốn giải quyết ngay, tránh kéo dài để gây tổn thất về tinh thần, vật chất nên việc giải quyết thường diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Hầu như tất cả những vụ việc người bị hại đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại trong 5 năm vừa qua (2018 – 2023) xảy ra trong hoạt động tố tụng hình sự thực hiện theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Trong những trường hợp này, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
Tuy nhiên, những vụ việc về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được đưa ra giải quyết giai đoạn 2018 – 2023 thường lại xảy ra trước đó rất nhiều năm, từ những năm thuộc thế kỷ trước (thế kỷ 20) và những năm thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Thêm vào đó, việc giải quyết bồi thường thiệt hại của các cơ quan có thẩm quyền tư pháp (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) lại thường kéo rất dài, thậm chí nhiều năm sau đó, gây nên những bức xúc không chỉ cho người bị thiệt hại, gây dư luận xã hội xấu, ảnh hưởng vào lòng tin của người dân vào công lý, lẽ phải và vào uy tín của các cơ quan tư pháp, mà còn gây tranh cãi trong việc áp dụng Luật TNBTNN năm 2009 hay Luật TNBTNN năm 2017. Thêm vào đó, do những thay đổi về địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện (tách, nhập) nên các cơ quan có thẩm quyền tư pháp lại đùn đẩy cho nhau giữa tỉnh này và tỉnh khác, nên vụ việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong tố tụng hình sự kéo dài mà đến nay, nhiều vụ việc vẫn chưa được giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Ví dụ vụ án liên quan đến ông Bùi Duy Hải bị Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải tuyên phạt 18 tháng tù giam với 3 tội tham ô tài sản xã hội chỉ nghĩa, thiếu tinh thần trách nhiệm và tội vu khống vào năm 1984. Sau đó, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP. HCM tuyên ông Hải không phạm 03 tội danh như cấp sơ thẩm đã tuyên. Năm 1991, ông Bùi Duy Hải chết vì bệnh. Ông Bùi Mạnh Hòa là con trai ông Hải tiếp tục có đơn gửi các cơ quan tố tụng yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, do tỉnh Minh Hải lại được tách làm 02 tỉnh là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau vào năm 1997 nên không cơ quan có thẩm quyền tố tụng tỉnh nào giải quyết quyền lợi cho gia đình ông Hải. Điều này đặt ra trong Luật TNBTNN cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tố tụng nào có trách nhiệm giải quyết vụ việc khi xảy ra tình hình chia tách tỉnh.
Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về các vụ việc xảy cách thời điểm các cơ quan có thẩm quyền bồi thường (2018 – 2023) hàng chục năm như vụ ông Trần Trung Thám, Trần Ngọc Trinh, Khổng Văn Đệ bị khởi tố, bắt giam oan về tội "Giết người" xảy ra năm 1980 tại Vĩnh Phú (cũ) đến tháng 2/2023 mới giải quyết bồi thường xong; vụ án 40 năm oan đối với 7 bị can xảy ra từ năm 1983 tại tỉnh Tây Ninh đến năm 2019 mới nhận quyết định đình chỉ điều tra và đến nay 2023 mới giải quyết…
Mặt khác, việc giải quyết các vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại thường bị kéo dài nhiều năm do những tranh chấp về mức bồi thường thiệt hại, khi mà bên bị hại thường yêu cầu bồi thường với mức cao, nhưng bên bị yêu cầu bồi thường (Công an, Kiểm sát, Tòa án) lại không chấp nhận, hoặc chỉ chấp nhận với mức thấp; hoặc do những thay đổi về pháp Luật TNBTNN (trước khi có Luật TNBTCNN năm 1999; trước khi có Luật TNBTCNN năm 2017. Điều này dẫn đến việc người bị hại khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại và giải quyết vụ việc phải qua các giai đoạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. Ví dụ:
- Vụ án ông Dương Văn Hòa, Giám đốc doanh nghiệp ở Quảng Trị (như đã nêu ở trên), yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị bồi thường 17 tỉ đồng do những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị chỉ chấp nhận bồi thường số tiền hơn 264 triệu đồng;
- Vụ án ông Bùi Duy Hải bị oan do Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải tuyên phạt 18 tháng tù giam với 3 tội tham ô tài sản xã hội chỉ nghĩa, thiếu tinh thần trách nhiệm và tội vu khống vào năm 1984. Do ông Bùi Duy Hải chết vì bệnh năm 1991. Ông Bùi Mạnh Hòa là con trai ông Hải tiếp tục có đơn gửi các cơ quan tố tụng yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền hơn 20 tỉ đồng; Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ chấp nhận bồi thường 1,1 tỉ đồng;
- Vụ án ông Nguyễn Văn Dũng cùng với 7 người bị bắt oan trong một vụ cướp vàng tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) vào năm 1979. Cả 8 người đã bị giam 3 năm 9 tháng 14 ngày mới được thả tự do. Sau khi ra tù, nhờ có quyết định đình chỉ Điều tra vụ án, năm 2018 ông Nguyễn Văn Dũng kiện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đòi bồi thường hơn 40 tỉ đồng, nhưng cuối cùng Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh phán quyết bồi thường 615 triệu đồng.
Có thể kể ra rất nhiều vụ án liên quan đến trách nhiệm bồi thường cho người bị oan do hoạt động tố tụng hình sự gây ra được giải quyết trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2023 có những tình tiết tương tự như trên. Như vậy, có những vấn đề dưới đây đã được nhìn nhận từ thực tế giải quyết các vụ việc liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan xảy ra trong hoạt động tố tụng hình sự:
Thứ nhất, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tố tụng nhận ra những sai sót của mình ngay sau khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án mà chủ động tiến hành giải quyết ngay bồi thường thiệt hại cho người bị oan thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, không chỉ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị oan. Ngược lại, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tố tụng không nhận những sai sót của mình ngay sau khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án mà cố tình lẩn tránh việc giải quyết vụ việc thì chỉ dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, gây bức xúc cho người dân và xã hội. Điều này thể hiện rất rõ trong nhiều vụ án hình sự như: Vụ án ông Dương Văn Hòa, Giám đốc doanh nghiệp ở Quảng Trị bị khởi tố về tội "Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật" theo Điều 187 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 xảy ra vào năm 2007. Đến năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng trị mới trao cho ông Hòa quyết định đình chỉ điều tra; Vụ án ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh bị truy tố, xét xử oan về tội "Giết người" từ năm 1976 đến năm 2016 mới có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; hay Vụ án ông Chu Quang Hưng tại TP. HCM bị khởi tố, điều tra, xét xử oan từ năm 1996, đến năm 2005 Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM mới ra quyết định đình chỉ vụ án…
Tại sao lại có sự chậm trễ như vậy, đã có ý kiến cho rằng, do cơ chế. Chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường, mặc dù có chấn chỉnh nhưng tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai là cố tình dây dưa, trì hoãn gây khó khăn. Rõ ràng là có nguyên nhân về mô hình bồi thường oan sai và đã đến lúc phải thay đổi, giao cho một cơ quan làm công khai minh bạch hơn. Chẳng hạn giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan không tiến hành tố tụng nhưng là cơ quan thay mặt Nhà nước.
Thứ hai, việc xác định mức bồi thường thiệt hại theo những quy định của Luật TNBTNN có lẽ còn có những bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể:
- Tại Điều 18 Luật TNBTCNN quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong tố tụng hình sự. theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp đối với cá nhân bị oan đã gây nên những thiệt hại cho cá nhân về tài sản, tính mạng, sức khỏe; và đối với pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan.
Tuy nhiên, Luật không quy định về làm oan cá nhân, mà cá nhân đó làm chủ doanh nghiệp. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan với cá nhân là chủ doanh nghiệp đã làm cho doanh nghiệp phá sản thì việc bồi thường như thế nào; có phải bồi thường cho họ về tài sản doanh nghiệp bị thiệt hại do hoạt động tố tụng gây nên hay không. Ví dụ, vụ án ông Dương Văn Hòa, Giám đốc doanh nghiệp chuyên cung cấp bò giống và cây giống cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Quảng trị. Doanh nghiệp của ông có 250 con bò giống từ Thanh Hóa đưa về Quảng trị theo hợp đồng của một dự án. Ông có ba trại bò tại Quảng Trị, Bình Dương và ở bên nước Lào. Ông Hòa bị khởi tố về tội "Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật" theo Điều 187 BLHS 1999 xảy ra vào năm 2007. Ông bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, nên không thể đi đến các trại bò nên bò bị chết. Toàn bộ số lượng bò tại trại giống Quảng Trị bị mang đi tiêu hủy. Thiệt hại vô cùng lớn đều do việc ông bị khởi tố, điều tra, xét xử oan. Ông Dương Văn hòa yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng trị bồi thường 17 tỉ đồng. Nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị không chấp nhận.
Vậy, việc người chủ doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra, xét xử oan làm cho doanh nghiệp bị phá sản có phải được coi là thiệt hại không và được bồi thường về thiệt haiji tài sản này không. Luật TNBTCNN 2017 không quy định bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
Thứ ba, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần được quy định tại Điều 27 Luật TNBTCNN 2017. Cụ thể:
- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được xác định là 02 ngày lương cơ sở;
- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù;
- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại không bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt không phải là hình phạt tù được xác định là 02 ngày lương cơ sở cho 01 ngày không bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt;
- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở;
- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá 50 tháng lương cơ sở.
Việc tính bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị hại trong hoạt động tố tụng gây ra được quy đổi thành tiền tính theo lương cơ sở do nhà nước quy định tạo thuận lợi cho việc tính số tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị hại được thực hiện một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, khác với thiệt hại về vật chất (có thể tính toán được, đo đếm được, xác định được thông qua giá cả thị trường…), thiệt hại về tinh thần (không thể tính toán, đo đếm được mức thiệt hại) vì đó là những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín không chỉ của người bị hại, mà còn của những người thân thích gần gũi nhất của người bị hại. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đến sự mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc bị xa lánh, bị hiểu nhầm làm suy sụp về tâm lí, tình cảm của cá nhân. Do vậy thiệt hại về tinh thần cho người bị oan xảy ra trong hoạt động tố tụng hình sự là rất lớn, không thể đo đếm được.
Thế nhưng, nếu so sánh với mức bồi thường được quy định tại Điều 27 Luật TNBTCNN 2017, thì thấy sự bồi thường này quá nhỏ bé, không tương xứng với mức độ thiệt hại. Ví dụ: Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Nếu tính ra mức tiền hiện nay khoảng 34.000 đồng/ ngày. Trong khi đó, Luật TNBTCNN 2017 lại không có quy định bồi thường cho những thân nhân của người bị hại. Do vậy, trong nhiều vụ án yêu cầu bồi thường, các bị hại thường không chấp nhận.
Ví dụ: Vụ án ông Dương Văn Hòa, Giám đốc doanh nghiệp ở Quảng Trị, sau khi khởi tố, Điều tra oan, ông Hòa bị khai trừ Đảng, khai trừ cả hội viên Hội Cựu chiến binh, bị thu hồi giấy phép kinh doanh bò giống, hàng nghìn người nông dân trong và ngoài tỉnh Quảng trị trước đây đã mua bò giống của ông, nay nhìn ông với con mắt kinh bỉ; bố mẹ, vợ con ông cũng bị nhân dân nhìn với con mắt coi thường. Vụ việc kéo dài đến 10 năm từ 2007 đến 2017. Thế mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị chỉ chấp bồi thường số tiền hơn 264 triệu đồng. Hay vụ án oan liên quan đến anh em ruột Trần Ngọc Chinh và Trần Trung Thám bị khởi tố, điều tra về tội "Giết người" từ năm 1980 tại tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra làm 2 tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc). Ông Trần Trung Thám bị chết khi đang bị tạm giam. Ông Trần Ngọc Chinh là cựu chiến binh đánh Mỹ nhiều năm tại chiến trường và sau 1975 xuất ngũ. Năm 1982 ông Trần Ngọc Chinh được trả tự do. Tuy nhiên, do không có quyết định chứng nhận oan sai nên họ bị người dân nghĩ "hết hạn tù thì về". Do bị khởi tố, điều tra, bị bắt tạm giam nên toàn bộ chế độ chính sách đối với quân nhân ông không được hưởng gì. 40 năm đi tìm công lý yêu cầu bồi thường thiệt hại, Ông Chinh đòi bồi thường 13 tỉ đồng, nhưng năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho ông 1 tỉ đồng. Vậy 40 năm bị mang tiếng oan với mức bồi thường như trên có tương xứng?
Theo chúng tôi được biết, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan do hoạt động tư pháp gây ra ở Mỹ với số tiền rất lớn. Đài ABC ngày 29/8/2019 đưa tin một phụ nữ tại bang Nevada (Mỹ) được bồi thường 3 triệu USD (tương đương 67 tỉ đồng Việt Nam) sau khi bị kết án về tội "Giết người" và ngồi tù oan suốt 35 năm. Hãng AP ngày 16/5/2020 đưa tin Tòa án liên bang tại Bắc Carolina (Mỹ) vừa quyết định bồi thường 75 triệu USD (tương đương 1.733 tỉ đồng Việt Nam) mỗi người cho 2 anh em bị tuyên án tử hình oan và ở tù 31 năm. Rõ ràng, chúng ta phải xem lại mức bồi thường hiện nay cho người bị oan do hoạt động tố tụng hình sự gây ra như thế nào cho phù hợp đối với việc họ bị gây thiệt hại.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên còn có một số nguyên nhân khác như: Đến nay nhận thức, cách hiểu, cách vận dụng những quy định của Luật TNBTCNN giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thống nhất, làm cho vụ việc giải quyết bị kéo dài thời gian; người được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường oan, sai cho người bị hại do hoạt động tố tụng hình sự gây nên chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người bị hại nên việc giải quyết còn cứng nhắc, gây bất bình cho người bị hại.
Chủ trương giải quyết một cách thỏa đáng cho người bị oan do hoạt động tố tụng hình sự gây ra là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản tiền từ ngân sách nhà nước để giải quyết vấn đề này. Theo chúng tôi được biết, chưa năm nào các cơ quan có thẩm quyền được giao giải quyết các vụ án gây oan cho người bị hại sử dụng hết số tiền này (năm nào cũng còn thừa). Do vậy, để khắc phục những khúc mắc, tồn tại đã nêu trên, đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện những quy định của pháp luật TNBTCNN theo hướng mở về xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường; mở rộng những trường hợp phải bồi thường và tăng mức bồi thường thiệt hại cho người bị làm oan không chỉ chính người bị hại mà cả nhân thân của người bị hại. Cụ thể:
Thứ nhất, không giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp làm oan cho người bị hại giải quyết việc bồi thường, mà giao cho Bộ Tư pháp, các sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết vấn đề này. Đây là cơ quan không gây thiệt hại cho người bị hại nên việc giải quyết sẽ độc lập hơn, nhanh chóng hơn về mặt thời gian, tránh được việc dây dưa kéo dài hàng năm như đã từng xảy ra trong những năm vừa qua.
Thứ hai, cần coi những vụ việc người bị oan có đơn đề nghị, đơn khởi kiện tại Tòa án là những vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như Bộ luật Dân sự 2015 quy định Chương XX. Vì thực chất, việc đòi bồi thường này có liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN theo hướng tăng mức bồi thường cho người bị hại cả những trường hợp thiệt hại về vật chất khi người chủ doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra, xét xử oan dẫn đến doanh nghiệp bị phá sản, gây mất mát, hư hỏng tài sản doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng mức bồi thiệt hại về tinh thần gấp từ 5 đến 10 lần so với quy định hiện tại vì thiệt hại về tinh thần là thiệt hại không thể đo đếm được và tổn hại về tinh thần rất lớn, có thể hủy hoại không chỉ cuộc đời của người bị hại mà còn bố, mẹ, vợ chồng con. Ví dụ, vụ án ông Chu Quang Hưng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của công dân vào năm 1995. Vụ án xuất phát từ một tranh chấp dân sự về việc mua bán nhà nhưng lại bị các cơ quan tố tụng TP. HCM hình sự hóa vụ việc. Khi ông bị bắt, các con ông còn quá nhỏ, đứa lớn mới 12 tuổi, nhỏ 6 tuổi, không nơi nương tựa, không người dạy dỗ, sống lang thang rồi sa vào tệ nạn, tù tội. Hiện 2 đứa chết vì bệnh tật, còn đứa con trai út cũng bị nghiện. Vợ ông đến giờ cứ như người ngớ ngẩn, thần kinh. Gia đình ông đã tan cửa nát nhà... Năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM mới chính thức nói lời xin lỗi ông. Vậy trong trường hợp này bồi thường thiệt hại về tinh thần như thế nào cho thỏa đáng.
Từ việc này, cần nghiên cứu những quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần cho cả những thân nhân của người bị làm oan (gồm bố, mẹ, vợ, chồng, con), chứ không chỉ cho chính người bị oan.
Luật sư NGUYỄN XUÂN ANH
Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân vẫn phải tuân thủ quy tắc và đạo đức hành nghề