Thực tiễn thực hiện Luật Phá sản và hướng hoàn thiện

22/06/2024 23:37 | 5 ngày trước

(LSVN) - Luật Phá sản năm 2014 mặc dù có hiệu lực thực hiện cách nay đã gần 10 năm nhưng trên thực tế, số lượng các vụ việc về phá sản được thụ lý, giải quyết tại các tòa án hàng năm không nhiều bởi các lý do khác nhau.

Ảnh minh hoạ.

Quá trình tiến hành thủ tục phá sản tại tòa án đối với một số vụ việc còn cho thấy nhiều sai sót và vướng mắc về mặt pháp lý nên thời gian giải quyết một vụ việc phá sản thường xuyên bị kéo dài. Trong thực tế thực hiện thủ tục phá sản tại tòa án còn gặp một số sai sót thường gặp như sau:

(1) Thụ lý vụ việc phá sản khi người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản không đúng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản, (vụ việc không thuộc trường hợp người nộp đơn không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản).

(2) Căn cứ báo cáo tài chính của doanh nghiệp bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để cho rằng không mất khả năng thanh toán là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản. Minh họa cho trường hợp này là việc Công ty A chứng minh Công ty B còn nợ tiền, đã đến hạn thanh toán nhưng Công ty B không thực hiện. Sau thời gian 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán nhưng Công ty B không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên Công ty A nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty B và Tòa án nhân dân thành phố H ra quyết định mở thủ tục phá sản là có căn cứ. Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Công ty B khiếu nại với lý do không mất khả năng thanh toán mà chỉ chậm thanh toán nhưng không xuất trình chứng cứ về việc đã thanh toán cho Công ty A, tòa án cấp trên trực tiếp căn cứ báo cáo tài chính của Công ty B đã được kiểm toán trong 2 năm gần nhất có kết quả chênh lệch dương giữa tài sản có với tài sản nợ để cho rằng Công ty B không mất khả năng thanh toán và hủy quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân thành phố H là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 .

(3) Cho các bên bù trừ nghĩa vụ trong quá trình phá sản doanh nghiệp không đúng quy định tại Điều 63 Luật Phá sản (tòa án cho các bên bù trừ nghĩa vụ đối với phần nghĩa vụ trong bản án hình sự là đối với các khoản trong cả trường hợp doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ là chủ nợ, được bồi thường theo bản án có hiệu lực pháp luật).

Điều 63 Luật Phá sản chỉ quy định việc bù trừ nghĩa vụ giữa chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (con nợ) khi các bên vừa là chủ nợ vừa là con nợ của nhau, không quy định bù trừ nghĩa vụ đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là chủ nợ nhưng bù trừ nghĩa vụ lòng vòng, bù trừ nghĩa vụ với bên thứ ba sau khi chủ nợ bán nợ cho bên thứ ba. Do đó, những trường hợp Tòa án xác định bù trừ nghĩa vụ nhưng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không phải là con nợ theo hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản là không đúng, không phải là bù trừ nghĩa vụ theo quy định tại Điều 63 Luật Phá sản.

(4) Tòa án còn lúng túng trong việc tách hay không tách phần tài sản đang tranh chấp để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự như quy định tại khoản 1 Điều 114 Luật Phá sản, lúng túng trong việc có phải chờ kết quả giải quyết vụ án khác trong vụ phá sản hay không. Lẽ ra, những trường hợp này doanh nghiệp là con nợ nên cần phải tách phần tài sản đang tranh chấp để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự mới đúng, vì việc tách này không làm gián đoạn quá trình giải quyết vụ việc phá sản.

Chẳng hạn vụ việc Tòa án nhân dân tỉnh B giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Công ty TNHH S do Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vì cho rằng Công ty mất khả năng thanh toán. Ngoài các chủ nợ thì Công ty vay Ngân hàng N hơn 10 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của người thứ 3 (quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình), hiện các thành viên trong hộ gia đình yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất do vô hiệu (vì các thành viên khác trong hộ không ký, không đồng ý, không ủy quyền ký hợp đồng thế chấp).

Bên cạnh đó, quy định về phá sản cũng còn một số hạn chế như chưa có quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Phá sản về một số vấn đề (thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản) nên nhiều vụ phá sản vẫn chưa thể giải quyết được. Còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của Luật Phá sản với luật khác có liên quan như Luật Thi hành án dân sự về xử lý việc tạm đình chỉ thi hành án dân sự; mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ.

Ngoài ra, còn có những quy định của Luật Phá sản không thể áp dụng và không phù hợp với thực tế, chẳng hạn như quy định về quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản tại khoản 1 Điều 42: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật này. Thời hạn này là quá ngắn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xác có quy mô lớn.

Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản hiện hành

Quy định rõ việc loại trừ các nghĩa vụ được bù trừ. Theo quy định của Luật Phá sản, việc bù trừ nghĩa vụ trong phá sản chỉ áp dụng đối với hợp đồng mà không được áp dụng đối với mọi nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Mặt khác, nếu nghĩa vụ theo hợp đồng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của một người thứ ba thì quy định trên có thể tạo kẽ hở cho đương sự thỏa thuận nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản đối với người thứ ba (vì khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản, nếu tài sản của doanh nghiệp không đủ để thi hành án, thì quyền lợi của người được thi hành án được chia trên tỷ lệ mà họ được hưởng). Trường hợp việc bù trừ được chấp nhận thay cho nghĩa vụ phải thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trước đó (không phải hợp đồng) có thể tạo kẽ hở cho đương sự trốn tránh trách nhiệm thi hành án.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phá sản và Luật Thi hành án dân sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Phá sản, trường hợp tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Thi hành án dân sự thì việc thi hành án kết thúc khi có quyết định đình chỉ thi hành án. Như vậy, nếu trường hợp này áp dụng theo Điều 71 Luật Phá sản thì cơ quan thi hành án ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ đã ban hành và tiếp tục thi hành án nhưng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì đây không thuộc trường hợp được ra quyết định hủy bỏ.

Cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan giữa hai Luật này để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ.

Có quy định về việc dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và việc mở tài khoản tại ngân hàng để nộp số tiền tạm ứng chi phí phá sản. Luật Phá sản quy định tòa án dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản nhưng chưa có quy định cụ thể về số tiền dự tính tạm ứng được tính như thế nào. Luật Phá sản cũng có quy định số tiền tạm ứng chi phí phá sản được nộp tại tài khoản do tòa án mở tại ngân hàng nhưng chưa có quy định cụ thể việc mở tài khoản này như thế nào.

Tăng thêm thời gian ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đối với những trường hợp là doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trên thực tế đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn hoạt động trên nhiều lĩnh vực thì thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu để ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là khá ngắn.

Các quy định về thẩm quyền và thời hạn xem xét lại theo quy định của Luật Phá sản có những điểm đặc thù và bất cập như quyết định phá sản không được xem xét theo trình tự thủ tục kháng cáo như các bản án quyết định khác, đương sự chỉ được đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp không được quyền kháng nghị. Đồng thời, thời hạn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản ngắn cho nên khi các cơ quan có thẩm quyền phát hiện được sai sót trong quyết định tuyên bố phá sản thì thời hạn kháng nghị, đề nghị xem xét lại quyết định phá sản không còn, cơ quan thi hành án dân sự không thể tổ chức thi hành án.

Tăng thêm thời hạn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản và quyết định tuyên bố phá sản sao cho phù hợp với thực tế, tránh trường hợp tòa án các cấp giải quyết sai thời hạn tố tụng gây thiệt hại tới quyền lợi của đương sự. Thực tế, thời gian qua có nhiều đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục đặc biệt đối với quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản, khi tòa án có thẩm quyền nhận được đơn để thụ lý thì đã quá thời hạn 15 ngày theo quy định tại Điều 113 Luật Phá sản.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ về việc chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần không chịu nhận tài sản bảo đảm, hoặc yêu cầu tòa án định giá tài sản bảo đảm thì giải quyết như thế nào; chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa án có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không, thủ tục như thế nào; trường hợp khi tòa án giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc chủ nợ hoặc con nợ có mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được thực hiện như thế nào; thời hạn cụ thể của việc kiểm kê, xác định lại tài sản của doanh nghiệp; trường hợp tòa án phải giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn thì thủ tục giải quyết như thế nào.

Thạc NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Giá trị nhân quyền trong triết lý và đạo đức phật giáo

Từ khoá : lsvn.vn LSVN