/ Góc nhìn
/ Thức tỉnh

Thức tỉnh

05/01/2021 18:04 |

(LSO) - Ông Lương Hữu Phước sau phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước bị tuyên án tù giam 3 năm đã nhảy lầu tự tử ngay tại trụ sở tòa án này. Trước đó, trên trang Facebook của mình ông để lại dòng trạng thái: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”.

Ông Lương Hữu Phước tại tòa trước khi nghe tuyên án. Ảnh: Luật sư Dương Vĩnh Tuyến.

Sự kiện đáng tiếc và đau lòng này đã lập tức gây chấn động dư luận xã hội và thu hút sự chú ý rất lớn trong đời sống pháp luật, tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của nhiều người trong cộng đồng, đặc biệt là những người hoạt động trong ngành pháp luật. Các cơ quan chức năng và tòa án tỉnh Bình Phước đã họp báo, công khai quá trình giải quyết vụ án, khẳng định làm đúng quy định của pháp luật, công tâm trong việc xét xử, tuyên đúng người đúng tội và không bỏ lọt tội phạm.

 Ở chiều hướng ngược lại, luật sư bảo vệ và bào chữa cho bị cáo đã đưa ra những tình tiết và chứng cứ khẳng định bị cáo không có tội. Rất nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội và cả trên các phương tiện truyền thông đề nghị cần làm rõ hơn các tình tiết của vụ án tai nạn giao thông làm chết người này, nghi ngại về phán quyết của tòa án.

Những ý kiến đó không thể bỏ qua và cũng không nên để sự việc này chìm vào lãng quên khi có người phải lấy cái chết của mình để minh oan cho chính mình. Nếu im lặng thì chắc chắn những sự cố đáng tiếc và đau lòng tương tự sẽ tiếp diễn gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín các cơ quan tố tụng nước nhà chứ không chỉ ở một địa phương.

Cũng có ý kiến cho rằng, lấy cái chết để tiếp cận công lý là điều không đáng làm và không đạt được mục đích. Như luận điểm này chẳng lẽ cái chết là vô ích khi người tìm đến cái chết với hy vọng là có ích "thức tỉnh nền tư pháp" của một địa phương hóa ra là vô ích ư? Không hoàn toàn là như thế và đúng hơn, không phải "thức tỉnh nền tư pháp" mà là thức tỉnh lương tâm con người. Đây là lời cảnh báo lương tâm, trách nhiệm của những người được giao sứ mệnh "cầm cân, nảy mực" và giữ gìn bảo vệ công lý. Chí ít, người ta cũng phải nhìn lại mình, xem xét bản thân đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa, có điều gì phải hổ thẹn với lương tâm không, không chỉ những người tiến hành tố tụng trong vụ án này mà cả các luật sư tham gia bào chữa nữa. Nếu như luật sư chưa thực sự hết lòng để bảo vệ thân chủ, chưa quyết liệt đấu tranh để bảo vệ sự thật và công lý hẳn cũng rất ân hận khi thân chủ của mình phải tìm đến cái chết.

 Thêm nữa, dư luận cũng không đồng tình với kết luận vội vã của người đại diện cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước là những người xét xử vụ án này "công tâm". Khẳng định điều này chỉ có cơ quan tòa án cấp cao hơn, ở một tiến trình tố tụng tiếp theo mà thôi!

 Thức tỉnh lương tâm con người, đó là những gì mà cái chết này mang lại.  

BÌNH SƠN

/vu-bi-cao-nhay-lau-tu-tu-sau-phan-quyet-cua-toa-an-khong-co-viec-bo-lot-toi-pham.html
/luat-su-duong-vinh-tuyen-noi-ve-than-chu-da-nhay-lau-tu-van-sau-phan-quyet-cua-toa-an.html
/nguoi-dan-ong-nhay-lau-tu-van-sau-phan-quyet-cua-toa-an.html