/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực trạng pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử ở Việt Nam và góp ý hoàn thiện

Thực trạng pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử ở Việt Nam và góp ý hoàn thiện

13/04/2024 07:41 |

(LSVN) – Hoạt động thương mại điện tử đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Việc ký kết hợp đồng thương mại thông qua phương tiện điện tử giúp giảm chi phí xử lý, giảm thời gian cần thiết, tăng phạm vi giao dịch và phát huy hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thương mại điện tử đã chứng tỏ tầm quan trọng của nó đối với toàn bộ nền kinh tế. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc giao kết hợp đồng điện tử nói chung và hợp đồng thương mại điện tử nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện giao dịch hợp đồng qua phương tiện điện tử thường ẩn chứa nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoàn thiện hợp đồng thương mại điện tử còn thiếu, nỗ lực hoàn thiện hợp đồng thương mại điện tử còn nhiều vướng mắc, chưa có quy định về khái niệm, hình thức hoặc quy trình hoàn thiện hợp đồng thương mại điện tử một cách cụ thể và chi tiết. Có thể thấy, thực trạng hợp đồng về thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay còn khá nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử là cần thiết.

Ảnh minh hoạ. 

Khái niệm về hợp đồng thương mại điện tử

Xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều vào nỗ lực của con người. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử (e-commerce), dẫn đến hình thành một phương thức giao dịch mới, giao dịch thương mại điện tử. So với các phương thức thương mại truyền thống trước đây, giao dịch thương mại điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội như chi phí thấp hơn, truyền tải thông tin nhanh hơn, tiện lợi hơn, hiệu quả cao hơn và không bị gián đoạn. bị giới hạn bởi không gian, thời gian… Vì vậy, các giao dịch điện tử ngày càng phổ biến và thu hút được sự quan tâm của nhiều bên, đặc biệt là các doanh nghiệp. Khối lượng giao dịch thương mại điện tử ngày càng tăng đã dẫn đến một hình thức hợp đồng mới được gọi là hợp đồng thương mại điện tử.

Dưới góc độ pháp lý,“hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”[1]. Theo đó, có thể hiểu hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên nhằm tiến hành một công việc, một hoạt động hay một hành vi nhất định nào đó nhằm đem lại quyền và lợi ích cho các bên.

Tại Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì định nghĩa: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”. Trong đó, thông điệp dữ liệu được hiểu là “thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”[2]. Nó được thể hiện dưới hình thức “trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”[3]. Hợp đồng thương mại điện tử cũng là hợp đồng điện tử nhưng nó được tiến hành trong hoạt động thương mại hay cụ thể hơn là trong hoạt động thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử có thể hiểu là “việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”[4].

Như vậy, dựa theo các quy định trên, có thể hiểu hợp đồng thương mại điện tử như sau: Hợp đồng thương mại điện tử là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực thương mại, được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu và có kết nối mạng.

Thực trạng pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử ở Việt Nam

Thương mại điện tử hình thành và phát triển đã tạo nên một bước đột phá lớn trong công cuộc kết nối không dây về thương mại trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, thương mại điện tử xuất hiện tương đối muộn. Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh về giao dịch điện tử, hoạt động thương mại điện tử, website thương mại điện tử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề về hợp đồng thương mại điện tử vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Thứ nhất, những vướng mắc về mặt chủ thể trong hợp đồng thương mại điện tử, thành lập và cung cấp thông tin website. Để có thể xác định một chủ thể có đủ năng lực chủ thể hay không là rất khó, do các bên tham gia giao dịch hợp đồng thương mại điện tử chỉ thông qua các phương tiện điện tử, không gặp mặt trực tiếp nên không thể biết được đối tác của mình có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự hay không. Hợp đồng mà hai bên ký kết có được an toàn và đảm bảo mà không xảy ra rủi ro. Đó là những vướng mắc, trở ngại rất lớn của các bên trước khi tiến đến giao kết một hợp đồng thương mại điện tử.

Để bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật yêu cầu website thương mại điện tử phải cung cấp thông tin liên quan đến chủ thể kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ cung ứng website… Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện tình trạng nhiều website chưa cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản về thương nhân.

Thứ hai, vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ đóng thuế trong thương mại điện tử. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ về đối tượng, mức thuế suất và phương thức kê khai, nộp thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế, các cơ quan thuế chỉ quản lý được các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử có đăng ký, còn các doanh nghiệp không đăng ký và đặc biệt là các cá nhân kinh doanh lĩnh vực này hiện nay rất khó quản lý và kiểm soát. Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều cá nhân bán hàng qua mạng xã hội, có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện kinh doanh, đồng thời có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, việc kiểm soát và thu thuế đối với những trường hợp này gặp nhiều khó khăn, do các quy định pháp luật hiện hành còn bỏ ngỏ.

Thứ ba, pháp luật chưa có quy định rõ ràng để điều chỉnh cho hợp đồng thương mại điện tử theo mẫu. Một thực tế khác cho thấy, chiếm đa số các vấn đề giao kết hợp đồng trực tuyến được tiến hành thông qua website thương mại điện tử bán hàng của các doanh nghiệp hoặc là các sàn giao dịch thương mại điện tử mà những website, những sàn giao dịch đó lại là của các nhà cung cấp trung gian, hay là thư điện tử tuy thực tế đa số vẫn thường sử dụng hợp đồng mẫu nhưng bởi vấn đề giao kết sẽ có thể được trao đổi trực tiếp giữa hai bên, tạo nên được sự tương tác với khách hàng, kết hợp với chức năng đặt hàng trực tuyến của website hoặc là thông qua những hợp đồng truyền thống được đưa lên website từ đó giao kết cũng sẽ trở nên yên tâm hơn, tuy vậy đó vẫn là hợp đồng mẫu. Những hợp đồng mẫu do thương nhân soạn sẵn đa dạng và không có tiêu chí chung, việc thể hiện ý chí của các bên, nhất là người tiêu dùng còn hạn chế và khả năng tiềm ẩn rủi ro cao.

Thứ tư, chưa có quy định hay hướng dẫn về “tài sản ảo”. Trong những năm gần đây, tài sản ảo đã trở thành một trong những chủ đề “nóng” và phổ biến ở Việt Nam, điển hình là trào lưu phát triển các phần mềm trò chơi trực tuyến, các game online có vật phẩm mang giá trị quy đổi thành tiền và giao dịch thông qua ngân hàng hay một hệ thống tự tạo trước đó… Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản bao gồm “Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”[5]. Như vậy, vấn đề đặt ra là “tài sản ảo” có phải là tài sản và bằng cách nào để xác định được đây là một loại tài sản mà pháp luật cần phải xem xét chẳng hạn như: Tính pháp lý hay về mặt giá trị của tài sản ảo.

Trên thực tế cho thấy việc giao dịch mua bán các tài sản này trên các nền tảng diễn ra rất phổ biến, nhưng hiện tại pháp luật vẫn chưa có quy định hay hướng dẫn xác định thế nào là tài sản ảo và tài sản ảo trong quan hệ hợp đồng thương mại điện tử được điều chỉnh như thế nào. Do tính phức tạp trong lĩnh vực công nghệ nên việc giám sát và giải quyết tranh chấp liên quan đến những vấn đề mua bán, chuyển nhượng tài sản ảo trong các trò chơi trực tuyến nói riêng và tài sản ảo nói chung là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn và tiến hành một cách cẩn thận để đảm bảo vừa tuân thủ pháp luật vừa phải phù hợp với điều kiện thực tế.

Thứ năm, chưa có các quy định về công chứng hợp đồng thương mại điện tử. Công chứng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn về mặt pháp lý đối với các hợp đồng hay giao dịch dân sự, kinh tế… Có quan điểm cho rằng, Luật GDĐT đã có quy định về giá trị pháp lý của việc chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số nên nội dung hợp đồng thương mại điện tử đã được xác thực, do đó, vai trò của công chứng hợp đồng thương mại điện tử lúc này là không cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, chứng thực chữ ký điện tử là việc xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử[6] chứ không xác thực được tính hợp pháp về nội dung của hợp đồng. Đây là hai vấn đề không giống nhau.

Mặt khác, hiện nay Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một sốđiều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có quy định về hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử[7], tuy nhiên vẫn chưa có một quy định cụ thể nào liên quan đến công chứng hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó, Luật Công chứng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2018 cũng chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng, GDĐT.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử ở Việt Nam

Từ những bất cập và hạn chế nêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp và hướng hoàn thiện về hợp đồng thương mại điện tử như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quan hệ thương mại điện tử có hiệu quả. Đầu tiên, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề hiển nhiên nhất và cũng là quan trọng nhất chính là nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của các chủ thể trong quan hệ thương mại điện tử. Tuyên truyền việc tuân thủ pháp luật thương mại điện tử khi đăng ký cung cấp thông tin website của các chủ thể tham gia quan hệ thương mại điện tử thông qua báo đài, các trang thông tin điện tử quốc gia, các diễn đàn hợp tác trò chuyện giao lưu về vấn đề doanh nghiệp và người tiêu dùng cần quan tâm. Bởi việc cung cấp đầy đủ thông tin trên website không chỉ đối với thương nhân mà còn có tổ chức, cá nhân sẽ hạn chế một cách tối đa các thiệt hại do việc bị sao chép, bắt chước, cố ý thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu website đó. Từ đó có thể đảm bảo được uy tín, danh tiếng của các website trên sàn thương mại điện tử. Việc tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin trên website cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng không bị nhầm lẫn trong quá trình lựa chọn các loại sản phẩm, hàng hoá mình cần, giúp cho người tiêu dùng sử dụng hiệu quả hơn đồng tiền của mình, sẽ không còn xuất hiện tình trạng e ngại trước khi thực hiện một giao dịch nào đó. Đồng thời sẽ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài. Các nhà đầu tư họ quan tâm đối tác mà mình đầu tư, ký kết hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ có an toàn không. Nếu một nước mà việc bảo hộ website thương mại điện tử không tốt dễ bị các hacker đánh cắp hoặc giả danh tạo các website để kinh doanh, thực hiện giao dịch, nhà đầu tư sẽ chần chừ vì có thể phải đối mặt với thực trạng đối tác giao dịch của mình có thể là ảo, không có thực, dẫn tới nguy cơ đầu tư thất bại, thậm chí là thua lỗ vì mất hàng hoá.

Để làm được điều đó chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các thương nhân, tổ chức, cá nhân hơn nữa là tầm quan trọng của việc đăng ký cung cấp đầy đủ thông tin website của mình. Có thể các thương nhân, tổ chức, cá nhân khi mới có ý định kinh doanh, tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử thấy không cần phải đăng ký hoặc không có đủ thông tin, kiến thức để thực hiện việc đăng ký website trên sàn thương mại điện tử. Chính vì vậy cần phải triển khai tư vấn chuyên sâu hơn, đặc biệt là cần có kênh riêng cung cấp thông tin về tư vấn đăng ký website cũng như cảnh báo về những vấn đề sẽ xảy ra nếu như các chủ thể không đăng ký hoặc đăng ký thông tin không đầy đủ. Và cuối cùng là vấn đề nâng cao nhận thức các chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế hạn chế thấp nhất tình trạng chủ thể tham gia không hiểu, không thực hiện và trốn thuế, vì vậy mà Nhà nước bên cạnh các biện pháp tuyên truyền thì cũng cần đưa ra những biện pháp chế tài mang tính răn đe cao hơn đảm bảo các chủ thể tuân thủ pháp luật.

Hai là, nâng cao nhận thức các chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế. Để hạn chế thấp nhất tình trạng chủ thể tham gia không hiểu nên không thực hiện và trốn thuế. Vì vậy mà Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho các chủ thể thực hiện kinh doanh thương mại điện tử thông qua các nền tảng mạng xã hội hiểu và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó thì cũng cần đưa ra những biện pháp chế tài mang tính răn đe cao hơn đảm bảo các chủ thể tuân thủ pháp luật.

Ba là, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng theo mẫu trên các website thương mại điện tử. Giải pháp này nhằm đảm bảo tính ưng thuận trong hợp đồng và tính công bằng trong quan hệ giữa thương nhân và khách hàng, pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử cần phải đưa ra những quy định cụ thể hơn đối với hợp đồng mẫu trên các website thương mại điện tử là đưa ra những điều khoản cho các bên được tham gia thỏa thuận thảo luận hợp đồng một cách khách quan nhất sau đó mới tiến hành

giao kết điều đó sẽ vừa bảo đảm tính công bằng hơn vừa bảo vệ các bên tham gia về mặt pháp lý. Đồng thời, bên cạnh những quy định riêng về nội dung chỉ được áp dụng trong website thương mại điện tử bán hàng thì Nhà nước còn cần phải xây dựng và ban hành các quy định chi tiết hơn về nội dung của các hợp đồng thương mại điện tử mẫu được đưa lên website để đảm bảo rằng việc thực thi nội dung hợp đồng sẽ là sự cân bằng nhất về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia mà không phải là những hợp đồng mẫu tự soạn có sự chênh lệch gây thiệt hại hoặc không đảm bảo cho bên còn lại.

Bốn là, thực hiện nghiên cứu và đề xuất ban hành quy định pháp luật điều chỉnh đối với tài sản ảo. Tài sản ảo hiện nay đã thật sự đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với người chơi hay các nhà cung cấp dịch vụ mà nó còn nhiều liên quan đến các vấn đề thực tế xã hội khác, chính vì vậy đòi hỏi pháp luật cần phải đưa ra những sự điều chỉnh hợp lý cho vấn đề này. Bởi thực tế tài sản ảo nó vẫn đang được trao đổi, mua bán rất sôi nổi với giá trị thực là những con số không nhỏ. Lợi nhuận cao chính là nguyên nhân thúc đẩy xu hướng đầu tư vào tài sản ảo để có thể thu lợi bằng tiền thật trở nên phổ biến với nhiều hình thức phong phú và đa dạng mà hiện tại chúng ta chưa thể suy đoán trước được. Về khía cạnh pháp luật dân sự thì tài sản ảo lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh vì tài sản ảo vốn không phải là giấy tờ có giá, cũng không phải tài sản hữu hình hay vô hình. Từ đó nếu có tranh chấp thì việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản ảo, sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn.

Năm là, đề xuất xây dựng quy định cho công chứng hợp đồng thương mại điện tử. Pháp luật Việt Nam hiện nay đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng thương mại điện tử. Tuy nhiên, vấn đề công chứng hợp đồng thương mại điện tử, pháp luật chưa có quy định cụ thể . Để đảm bảo quyền lợi cho các bên, nhất là người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng cần phải có quy định của pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Tóm lại, việc nghiên cứu, thay đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử nhằm giải quyết các vấn đề đã bất cập, đó là nhân tố quyết định dẫn đến sự thành công cũng như phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

= = =

[1] Điều 385 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

[2] Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005;

[3] Điều 10 Luật Giao dịch điện tử năm 2005;

[4] Khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP;

[5] Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015;

[6] Khoản 2 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005;

[7] Điều 63 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP.

TRẦN TUÂN

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9

Xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đối với người nước ngoài một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Nguyễn Mỹ Linh