Ảnh minh họa.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu sắc và toàn diện. Với xu thế hội nhập quốc tế, người nước ngoài đến Việt Nam (gồm nhiều thành phần, quốc gia) công tác, thăm thân, sinh sống, du lịch, học tập... ngày càng tăng về số lượng, nhất là khách tham quan du lịch hàng năm đến Việt Nam với số lượng lớn. Để thu hút, thúc đẩy phát triển du lịch, nhiều loại hình dịch vụ được đầu tư, trong đó dịch vụ cho thuê phương tiện (tàu, xuồng, ca nô, ô tô, mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp) tự lái có liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của lực lượng CSGT. Qua theo dõi, nhìn chung, người nước ngoài tham gia giao thông chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, vùng cửa khẩu… đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, do khác biệt về ngôn ngữ, pháp luật, trình độ dân trí, phong tục, tập quán, dân tộc, vẫn còn một bộ phận người nước ngoài không nắm rõ các quy định, quy tắc khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Một số khó khăn, vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người nước ngoài
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người nước ngoài, đã giúp Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhiều chủ trương, giải pháp huy động các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật, nhất là đào tạo, bồi dưỡng lực lượng CSGT tại các thành phố lớn, địa phương có cửa khẩu quốc tế nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử và đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người nước ngoài còn gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây:
Thứ nhất, về mặt pháp luật, người nước ngoài là chủ thể đặc biệt, có nhiều điểm khác so với công dân Việt Nam, nhưng hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người nước ngoài vẫn được thực hiện theo quy định chung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa, đổi bổ sung năm 2020) và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/ NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường, bộ đường sắt, chưa có văn bản hướng dẫn riêng cho công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với người nước ngoài. Do đó, trong quá trình phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng chức năng đối với người nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến lúng túng, ngại xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, thiếu văn bản hướng dẫn về xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát như hệ thống camera phạt nguội, chỉ được thiết kế để tập trung xử lý xe ô tô vi phạm nên kết quả xử lý xe mô tô không cao; hệ thống camera giám sát giao thông không đủ chức năng để nhận diện biển kiểm soát không do cơ quan có thẩm quyền cấp, thực trạng các xe ô tô che biển kiểm soát dẫn đến việc khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm. Đa số người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam không làm thủ tục sang tên theo quy định hoặc thuê lại các phương tiện không rõ nguồn gốc, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xác minh, đấu tranh để xử lý.
Thứ hai, về trình độ năng lực ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ còn hạn chế. Phần lớn lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trực tiếp chưa có khả năng giải thích luật bằng ngoại ngữ cho người nước ngoài hiểu để chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng chức năng. Trong công tác đào tạo cán bộ trong lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng CSGT nói riêng, số lượng cán bộ chiến sĩ biết sử dụng ngoại ngữ thuần thục còn hạn chế. Mặc dù tại các trường công an nhân dân có hệ chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên nhưng môi trường làm việc đa số trên các địa bàn không có cơ hội tiếp xúc, làm việc thường xuyên với người nước ngoài nên trình độ ngoại ngữ của cán bộ chiến sĩ bị mai một, dẫn đến sự hạn chế trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người nước ngoài, hiệu quả xử phạt chưa cao.
Thứ ba, về công tác phối hợp giữa lực lượng CSGT với các lực lượng trong ngành và ngoài ngành quản lý trực tiếp người nước ngoài chưa chặt chẽ, chưa có quy chế phối hợp để xử lý triệt để hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nói riêng và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn. Đối tượng người nước ngoài là chủ thể đặc biệt nên khi phát hiện vi phạm hành chính thông qua hệ thống giám sát hay trực tiếp bởi lực lượng CSGT làm công tác tuần tra kiểm soát, cần phải có sự phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh, phòng xuất nhập cảnh và sở ngoại vụ địa phương nhằm xác minh nhân thân người vi phạm hay liên quan đến vụ tai nạn giao thông để xác định quyền miễn trừ ngoại giao theo công ước quốc tế.
Thứ tư, về văn hóa pháp lý giao thông và bất đồng ngôn ngữ. Văn hóa pháp lý giao thông mỗi quốc gia có sự khác nhau, có quốc gia đi bên tay trái và tránh bên trái, vượt bên phải... Khi công dân của những nước này đến Việt Nam phải tuân thủ quy tắc giao thông của Việt Nam là đi bên phải theo chiều đi của mình, họ cần có thời gian để hình thành thói quen thích nghi. Ngoài ra, việc bất đồng ngôn ngữ giữa các quốc gia là điều khó khăn cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, cá biệt có người nước ngoài biết tiếng Việt, tiếng Anh nhưng cố tình không sử dụng mà chống đối bằng cách không hợp tác, bỏ đi hoặc sử dụng ngôn ngữ bản địa. Trong khi thực tiễn xử phạt lại không có người phiên dịch nên việc xác định đối tượng vi phạm, thông tin nhân thân đối tượng để lập biên bản vi phạm hành chính phục vụ công tác xử phạt gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn (đối với người nước ngoài và cả công dân Việt Nam) còn khó khăn, gặp phải sự phản kháng, không chấp hành của người vi phạm do mức xử phạt cao, người vi phạm không tỉnh táo, tinh thần dễ bị kích động; với mức phạt cao trong khi tang vật bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt có giá trị thấp nên người vi phạm có thể bỏ lại phương tiện và không chấp hành quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, thực tiễn thực hiện quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn gặp không ít khó khăn như đối tượng bỏ trốn, chây ì, hoặc không có khả năng nộp phạt nên hiệu quả thi hành quyết định xử phạt chưa cao. Thứ năm, về mặt quản lý nhà nước (dịch vụ cho thuê lưu trú, cho thuê xe...). Hiện nay có rất nhiều phương tiện được đăng ký cho người nước ngoài sử dụng hoặc phương tiện cho người nước ngoài thuê. Tuy nhiên, số lượng phương tiện cơ giới người nước ngoài thuê lại hoặc mua lại ở những cơ sở kinh doanh cho thuê xe chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài chỉ có một số vụ phương tiện chính chủ, trong đó có nhiều vụ liên quan đến cơ quan ngoại giao, công ty nước ngoài. Vì vậy, gây khó khăn trong quá trình truy nguyên xác minh người điều khiển phương tiện (trong các vụ tai nạn giao thông bỏ chạy hoặc nạn nhân đưa đi cấp cứu không có mặt tại hiện trường) cho lực lượng CSGT, giải quyết tai nạn cũng như xử lý vi phạm hành chính thông qua hệ thống giám sát (phạt nguội), dẫn đến không xác định được đối tượng vi phạm để xử phạt.
Đề xuất hoàn thiện về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đối với người nước ngoài
Một là, kiến nghị Bộ Công an ra văn bản hướng dẫn quy trình xử lý vi phạm hành chính đối với người nước ngoài, trong đó nêu rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý, trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong phối hợp xử lý, trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong quản lý người nước ngoài, trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người nước ngoài. Ngoài ra, cần ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt người nước ngoài thông qua hệ thống camera giám sát và quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các phương tiện thiết bị (không phải là phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) do cán bộ chiến sĩ ghi hình, do cá nhân, tổ chức cung cấp thành các chứng cứ để xác định vi phạm hành chính theo khoản 11 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Có hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết các phương tiện không rõ nguồn gốc (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp).
Hai là, thường xuyên tổ chức các khóa học, lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử, giao tiếp cho lực lượng cảnh sát nhân dân; hình thành phương pháp, kỹ năng ứng xử cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức chính trị, xác định đúng đắn vị trí, vai trò nhiệm vụ phù hợp, đạt được mục tiêu, yêu cầu công tác, đặc biệt là đối với số cán bộ, chiến sĩ làm trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Bổ sung nội dung giáo dục về văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các trường công an nhân dân; đồng thời khoa CSGT các trường công an nhân dân cần tăng thời lượng đào tạo, bảo đảm chuyển tài đầy đủ nội dung nghiệp vụ chuyên ngành CSGT để giúp học viên khi ra trường có được kiến thức cơ bản, áp dụng ngay vào thực tiễn công tác, đặc biệt là công tác xử lý vi phạm đối với người nước ngoài.
Ba là, tăng cường quan hệ phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành: lực lượng cảnh sát xuất nhập cảnh, công an các cấp, sở ngoại vụ các tỉnh, ủy ban nhân dân các cấp để quản lý, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với cá nhân, tổ chức nói chung và nước ngoài nói riêng. Đặc biệt, lực lượng CSGT cần tham mưu cho Bộ Công an trong ban hành quy chế phối hợp với Bộ Ngoại giao, cơ quan lãnh sự ngoại giao của một số quốc gia có số lượng lớn người nước ngoài đến Việt Nam để phối hợp trong xác minh nhân thân, đôn đốc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người nước ngoài, giúp họ bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, giảm số vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cũng chính là nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Lực lượng CSGT cần phối hợp tốt với các cơ quan thông tin đại chúng để làm tốt công tác tuyên truyền song ngữ (Anh-Việt), giáo dục, vận động quần chúng chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, tham gia quản lý trật tự an toàn giao thông ở địa bàn cơ sở. Kịp thời đưa tin và hình ảnh vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cũng như công tác xử phạt của lực lượng CSGT... nhằm góp phần tác động làm chuyển biến nhận thức và hành vi chấp hành pháp luật, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho mỗi người dân ở bất cứ quốc gia nào khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Năm là, thắt chặt kỷ cương pháp lý trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện đối với người nước ngoài, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ cho người nước ngoài thuê xe ô tô, xe gắn máy, xe xích lô, xe máy điện, xe đạp tham gia giao thông. Xác định rõ nguồn gốc phương tiện để phục vụ xác minh đối tượng vi phạm, đặc biệt các vụ vi phạm phát hiện thông qua phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các vụ vi phạm mà đối tượng chống đối, bỏ chạy khỏi hiện trường gây khó khăn cho công tác xử lý của lực lượng CSGT.
Có thể thấy, công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng nói chung và lực lượng cảnh sát nói riêng có rất nhiều hạn chế và khó khăn nhất định. Để đáp ứng được yêu cầu công tác trong thời gian tới đối với thời kỳ hội nhập quốc tế, đặc biệt là ở những thành phố trọng điểm như ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa... có số lượng lớn người nước ngoài sinh sống, du lịch, làm việc lâu dài cần phải được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đối với người nước ngoài. Đầu tư cơ sở kỹ thuật hiện đại, đào tạo các kỹ năng tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật giao thông qua các phương tiện truyền thông để người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ, góp phần phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay là những giải pháp cần thực hiện ngay.
Tài liệu tham khảo 1. Luật Giao thông đường bộ năm 2008. 2. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020. 3. Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao - Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch số 01-TTLN năm 1988 về “Hướng dẫn điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra”. 4. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP. 5. Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. |
ThS. LÊ NGỌC KHUÊ
Học viện Cảnh sát nhân dân
Tăng cường trách nhiệm của các ISP trong bảo vệ bản quyền: Đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn