/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Thực trạng tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

Thực trạng tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

17/05/2022 14:38 |

(LSVN) - Ly hôn là điều không ai mong muốn bởi nhiều hệ lụy mà nó mang lại. Một trong số đó là việc tranh chấp giành quyền nuôi con và thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn. Đây cũng là một loại tranh chấp về hôn nhân gia đình phổ biến. Bài viết nêu lên thực trạng của loại tranh chấp này, các quy định hiện hành của pháp luật về giải quyết tranh chấp và những vướng mắc trên thực tế; qua đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân về quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.

Ảnh minh họa. 

Thực trạng

Khi quyết định ly hôn, đa số các cặp vợ chồng đều đã xác định tình cảm không còn, không thể tiếp tục cùng nhau chung sống và xây dựng hạnh phúc. Một số cặp vợ chồng thỏa thuận kết thúc cuộc hôn nhân trong hòa bình. Song không ít các cặp đôi tìm mọi cách để gây căng thẳng, đau khổ cho nhau, trừng phạt nhau vì cho rằng đối phương có lỗi làm cho hôn nhân tan vỡ, trong đó bao gồm cả việc tranh chấp tài sản, con cái, mức cấp dưỡng nuôi con chung. Có rất nhiều vụ án mà việc tranh chấp nuôi con kéo dài hàng năm, thậm chí một vài năm. Nhiều vụ xảy ra ẩu đả phải nhờ chính quyền, cơ quan công an và một số cơ quan, đoàn thể tham gia, can thiệp cũng như sự tham gia bền bỉ của các Luật sư. 

Thực tế tranh chấp nuôi con căng thẳng thường vì một số lý do chính như: vì quá yêu thương, lo lắng con; vì cho rằng, đối phương không đủ điều kiện vật chất, hay không đủ tư cách, phẩm giá để nuôi dưỡng và chăm sóc con; do quá đề cao quyền nuôi con của bản thân mà không cân nhắc nhu cầu thực sự của trẻ; do tác động của gia đình, người thân với quan niệm “giao con cho người khác là mất con, mất người nối dõi”, do đối phương gây khó khăn, cản trở việc thăm nom con…

Căng thẳng do tranh chấp ai là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con thường đồng thời kéo theo căng thẳng trong tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con. Có người nhận nuôi con không yêu cầu cấp dưỡng nhằm chứng minh mình có thừa điều kiện để chăm lo cho con đủ đầy, nhưng cũng có người đưa ra mức cấp dưỡng cao để nhằm làm gây áp lực cho bên kia. Có những vụ chỉ yêu cầu cấp dưỡng trên dưới 1 triệu đồng/tháng/cháu nhưng cũng rất nhiều vụ tranh chấp yêu cầu cấp dưỡng hàng chục triệu đồng/tháng/cháu…

Hầu hết các tranh chấp căng thẳng đều có nguyên nhân là do pháp luật chưa có quy định thật chi tiết, phù hợp với một số trường hợp cụ thể; tuy nhiên cũng không loại trừ nguyên nhân do các bên tranh chấp chưa hiểu đúng quy định của pháp luật, không quan tâm đúng mức nhu cầu tình cảm, lợi ích thực sự của con, dẫn đến tranh chấp kéo dài, gây khó khăn, tổn thương cho cả đôi bên và con cái.  

Quy định của pháp luật và những vướng mắc thực tế

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. 

Thực tế, rất nhiều vụ án vụ án tranh chấp nuôi con mà cả hai bên đều có đủ điều kiện để có thể chăm sóc tốt cho trẻ cả về vật chất lẫn tinh thần. Các bên tranh chấp quyết liệt và đều cố gắng chứng minh mình có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn đối phương. Cũng có những trường hợp cả bố và mẹ đều khó khăn, đều bận đi làm ăn, kiếm sống quanh năm, suốt tháng nên phải giao con cha ông bà nội, ngoại trông coi. Xác định ai có điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn ai là một việc không hề đơn giản. Các trường hợp chứng minh việc cản trở thăm nom, chăm sóc con cũng là vấn đề phức tạp vì đôi khi chỉ là chuyện nội bộ, không có nhân chứng hoặc sự chứng kiến của cơ quan, chính quyền. Các bên đều có thể đưa ra rất nhiều lý do; nhiều trường hợp chính các Luật sư cũng rất khó khăn trong việc hướng dẫn và thuyết phục các bên giảm bớt căng thẳng. Để xác định tính khách quan của các chứng cứ, lý lẽ do các bên nêu ra, đôi khi tòa án phải tốn khá nhiều thời gian, công sức để xác minh, thu thập chứng cứ.

Đối với những trường hợp các cháu đã đủ tuổi để nêu ý kiến chọn sống với cha hay với mẹ cũng không hề đơn giản để có kết quả chính xác, không gây tổn thương cho trẻ. Nhiều trường hợp cha, mẹ, ông bà đang trực tiếp trông nom các cháu gây áp lực tinh thần hoặc đưa ra những thông tin không chính xác, hướng các cháu phải khai theo ý người lớn.

Về cấp dưỡng nuôi con, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con. Như vậy, cấp dưỡng là quyền lợi của đứa trẻ chứ không phải quyền lợi của cha hay mẹ. Người trực tiếp nuôi con từ chối nhận cấp dưỡng cũng là không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của con.

Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. 

Khi tòa án giải quyết phải căn cứ vào “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. Thực tế, thu nhập thực tế của các cặp vợ chồng không giống nhau và đôi khi không thể xác định chính xác nếu các bên không hợp tác hoặc cố tình che giấu. Đặc biệt đối với những người kinh doanh, người làm nghề tự do hoặc người không có nghề nghiệp ổn định do chúng ta chưa thực sự có cơ chế kiểm soát tối đa tiền mặt cũng như quản lý thu nhập thông qua tài khoản.

Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nên thực tế giải quyết vẫn tham khảo quy định tại Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (đã hết hiệu lực). Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, “khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.

Về “Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”. Thực tế nhu cầu này ở cùng địa phương, cùng lứa tuổi thì mỗi cháu, mỗi gia đình cũng có hoàn cảnh, mức sống khác nhau. Có trường hợp, thu nhập của người cấp dưỡng không bảo đảm để cấp dưỡng ở mức trung bình. Đây cũng là điều khó khăn không chỉ đối với các bên tranh chấp mà cả đối với Luật sư tư vấn và tòa án.

Tính toán được thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như tính toán nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng một cách chính xác thực tế không dễ dàng. Thực tiễn khi giải quyết tranh chấp, các tòa án thường vận dụng hướng dẫn tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân Tối cao: “Tòa án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương và nhiều hoàn cảnh cụ thể thì “mức cấp dưỡng ½ mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định” là không còn phù hợp.

Để giảm bớt các căng thẳng, tranh chấp kéo dài gây tổn thương, thiệt thòi quyền lợi của trẻ, trách nhiệm của các cơ quan pháp luật và các Luật sư khi tham gia cần có giải thích để các cặp vợ chồng hiểu đúng, hiểu rõ pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn là nhằm bảo đảm quyền của trẻ chứ không phải nhằm bảo đảm “quyền phải có được con bên mình” như nhận thức của một số cha mẹ. Quyền của cha mẹ theo quy định của pháp luật chính là quyền chăm sóc, thăm nom, cấp dưỡng nuôi con vì sự phát triển toàn diện về vật chất, tinh thần của con. Việc cấp dưỡng nuôi con là trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ, đồng thời là quyền của trẻ. Yêu cầu cấp dưỡng cũng như thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của con.

Luật sư, Thạc sĩ NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾN

Nguyên Chánh tòa Dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai

Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa

Lê Minh Hoàng