/ Luật sư - Bạn đọc
/ Thuê người bắt cóc bạn gái rồi giả làm 'anh hùng giải cứu': Bài học cho những thanh niên ‘sống ảo’

Thuê người bắt cóc bạn gái rồi giả làm 'anh hùng giải cứu': Bài học cho những thanh niên ‘sống ảo’

19/03/2021 03:39 |

(LSVN) – Hành vi bắt, giữ người trái pháp luật để đòi tiền chuộc là hành vi vi phạm pháp luật, không những xâm hại đến sức khỏe, quyền tự do thân thể, tự do đi lại cư trú của công dân mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và có thể gây ra nhiều hệ lụy khác cho xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy, dù là “trò đùa” thì hành vi bắt giữ người đã xảy ra, đã khiến nạn nhân sợ hãi và đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại cư trú của nạn nhân nên hành vi này cũng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng lấy cung bị can Nguyễn Văn Đức.

Vừa qua, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đức (24 tuổi, trú tại Nông Cống, Thanh Hóa); Triệu Ồng Nhất (25 tuổi, trú tại Văn Bàn, Lào Cai); Hoàng Ồng Nhất (23 tuổi, trú tại Bảo Thắng, Lào Cai); Lương Thanh Miều (23 tuổi, trú tại Văn Bàn, Lào Cai) về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Theo điều tra, khoảng tháng 10/2020, Đức quen chị Nguyễn Thị T. (19 tuổi, trú tại Hà Nội). Đức nhiều lần bày tỏ tình cảm nhưng không được T. đáp lại nên đã bàn bạc với Miều lên kế hoạch bắt cóc T. rồi dựng lên "vở kịch" đòi tiền chuộc.

Chiều tối 04/3/2021, Đức hẹn chị T. đến cổng chùa Phúc Khánh ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Nhận lời, chị T. đến điểm hẹn thì không thấy Đức đâu mà bị nhóm nghi phạm bắt ép lên xe rồi đưa về một ngôi nhà tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Theo kế hoạch đã bàn bạc, Miều lấy điện thoại của chị T. gọi cho Đức, yêu cầu số tiền chuộc là 500 triệu đồng. Tiếp đó, Đức đóng vai anh hùng, đến địa chỉ giam giữ chị T. để trao đổi tiền chuộc, mục đích khiến chị T. rung động và chấp nhận lời tỏ tình.

Sau khi thoát ra ngoài, chị T. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Tại cơ quan Công an, nhóm này khai nhận được Đức thuê bắt giữ chị T. và dựng lên màn kịch bắt cóc tống tiền nêu trên.

Đánh giá về vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng đây là vụ án nguy hiểm nhưng cũng "hài hước" không khác gì trong các bộ phim truyền hình, hài kịch. Có lẽ, các đối tượng này “sống ảo” và ngây thơ đến mức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà không nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi do mình gây ra. Hành vi lừa dối trong tình cảm cũng là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, đáng lên án.

Các đối tượng này đều là người đã thành niên, là người có nhận thức đầy đủ và phải chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân mình. 

Hành vi bắt giữ người trái pháp luật để đòi tiền chuộc là hành vi vi phạm pháp luật, không những xâm hại đến sức khỏe, quyền tự do thân thể, tự do đi lại cư trú của công dân mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và có thể gây ra nhiều hệ lụy khác cho xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu tội phạm bởi vậy dù là “trò đùa” thì hành vi bắt giữ người đã xảy ra, đã khiến nạn nhân sợ hãi và đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại cư trú của nạn nhân nên hành vi này cũng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Theo Luật sư Cường, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì mọi công dân đều có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do thân thể, được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm. Việc bắt, giữ, hạn chế những quyền cơ bản của công dân phải trên cơ sở các quy định của luật theo trình tự, thủ tục và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. 

Hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật được hiểu là hành vi bắt, giữ, giam người không thuộc các trường hợp mà pháp luật cho phép hoặc không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục luật định. Hành vi đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, tự do cư trú phải tự do thân thể của công dân. 

“Dù hành vi có thể là đùa, một dự tính đánh lừa tình cảm,tuy nhiên hành vi bắt, giữ người trái pháp luật đã thực hiện, đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân nên hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015”, Luật sư Cường nói.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, trường hợp lời khai của các đối tượng là đúng, các đối tượng bắt giữ cô gái này đòi tiền chuộc 500 triệu đồng là “kịch bản” chỉ để lấy lòng, để dựng chuyện hào hiệp, cho một đối tượng chiếm được tình cảm của cô gái này thì các đối tượng chỉ bị xử lý về tội về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo Điều 157 Bộ luật Hình sự nêu trên và mức hình phạt cao nhất trong tình huống này có thể lên đến 07 năm tù (nếu hành vi được xác định là có tổ chức).

"Vụ việc này có lẽ sẽ là một bài học cho những thanh niên “sống ảo”, sẵn sàng dựng chuyện, giả dối, không từ thủ đoạn nào để lừa gạt, nhằm chiếm được tình cảm của người khác, thêm vào đó là thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến bi kịch ngày hôm nay đã rước họa vào thân. Trong chuyện tình cảm thì cái gì đến sẽ đến, những sự chân thành, tình cảm thực sự mới có thể đem đến một tình yêu thực sự, một tương lai hạnh phúc. Còn những trò dối trá, lừa đảo thì sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện và trả giá, chỉ tiếc rằng các đối tượng này đã trả giá quá sớm và quá đắt!", Luật sư Cường chia sẻ.

THANH THANH

Phong tỏa tài khoản cá nhân trong trường hợp nào?

Lê Minh Hoàng