/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Thương lắm Cúc ơi!

Thương lắm Cúc ơi!

18/07/2022 03:13 |

(LSVN) - Ngã Ba Đồng Lộc là một địa chỉ "đỏ" mà ngày ngày du khách cả trong và ngoài nước đều về đây tri ân, tưởng niệm những người con hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ và ngày 27/7, đồng đội của 10 cô gái thanh niên xung phong cùng nhau cắm những bông hoa đẹp nhất lên mộ, thắp hương, tưởng nhớ những người bạn, người đồng chí.

Cả nước không bao giờ quên ơn 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, tôi có dịp được về thăm Ngã ba Đồng Lộc, gặp được các cụ độ tuổi “xưa nay hiếm” đang lặng lẽ thắp hương, cắm hoa trên từng mộ các cô, các chị thanh niên xung phong. 

Đến mộ chị Hồ Thị Cúc, các cụ dừng lại lâu hơn, cắm hương, hoa mà bùi ngùi: “Thương lắm Cúc ơi!”!, ai nấy trong đoàn đều lặng mình khóc. Tôi lặng người nhìn hình ảnh nghĩa tình đồng đội mà chỉ những người lính, những người cùng nhau nơi chiến trận mới thấu hiểu hết. Hỏi mới biết, đây đều là những người đồng đội năm xưa, những người đã cùng nhau sát cánh trong đơn vị ròng rã suốt 03 ngày dưới trời nắng như đổ lửa, bất chấp nguy hiểm máy bay địch dò tìm bắn phá mà đi tìm chị Cúc.

Quê chị Hồ Thị Cúc ở Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, một vùng quê đẹp bên sông Ngàn Phố. Nhưng tuổi thơ của chị thì vô cùng cơ cực. Ngày chị mới lên 1 tuổi, nạn đói năm 1945 đã cướp đi bố và bà nội của chị. Ông nội đưa hai mẹ con chị về ở chung, hàng ngày rau cháo cho qua lúc đói kém. Khi Cúc lên 04 tuổi mẹ đi bước nữa, chú chị đi bộ đội về cưới vợ, từ đó chị ở cùng với cậu mợ và o Loan. Trong khi những người bạn cùng trang lứa với Cúc được cha mẹ nâng niu, chiều chuộng, chăm bẵm thì Cúc phải ra đồng chăn trâu cắt cỏ, đằm mình dưới sông Ngàn Phố mò cua bắt ốc. Cúc có mái tóc vàng hoe, nhuộm màu sương gió. Chị cần cù chịu khó, chậm, nhưng làm việc gì cũng chắc, vì điểm này mà bạn bè trong xóm hay gọi chị là “Cúc mục”.

Chị Hồ Thị Cúc.

Năm Cúc lên 08 tuổi, nấu cám lợn xong, đang quét dọn bếp thì mợ vào bưng nồi cám ra nhưng chẳng may bị trượt chân làm nồi cám đổ lên lưng Cúc. Cúc bị bỏng rất nặng, suốt ngày chỉ nằm sấp trên chiếc chõng tre, nhìn Cúc nằm li bì mà bà con làng xóm ai cũng thương xót, ai cũng lo lắng cho con bé vì sợ nó không qua khỏi. Trong suốt 03 tháng ròng, o Loan đã phải chữa trị cho Cúc bằng những bài thuốc dân gian thì Cúc mới khỏi. Từ đó, trên vai đến lưng quần Cúc đã hằn dấu một vết sẹo lớn sần sùi.

Đến năm 1965, Cúc tạm biệt quê hương yêu dấu, tạm biệt người thân, bạn bè đi thanh niên xung phong, vào Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trên đường chiến lược 15A, con đường huyết mạch vận chuyển chi viện cho chiến trường. Ngã ba Đồng Lộc - một trọng điểm mà kẻ thù đánh phá mang tính hủy diệt.

Lúc 14 giờ ngày 24/7/1968, máy bay kẻ thù điên cuồng trút bom xuống Ngã ba Đồng Lộc, khi đó 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 hy sinh đang độ tuổi xuân xanh. Đồng đội bới tìm được 9 người, nhưng riêng Hồ Thị Cúc phải mất tới 03 ngày sau mới tìm được.

Nhà thơ Yến Thanh - một đồng đội của chị Hồ Thị Cúc, người cùng đơn vị đi bới tìm chị, sau 02 ngày đêm tìm không thấy, thương quá đã viết:

"Cúc ơi! Em ở đâu

Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố

Ăn quýt đỏ Sơn Bằng  

Chăn trâu cắt cỏ".    

Tiểu đội 4 chỉ có 02 đảng viên, đó là chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng và chị Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó. Chị Tần và chị Cúc cũng là hai người nhiều tuổi nhất Tiểu đội. Nếu chị Cúc còn sống thì chắc có lẽ năm nay cũng đã bước sang tuổi 77, chị là người ít nói, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn và có lẽ đôi mắt thể hiện rõ nội tâm của chị nhất. Tuy nhiên, đối với công việc của Tiểu đội, chị luôn thể hiện mình là một cán bộ gương mẫu, một người chị luôn nhận công việc nặng nhọc về mình, lo lắng, sốt sắng cho mọi người. Có những lần Tiểu đội phải làm ca 02 giờ sáng mới ra mặt đường, ấy thế mà 12 giờ chị đã đốc thúc chị em đi làm. Trong Tiểu đội luôn thường đùa với nhau gọi chị là “Cúc cầm càng”, vì chị cầm càng xe bò rất tốt. Tiểu đội làm ban đêm, ở những đoạn đường thường phải chạy qua vực sâu, nếu người cầm càng không tốt chị em dễ rơi xuống vực vô cùng nguy hiểm, nhưng mỗi khi có chị Cúc cầm càng thì các chị em lại rất yên tâm.

Ngày chị hy sinh, cả đơn vị ai cũng khóc. Trong 03 ngày đêm đi tìm Cúc nhiều đồng đội đã khóc cạn nước mắt, Nhà thơ Yến Thanh đã khóc rằng:

"Em ở đâu hỡi Cúc

Đồng đội tìm em

Đũa găm cơm úp

Gọi em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi... ời ơi".

Anh chị em tìm được Cúc vào lúc 17 giờ chiều, ngày thứ 3 (tức là ngày 26/7) trong tư thế ngồi đội nón, trong lòng ôm chiếc cuốc. Nhìn chị Cúc mà lòng ai cũng tái tê, ruột như muối xát. Chị luôn là một tấm gương mãi mãi cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.

Mỗi lần về thăm Ngã ba Đồng Lộc, thắp hương cho 10 cô gái thanh niên xung phong, tôi lại sang bảo tàng đọc những dòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong sổ vàng truyền thống nhân dịp một lần ông về thăm nơi đây: “Tấm gương nghĩa liệt của 10 nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công”.

Tổ quốc không bao giờ quên sự hy sinh của các cô, các chị. Các thế hệ người Việt Nam ghi ơn các cô, các chị ra đi để đất nước có ngày hạnh phúc như hôm nay. 

HẢI HƯNG

Tâm sự của người lính bên kia chiến tuyến

Lê Minh Hoàng