Đề tựa cho cuốn sách "Truy tìm sự thật", tác giả - nhà văn Mỹ David Baldacci dẫn câu: "Tại sao phí thời gian đi phát hiện sự thật trong khi anh dễ dàng tạo ra nó?". Đó là triết lý đồng thời là phương châm hành động của một nhà tài phiệt vũ khí nhằm tạo ra những sự kiện giả gây chấn động thế giới mà mọi người tin là trăm phần trăm sự thật. Và, có những công ty chuyên tạo ra những sự kiện giả này, làm nó trở nên có lý với lời khẳng định: "Tôi có thể làm cho họ tin bất cứ điều gì!".
Quả thật, họ đã làm được điều đó và suýt nữa thì xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, còn có những con người trung thực, tìm mọi cách, kể cả hy sinh tính mạng để tìm ra sự thật, ngăn chặn cuộc chiến xảy ra chỉ có lợi cho những tài phiệt kinh doanh vũ khí. Thông điệp rõ ràng mà cuốn sách này gửi tới độc giả về việc phát tán những thông tin sai sự thật, khiến mỗi chúng ta phải ngừng lại và suy ngẫm xem những sự kiện gần đây đã ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào, kể cả việc tiếp cận sự thật.
Chúng ta đang sống trong một "thế giới phẳng" ngập tràn thông tin và không ít nhưng thông tin giả mà "như thật", khiến chúng ta phẫn nộ, thương cảm và biểu hiện cảm xúc, thái độ, chính kiến của mình bởi tin đó là thật. Đến khi biết nó là giả thì đã quá muộn rồi, chúng biến ta thành kẻ hồ đồ, cả tin và ngốc nghếch nữa.
Mục đích của nhà tài phiệt dựng sự kiện giả để buôn vũ khí cũng như những người phát tán thông tin (hoặc sự kiện, hình ảnh giả) cũng đều có mục đích, không phải chỉ có chuyện "lấy nước mắt nhiều người". Ví dụ gần đây, trong đại dịch, rất nhiều những chiêu trò phát tán tin giả để bán thuốc ngăn ngừa và điều trị Covid và các thiết bị y tế phòng chống dịch; tung tin giả về sự phong tỏa để bán hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm,... Vì cả tin, rất nhiều người đã rơi vào bẫy và gây nên sự bất an không nhỏ trong đời sống cộng đồng. Thực chất, xử lý vài trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội chỉ là phần ngọn, cái gốc nó nằm ở chỗ khác, rất khó phát hiện và xử lý.
Một dẫn chứng khác, câu chuyện của "bác sĩ Khoa" đã lay động trái tim thương cảm của bao nhiêu người, tạo nên một làn sóng sẻ chia, cảm phục trên mạng xã hội thực ra chỉ là "hư cấu". Và, bây giờ khi tìm hiểu kỹ, cộng đồng dân cư mạng dễ dàng phát hiện nhóm người dựng lên "Bác sỹ Khoa" với mục đích khá rõ ràng là kiếm tiền bằng con đường từ thiện.
Cơ quan điều tra vào cuộc thì mọi việc sẽ sớm sáng tỏ thôi nhưng mục đích của họ là kiếm tiền trên nước mắt đồng loại thì đã thực hiện được rồi!
Gần 80 năm trước, người cộng sản G. Phu-xích, viết tác phẩm "Dưới giá treo cổ" trong nhà tù phát xít Đức để lại một câu nổi tiếng: "Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác!". Rõ ràng, lời kêu gọi nhân loại đó vẫn giữ nguyên tính thời sự!
NHỊ NGỌC
Cần sớm khởi tố nhóm tài khoản ‘bác sĩ Khoa’ về hành vi lừa đảo, giả mạo để trục lợi