Các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ảnh: vnexpress.
Như tin đã đưa, ngày 20/4, Công an quận Thanh Xuân phát hiện 17 người Trung Quốc lưu trú tại nhà trọ trên đường Nguyễn Trãi và 2 căn hộ chung cư khác ở quận này. Qua xác minh, nhóm người này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Kết quả điều tra xác định, Trần Thị Phương Thảo là người thuê căn nhà trên để bán hàng online. Cuối năm 2020, khi đang học ngành tiếng Trung tại một Trường Đại học, Thảo quen biết Ou Guo Pei và nam thanh niên tên Vương (quốc tịch Trung Quốc, đang bỏ trốn) qua mạng xã hội. Được 2 thanh niên ngoại quốc hứa trả công nếu thuê giúp chung cư để họ đưa một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép sang lưu trú và làm việc, Trần Thị Phương Thảo rủ Đinh Thị Huệ cùng tham gia.
Từ đầu năm, hai nữ sinh viên trên đã thuê giúp 2 thanh niên ngoại quốc thuê 2 căn hộ chung cư ở quận Thanh Xuân và được nhóm người Trung Quốc trả thù lao 144 triệu đồng. Trong đó, Thảo hưởng lợi 140 triệu.
Ngày 03/5, Công an TP. Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố Trần Thị Phương Thảo và Đinh Thị Huệ (cùng 21 tuổi, quê Phú Thọ) và Ou Guo Pei (quốc tịch Trung Quốc) về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Các đối tượng tiếp tay cho 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép có thể phải đối mặt với mức án 15 năm tù
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, việc nhập cảnh vào Việt Nam phải được tiến hành và tuân thủ đầy đủ các quy định về việc nhập cảnh. Phải có đầy đủ các giấy tờ cần thiết và được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, trong khi tình hình dịch bệnh đang trong tình trạng nguy hiểm như hiện nay, việc nhập cảnh vào Việt Nam càng được quan tâm, thắt chặt để phục vụ tối đa công tác phòng, chống dịch bệnh.
Hành vi của các đối tượng Thị Phương Thảo, Đinh Thị Huệ và Ou Guo Pei là hành vi tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép và lưu trú trái phép ở Việt Nam. Các đối tượng biết rõ việc những người Trung Quốc này vào Việt Nam không theo đường chính ngạch, không thực hiện việc cách ly theo quy định nhưng đã tìm và sắp xếp chỗ ở. Hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến công tác quản lý của nhà nước về dân cư, việc phòng chống dịch bệnh cũng như tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật và có dấu hiệu của tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép 1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Các đối tượng thực hiện hành vi cùng nhau, mỗi đối tượng cho vai trò riêng trong toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, đây là hành vi phạm tội có tính chất đồng phạm giản đơn. Các đối tượng đều phải chịu trách nhiệm về tội phạm đã thực hiện với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015.
Người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tiếp tay cho nhập cảnh trái phép
Luật sư Nguyễn Văn Cận, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai nhận định, nếu trong quá trình đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, những đối tượng này dương tính với virus SARS-CoV2 và làm lây lan cho người khác tại Việt Nam thì còn bị xử lý hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Ngoài ra, theo Luật sư Cận, trong tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, người dân cũng cần phải nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tiếp tay cho nhập cảnh trái phép. Thông thường việc tiếp tay cho nhập cảnh trái phép sẽ nhận được mối lợi rất lớn nên người dân dễ bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo không vì mối lợi trước mắt mà gây nguy hại đến cộng đồng. Mỗi người dân cần có ý thức chung tay, giúp sức cùng các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn với tội phạm, đẩy lùi nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19.
LINH CHI
Lấy cung các đối tượng câm điếc như thế nào để đảm bảo tính hợp pháp?