/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Tiết lộ bí mật thông tin khách hàng và một số vấn đề có liên quan

Tiết lộ bí mật thông tin khách hàng và một số vấn đề có liên quan

20/01/2023 12:24 |

(LSVN) - Cùng với nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng, bảo mật thông tin là nguyên tắc chung chi phối hoạt động nghề Luật sư nói chung và quan hệ Luật sư và khách hàng nói riêng. Thậm chí ở một số nước đây được coi là nguyên tắc tối cao của nghề nghiệp chỉ đứng sau nguyên tắc độc lập của nghề Luật sư. Bài viết dưới đây nhằm tìm hiểu một số khía cạnh của nguyên tắc và thực hiện quy tắc này hiện nay.

Ảnh minh họa.

Bảo mật thông tin của khách hàng là nguyên tắc chung được quy định tại Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Việt Nam. Quy tắc 7 Bộ Quy tắc nêu rõ về giữ bí mật thông tin như sau:

“7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Thực trạng, nguyên nhân vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng 

Hiện nay việc bảo mật thông tin của khách hàng cơ bản đã được Luật sư Việt Nam tuân thủ nghiêm, nhưng thực tế cũng ghi nhận một số trường hợp Luật sư vi phạm nguyên tắc này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Luật sư có thể vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng trong đó có thể kể đến tâm lý đám đông, tính chuyên nghiệp chưa cao của Luật sư.

Luật sư có thể tiết lộ thông tin về vụ việc về khách hàng (gọi chung là bí mật thông tin của khách hàng) một cách không có chủ đích. Ví dụ, khi vụ việc mới xảy ra báo chí, dư luận quan tâm trong một không gian mở mọi người bàn tán về vụ việc mà Luật sư đang tham gia bảo vệ, Luật sư có thể sẽ vô tình cung cấp các thông tin mà mình biết được trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý mà các thông tin đó đôi khi rất quan trọng hoặc chưa được tiết lộ ra ngoài. Luật sư cung cấp thông tin này đôi khi chỉ vì để thể hiện mình cũng biết về vụ việc, hoặc bàn chuyện với mọi người để cho có với tâm lý “câu chuyện làm quà” mà không có mục đích sâu xa.

Cũng có trường hợp Luật sư chủ động tiết lộ thông tin vì muốn tạo uy tín, lôi kéo khách hàng thông qua các vụ việc cụ thể đã làm. Luật sư muốn khẳng định cái tôi, khẳng định sự thành công nghề nghiệp thông qua kết quả công việc đã thực hiện. Những trường hợp này thường rơi vào số Luật sư mới hành nghề đang có nhiệt huyết nghề nghiệp cao, thiếu sự tiết chế trong nghề nghiệp.

Luật sư tiết lộ thông tin vụ việc nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Có thể Luật sư tiết lộ bí mật thông tin về vụ việc để hạ thấp uy tín của đồng nghiệp, ví dụ Luật sư kể diễn biến một vụ việc trong đó tiết lộ những hạn chế, sai làm của đồng nghiệp. Hoặc đơn giản là kể về vụ việc mà khách hàng do mình bảo vệ đã thắng khách hàng do Luật sư đồng nghiệp bảo vệ và cho rằng mình đã thắng Luật sư đồng nghiệp…

Cách thức tiết thông tin bí mật của khách hàng

Có thể kể đến các cách thức như Luật sư nêu các công việc, vụ việc, vụ án mình đã và đang thực hiện cho khách hàng như một cách thức để khoe kết quả công việc. Cho dù việc làm này có chủ đích hay không có chủ đích, cho dù việc làm này có mục để lôi kéo khách hàng, để khẳng định mình hay không có các mục đích đó.

Đôi khi Luật sư không trực tiếp kể câu chuyện của mình ra nhưng lại để nhân viên, cán bộ, người quen, người thân của mình kể câu chuyện của khách hàng và lồng vào đó là vai trò, kết quả công việc Luật sư đã thực hiện. Để ngăn chặn việc này, Bộ Quy tắc đã quy định ngoài việc yêu cầu chính Luật sư không được tiết lộ bí mật của khách hàng, Luật sư còn có trách nhiệm yêu cầu những người xung quanh mình, cán bộ, nhân viên của mình cũng phải giữ bí mật thông tin của khách hàng nếu họ biết được. Nhiều tổ chức hành nghề đã có quy định cấm tuyệt đối nhân viên, cán bộ tiết lộ bí mật của khách hàng khi họ biết được các thông tin, tài liệu này. 

Hậu quả của việc vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng đó là việc mất niềm tin của khách hàng vào Luật sư. Khách hàng tin tưởng, kỳ vọng gửi gắm vào Luật sư cả những yêu cầu, đề nghị về vật chất, về tinh thần và thậm chí còn hy vọng Luật sư như người bạn tâm giao của mình. Do vậy, khách hàng kể mọi việc cho Luật sư biết, và nếu Luật sư tiết lộ bí mật thì trước hết khách hàng sẽ cảm thấy đó như là một sự phản bội và sự đổ vỡ niềm tin.

Bí mật thông tin là tài sản, là sinh mạng của khách hàng. Đôi khi việc thông tin bị tiết lộ dẫn đến việc khách hàng tan cửa nát nhà, mất sự nghiệp, phá sản, thua kiện, thậm chí tính mạng bị đe dọa, xâm phạm.

Pháp luật quy định Luật sư gây thiệt hại cho khách hàng phải bồi thường. Việc tiết bí mật thông tin bí mật của khách hàng cũng có thể khiến Luật sư phải đền, phải bồi thường thiệt hại và cùng với đó có thể bị kỷ luật.

Trường hợp loại trừ nghĩa vụ bí mật thông tin của khách hàng

Thông tin của khách hàng khách hàng có quyền được tiết lộ và khách hàng có quyền cho phép Luật sư tiết lộ thông tin đó. Do vậy, trong trường hợp khách hàng cho phép hoặc được sự đồng ý Luật sư được cung cấp thông tin của khách hàng ra xã hội thậm chí cung cấp cho cơ quan báo chí. 

Bộ Quy tắc cũng quy định Luật sư phải cung cấp thông tin của khách hàng khi pháp luật có quy định. Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về không tố giác tội phạm. Cụ thể:

“1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”.

Trong một số trường hợp được quy định tại khoản 3, Điều 19 Bộ luật Hình sự, Luật sư có trách nhiệm cung cấp thông tin và tố giác tội phạm với điều kiện Luật sư phải biết rõ.

Bất cập của quy định về trách nhiệm giữ bí mật thông tin của khách hàng đối với Luật sư hiện nay 

Hiện nay, Bộ Quy tắc quy định Luật sư có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của khách hàng theo hướng: Giữ bí mật tuyệt đối; giữ bí mật vô thời hạn bao gồm cả trước, trong và sau khi thực hiện dịch vụ pháp lý; giữ bí mật không có ngoại lệ trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Thực tế rất khó phân định ranh giới, giới hạn đâu là thông tin Luật sư được phép công bố, đâu là thông tin Luật sư phải bảo mật. Ví dụ, Luật sư A bào chữa cho bị cáo X và được báo chí phản ánh rõ bị cáo X phạm tội gì, khung khoản ra sao, các thông tin cá nhân, diễn biến vụ việc… đã được báo chí trích nội dung bản án để phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng. Vậy đây có được coi là bí mật của khách hàng nữa hay không khi các thông tin này đã được công khai. Luật sư cung cấp các thông tin trong trường hợp này, kể các câu chuyện này có vi phạm không? Thiết nghĩ chế định về bảo mật thông tin của khách hàng cần được quy định và hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.

Hoạt động của Luật sư là một chuỗi liên kết của việc tiếp nhận thông tin, thu thập thông tin, xử lý và cung cấp thông tin. Việc cung cấp thông tin của Luật sư để phục vụ công việc bắt buộc, nhưng hiện nay chưa có quy định rõ đâu là thông tin được cung cấp, trường hợp nào được cung cấp là phù hợp khi thực hiện công việc cho khách hàng.

Năng lực của Luật sư được đánh giá bởi đạo đức, kinh nghiệm hành nghề, năng lực chuyên môn. Kinh nghiệm của Luật sư phải được cung cấp và chứng minh để khách hàng biết và thực hiện quyền tự quyết, quyền tự thuê Luật sư. Vậy việc Luật sư dẫn chứng, chứng minh năng lực của mình một cách trung thực có phải là hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan