Luật sư tranh tụng tại phiên tòa.
Chiều 07/01/2022, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ tuyên 6 bị cáo vô tội sau 2 ngày xét xử vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đã kéo dài 6 năm với nhiều lần trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và cũng trong 6 năm đó, 6 bị cáo liên tục kêu oan.
Việc Tòa án tuyên trắng án cho tất cả các bị cáo trong vụ án này đã trở thành một sự kiện pháp lý thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Bởi, việc tuyên vô tội tương tự không nhiều trong hoạt động xét xử ở nước ta, có thể gọi là hy hữu. Có nhận định cho rằng, đây là lần đầu tiên có việc này trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một tín hiệu đáng mừng khi thực hiện nguyên tắc hiến định “Tòa án độc lập xét xử” trong tiến trình cải cách tư pháp lấy Tòa án là trung tâm.
Trong vụ án này, các bị cáo bị cáo buộc thông đồng, cấu kết với nhau để nâng giá trị tài sản thế chấp, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 300 tỉ đồng. Quá trình tranh tụng tại Tòa đã làm sáng tỏ những cáo buộc đó là không có căn cứ và quan trọng nhất, chưa có thiệt hại nào, bởi giá trị của tài sản thế chấp đảm bảo, thậm chí còn dư để trả cho các khoản vay của ngân hàng.
Trong tình trạng khá phổ biến là “cứ truy tố là có tội” hoặc “đã bắt rồi thì phải buộc tội bằng được” đã từng được phản ảnh trên diễn đàn Quốc hội thì việc tuyên các bị cáo vô tội là một hành động dũng cảm của Hội đồng xét xử trong phiên tòa này, hơn thế, động thái này còn khẳng định một nguyên tắc “Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật” đi vào thực tế và phải trở thành điều bình thường hiện hữu trong đời sống pháp luật ở nước ta.
Nhân sự kiện pháp lý hy hữu này, cần phải thấy là áp lực từ nhiều phía đè nặng lên vai người Thẩm phán. Nhắc lại chuyện buồn năm cũ, một Thẩm phán - Chánh án Tòa án nhân dân huyện ở Ninh Thuận đã tự tử vì nữ thư ký dưới quyền bị khởi tố với cáo buộc tội danh “Làm sai lệch hồ sơ vụ án“ trong một vụ án dân sự chính do ông xét xử. Trước đó, một Thẩm phán cấp huyện ở Hà Nôi đã chết không rõ nguyên nhân tại phòng làm việc của mình, đáng chú ý là vị Thẩm phán này qua một vụ xét xử hình sự đã yêu cầu Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vào cuộc xem xét đối với một số người trong quá trình tiến hành tố tụng đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Vì thế, việc thực hiện nguyên tắc “Tòa án độc lập xét xử” hoặc “Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật” rất cần đến sự dũng cảm, thể hiện bản lĩnh của người Thẩm phán.
Trong nhà nước pháp quyền, tính độc lập của tư pháp là một trong những đặc trưng cơ bản được thể hiện bằng những nguyên tắc hiến định và pháp định ở nước ta. Việc thực hiện các nguyên tắc này một cách triệt để chính là đưa chủ trương cải cách tư pháp thành hiện thực. Và, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã làm được điều đó, tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong phiên xử sơ thẩm, quá trình tố tụng của vụ án này có thể còn kéo dài, quan trọng là những nguyên tắc đó được tuân thủ ở các phiên tòa tiếp theo.
Dẫu sao, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, một sự kiện pháp lý đáng ghi nhận khi khởi đầu một năm mới trong lĩnh vực tố tụng và đời sống pháp luật ở nước ta.
NHỊ NGỌC