/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tình tiết ‘phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng’ tại Chương XXV BLHS 2015

Tình tiết ‘phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng’ tại Chương XXV BLHS 2015

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - So với Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi, bổ sung về tên các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Cụ thể, tên Chương XXIII BLHS năm 1999 “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” được chuyển thành Chương XXV “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”. BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi xử lý đối với cả những người có trách nhiệm phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 chưa có văn bản mới hướng dẫn áp dụng nên việc áp dụng vẫn dựa trên tinh thần Thông tư liên tịch số 01/2003/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn Chương XXIII BLHS 1999. Trong thực tiễn, việc áp dụng các tình tiết mang tính định tính, định lượng “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng”, “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” sẽ không tránh khỏi việc tồn tại nhiều quan điểm nhận thức khác nhau.

Theo Thông tư liên tịch số 01/2003/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân của BLHS năm 1999 (Thông tư liên tịch này đã hết hiệu lực thi hành). Tuy nhiên, áp dụng tinh thần của Thông tư liên tịch này, các tình tiết trên được xác định theo Mục 6 Thông tư liên tịch số 01/2003/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định về các tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định tại các điều từ Điều 326 đến Điều 339 BLHS 1999.

Tuy nhiên, khi áp dụng các tình tiết này cần chú ý những vấn đề sau đây: 

Thứ nhất, hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra, tức là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Hậu quả đó có thể là hậu quả vật chất (như thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, về tài sản, về vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự) hoặc phi vật chất như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về an ninh quốc phòng; ảnh hưởng đến khả năng và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; ảnh hưởng đến quan hệ đoàn kết trong nội bộ quân đội; mối quan hệ quân dân...

Thứ hai, để xác định thế nào là phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải xem xét đánh giá một cách tổng hợp, toàn diện các loại hậu quả do hành vi phạm tội gây ra gồm thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, thiệt hại về vũ khí, trang bị và thiệt hại phi vật chất.

Thứ ba, việc xác định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, về tài sản được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của BLHS năm 1999. Cụ thể, để xem xét trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng và trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về nguyên tắc chung phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả (thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và các thiệt hại phi vật chất).

Trong đó gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản thì được xác định như sau:

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng: 1) Làm chết một người; 2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; 3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%; 4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỉ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm 2 và 3 trên đây; 5) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; 6) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả rất nghiêm trọng: 1) Làm chết hai người; 2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 61 % trở lên; 3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%; 4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỉ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, nếu không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm 2 và 3 trên đây; 5) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ 500 triệu đồng; 6) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai đến ba điểm từ điểm 1 đến điểm 6 trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng. 

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: 1) Làm chết ba người trở lên; 2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; 3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31 % đến 60%; 4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỉ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, nếu không thuộc một trong các trường hợp được hướng đẫn tại các điểm 2 và 3 trên đây; 5) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỉ 500 triệu đồng trở lên; 6) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn điểm trở lên từ điểm 1 đến điểm 6 trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng; 7) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai điểm trở lên từ điểm 1 đến điểm 6 trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Qua tìm hiểu về các tình tiết phạm tội như đã nêu trên, tác giả thấy có một số vướng mắc khi áp dụng trên thực tiễn như sau:

Tại khoản 3 Điều 393 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Ra mệnh lệnh trái pháp luật” quy định “phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 07 đến 15 năm” nhưng  tình tiết “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” chưa được hướng dẫn cụ thể. Trước đây, khi hướng dẫn áp dụng khoản 3 Điều 316 tội “Chống mệnh lệnh” trong BLHS năm 1999 thì “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” được giải thích là “trường hợp phạm tội khi đơn vị đang làm nhiệm vụ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp khác”. Nhưng tình tiết “lợi dụng tình trạng khẩn cấp” đã được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2 điều luật này (Điều 393 BLHS năm 2015). Do vậy, không thể coi giải thích trước đây đối với tội chống mệnh lệnh để áp dụng cho tội ra mệnh lệnh trái phép [1]. 

Ngoài ra, việc xác định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, về tài sản được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của BLHS năm 1999. Hiện nay, theo quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhóm các tội xâm phạm sở hữu đã bãi bỏ các tình tiết mang tính định tính, định lượng “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”. Chính vì vậy, kể từ khi BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành thì việc áp dụng tinh thần Thông tư liên tịch số 01/2003/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng BLHS năm 1999 không còn phù hợp.

Như vậy, để bảo đảm việc hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn đối với các tội trên.                            

========================

[1] Bình luận Bộ luật Hình sự 2015, trích “Ban chỉ đạo tập huấn chuyên sâu Bộ luật Hình sự, tài liệu hội nghị tập huấn chuyên sâu Bộ luật Hình sự năm 1999, Hà Nội, tháng 6/2000, tr336”.

                                                    PHÙNG HOÀNG

Tòa án quân sự Quân khu 1

Đề xuất bổ sung hình thức cung cấp sản phẩm đo đạc, bản đồ dạng trực tuyến

Lê Minh Hoàng