Ảnh minh họa.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 của Quốc hội Việt Nam, tại Điều 7 quy định: “Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển”. Như vậy, quyền bình đẳng giới được hiểu là phụ nữ cũng được hưởng các cơ hội bình đẳng như nam giới.
Tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới là một khâu then chốt quan trọng trong việc thực hiện các chính sách về bình đẳng giới được hiệu quả, thiết thực, nhằm phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc; dân số hơn 746,36 nghìn người với 25 dân tộc (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,2%); tỷ lệ dân số nữ chiếm khoảng 49,2%; Tỉnh Lào Cai có 7 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 152 xã, phường, thị trấn. Có 182,086 km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây, với các cặp cửa khẩu quốc tế quan trọng để giao lưu hàng hóa lớn tạo cho Lào Cai trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho tăng trưởng; xác định khâu đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của tỉnh, sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của một bộ phận dân cư, trong đó có phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ lao động trong các dịch vụ, thương mại, du lịch; tư tưởng mang tính định kiến về giới vẫn tồn tại; công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, trong đó có phụ nữ các lứa tuổi còn hạn chế so với yêu cầu,... là những yếu tố có tác động không nhỏ đến thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.
Với những nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua, Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu trong tổ chức thực hiện LuậtBình đẳng giới:
Thứ nhất, về tổ chức triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh:
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành có liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Công tác phối hợp liên ngành trong triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo các quy định tại Luật Bình đẳng giới và các văn bản, chính sách pháp luật khác có liên quan được thực thi và đi vào đời sống của nhân dân, trong đó ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu trình UBND cùng cấp ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác bình đẳng giới, kế hoạch thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn và hàng năm.
Tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới được kiện toàn, kinh phí hoạt động được đảm bảo từ nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu thuộc chương trình quốc gia bình đẳng giới và nguồn ngân sách địa phương chi cho công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Bình đẳng giới:
Tỉnh Lào Cai luôn đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp. Các chủ thể tuyên truyền pháp luật đã biên soạn và phát hành trên 400.000 bản các thể loại tờ rơi, lịch bàn, sổ tay hỏi - đáp tìm hiểu một số quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới; in, phát hành trên 5.000 tài liệu phục vụ tập huấn nâng cao năng lực bình đẳng giới; chuyển tải gần 1.000 phóng sự, tin, bài, tiểu phẩm, chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về bình đẳng giới, trong đó có nội dung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, các chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tổ chức trên 10.000 buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng về pháp luật bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, thu hút trên 200.000 lượt người dân tham gia; làm mới 564m2 pa nô khổ lớn, 206 m2 pa nô khổ nhỏ; treo hơn 4.000 tranh, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền Năm gia đình Việt Nam, kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình; Tháng hành động về Bình đẳng giới,... Thực hiện phổ biến pháp luật cho 200 lượt người là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; tập huấn cho 258 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân về bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trong đó có chuyên đề bình đẳng giới; tổ chức 6.327 chương trình tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới. Xây dựng và nhân rộng 132 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 460 câu lạc bộ và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại 40 xã, phường, thị trấn và 400 thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh, sinh hoạt thôn, bản về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền nội dung bình đẳng giới và Luật Bình đẳng giới. Tổ chức trên 400 buổi tọa đàm, gặp mặt nữ lãnh đạo các cấp; phụ nữ tiêu biểu; người có uy tín trong xã hội với trên 22.000 lượt người tham gia, trong đó có lồng ghép tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới.
Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về bình đẳng giới:
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về bình đẳng giới được tăng cường nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 100 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác bình đẳng giới cho trên 6.000 lượt cán bộ công chức, viên chức, người lao động từ cấp tỉnh đến cấp xã, các cộng tác viên, tình nguyện viên; 475 lớp tập huấn bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ công tác hội cho 25.300 lượt cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, cán bộ hội chuyên trách, ủy viên Ban Chấp hành Hội cơ sở; 17 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho gần 700 lượt nữ ứng cử viên HĐND các cấp. Tập huấn hướng dẫn triển khai 20 mô hình CLB Phòng, chống bạo lực gia đình tại 20 xã/05 huyện, tương đương 100 câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình; CLB Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 09 xã thuộc 04 huyện có nguy cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, gồm: Lùng Khấu Nhin - Mường Khương; Bản Phố, Tả Van Chư, Lùng Cải - Bắc Hà; Cán Cấu, Nàn Sín, Sín Chéng - Si Ma Cai; Điện Quan, Xuân Hòa - Bảo Yên); tổ chức tập huấn triển khai hoạt động Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tại 05 xã/05 huyện.
Thứ tư,công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới:
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới trên địa bàn được thực hiện đúng quy định. Qua thanh tra, kiểm tra thấy rằng các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới trên địa bàn, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới,...
Giai đoạn từ 01/7/2007 đến 29/4/2022, tỉnh Lào Cai không xử lý, tiếp nhận đơn thư, không có công dân đến hỏi, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh những nội dung liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới. Một số vụ bạo lực gia đình được kịp thời phát hiện, kiểm soát và xử lý theo thẩm quyền cũng như được tư vấn pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình. Các nạn nhân bị mua bán trở về (thông qua trao trả, giải cứu, tự trở về) được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng và học văn hóa, nghề tại Nhà Nhân ái tỉnh.
Trong giai đoạn 2007-2022, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều Nghị quyết và Quyết định để đảm bảo quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đặc biệt là đối với người dân thuộc hộ nghèo, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên nguyên tắc bình đẳng giới như: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người nghèo tỉnh Lào Cai mắc bệnh phải điều trị nội trú và phụ nữ sinh con tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; Nghị quyết về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2020; Quyết định ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về trên địa bàn tỉnh Lào Cai...
Kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện Luật Bình đẳng giới tại tỉnh Lào Cai
- Luật Bình đẳng giới, các chương trình bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Lào Cai đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự phối kết hợp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và sự quan tâm, lồng ghép tốt với các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đã góp phần quan trọng thúc đẩy và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
- Những mô hình hay, cách làm tốt từ các chương trình, đề án, dự án do các cấp, các ngành trong tỉnh được triển khai thực hiện như: Mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; mô hình “5 không, 3 sạch”; mô hình “Phòng, chống tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”; mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình”; mô hình lồng ghép bình đẳng giới trong hương ước, quy ước làng, bản,... đã có tác động mạnh mẽ làm thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức trong nhân dân về bình đẳng giới. Bản thân người phụ nữ đã tích cực phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Quyền lợi học tập, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, nuôi con của phụ nữ đã được cải thiện; vị thế, vai trò của phụ nữ được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, ngành thường xuyên được kiện toàn, bổ sung và hoàn thiện quy chế hoạt động. Mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đều đạt so với kế hoạch. Số hộ nghèo và số phụ nữ được vay vốn thông qua các tổ chức đoàn thể đạt tỷ lệ gần 100%. Tỷ lệ học sinh nữ các nhóm tuổi từ mầm non đến trung học phổ thông tăng qua các năm học và đều đạt, vượt kế hoạch. Việc huy động trẻ em nữ ở vùng sâu, vùng xa đến trường được đặc biệt quan tâm. Đến nay cơ bản các xã, thị trấn được kiểm tra đều có nữ hộ sinh. Tỷ lệ bà mẹ được uống vitamin A sau sinh đạt 100%; 100% phụ nữ có thai được quản lý thai nghén trước khi sinh. Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình được quan tâm; 100% các cơ sở y tế công lập đảm bảo được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình. Nam nữ trên địa bàn đã bình đẳng trong thụ hưởng và tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thông tin, thể thao. 100% các sản phẩm văn hóa thông tin trên địa bàn đảm bảo không vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
- Công tác triển khai Luật Bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động, làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đạt kết quả khả quan, nhất là về mục tiêu về công tác tuyển dụng lao động, sự phân công lao động trong gia đình (có sự chia sẻ công việc gia đình giữa nam và nữ, cùng nhau quyết định việc lớn trong gia đình, tạo điều kiện cho con cái không phân biệt con trai con gái tham gia học tập), thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong gia đình, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình; mạng lưới công nghệ thông tin phát triển đa dạng đã góp phần tích cực nâng cao năng lực, nhận thức của toàn xã hội về thực hiện chính sách, pháp luật bình đẳng giới.
Một số tồn tại, hạn chế
- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh để chuyển đổi hành vi trong nhân dân về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tài liệu truyền thông còn thiếu, nên chất lượng chưa cao. Việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới chủ yếu gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị, địa phương nên còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục.
- Công tác điều tra, khảo sát, thống kê toàn diện về bình đẳng giới trên địa bàn toàn tỉnh chưa được triển khai thực hiện dẫn đến thiếu cơ sở dữ liệu để xây dựng bộ chỉ số hoàn chỉnh về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ hầu hết đều kiêm nhiệm, thường xuyên có sự luân chuyển công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của một số nơi còn hạn chế.
- Tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Ở nhiều thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng phụ nữ sinh đẻ tại nhà, làm hạn chế quyền được hưởng các dịch vụ y tế của phụ nữ.
- Sự tiếp cận thông tin và nhận thức của người dân về công tác bình đẳng giới còn hạn chế, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân, quan niệm sinh con cái, coi nhẹ vai trò của người phụ nữ trong gia đình, vẫn còn định kiến, rào cản về việc nâng cao trình độ học vấn, giao tiếp, chia sẻ công việc gia đình đối với phụ nữ. Số phụ nữ nông thôn thiếu việc làm, di cư khỏi địa phương vẫn còn, dẫn tới nguy cơ bị bạo lực và bị mua bán.
- Năm 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động trên nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, tiền lương của người lao động đặc biệt là lao động nữ. Công tác tuyên truyền Luật và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới chưa được tiến hành thường xuyên. Kinh phí đầu tư cho phát triển đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ còn hạn chế; chất lượng dạy nghề chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Việc tạm thời tạm dừng một số hoạt động, trường học, càng tăng thêm gánh nặng chăm sóc của người phụ nữ trong mỗi gia đình. Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đội ngũ lao động trong khu vực các lĩnh vực có sự tham gia cao của lực lượng lao động nữ.
Khuyến nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện pháp luật bình đẳng giới trong thời gian tới
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của từng địa phương, mà còn là định hướng mục tiêu chung của Việt Nam trên tất các các lĩnh vực. Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi vị trí, vai trò của nữ giới được nâng cao và ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện phát huy trong thời đại công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước thì việc đề ra các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới nói là điều vô cùng cấp thiết. Để phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế vấn đề bình đẳng giới; công tác phụ nữ và việc tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới cần lưu ý quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau; cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Để xây dựng người phụ nữ hiện đại trước hết cần phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ của các tầng lớp phụ nữ. Chú trọng rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, giúp người phụ nữ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
Hai là, kế thừa quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các kỳ Đại hội để thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành. Rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hiệu quả, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, tạo điều kiện cho nữ cán bộ, công chức được tham gia vào nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý cũng như tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò trong quá trình công tác. Thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cán bộ; phân tích, đánh giá tác động về giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo thống nhất với quy trình xây dựng văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới cần chủ động kiến nghị với các bộ, ngành chức năng kiểm tra, thanh tra và kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm minh những vi phạm về pháp luật bình đẳng giới và tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
Ba là,huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội để nâng cao chất lượng tuyên truyền, truyền thông. Tuyên truyền nhằm làm cho đối tượng trực tiếp thực thi chính sách, thực hiện pháp luật nhận thức rõ nội dung, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của chính sách, pháp luật và vị trí, trách nhiệm liên quan để xây dựng biện pháp thực hiện hiệu quả; làm cho đối tượng người thụ hưởng hiểu rõ lợi ích, nhu cầu, quyền lợi để bảo vệ, trách nhiệm, nghĩa vụ để chấp hành; làm cho đối tượng, tổ chức có liên quan hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách, pháp luật và vai trò, trách nhiệm liên quan để phối hợp tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới nhằm tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và bảo đảm các quy định về bình đẳng giới.
Bốn là, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nữ cán bộ, công chức trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới. Phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc bảo vệ quyền lợi cho cán bộ nữ. Chính sách điều động, luân chuyển vị trí công tác phải được cân nhắc từ góc độ giới, có tính tới đặc thù của nữ giới để bảo đảm cho nữ giới có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ mà không thiếu trách nhiệm với gia đình. Các cơ quan chuyên môn tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cần rà soát lại nguồn nhân lực cán bộ nữ, tham mưu xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Năm là,đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng thu thập thông tin, dữ liệu và hiệu quả công tác đánh giá về tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Hoàn thiện thể chế, chính sách về bình đẳng giới, hiện trạng về bình đẳng giới thông qua đánh giá bằng các tiêu chí và chỉ số phù hợp nhằm đạt hiệu quả trong công tác đánh giá việc tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Hệ thống tiêu chí và chỉ số này cần được cụ thể hóa thành các công cụ đánh giá cụ thể áp dụng vào các cơ quan, tổ chức các cấp theo ngành, lĩnh vực để từ đó có một cái nhìn tổng thể về tổ chức thực hiện bình đẳng giới.
Thạc sĩ QUÁCH THỊ HỒNG NGÂN
Vướng mắc đối với tội 'Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy'