/ Pháp luật - Đời sống
/ Tòa án có được xét xử quá giờ hành chính?

Tòa án có được xét xử quá giờ hành chính?

02/10/2023 06:20 |

(LSVN) - Theo Luật sư, thông thường các Tòa đều xử án trong giờ hành chính nhưng trong một số trường hợp cụ thể thì quy định này cũng có thể thay đổi theo đặc thù, điều chỉnh theo sự sắp xếp của Tòa án. Bởi trong cùng một ngày Tòa án có thể phải xét xử liên tiếp nhiều vụ án, nên có khi giờ bắt đầu phiên tòa của một vụ án nào đó còn nằm trong giờ hành chính nhưng phiên xử về sau có thể kéo dài qua giờ hành chính và kết thúc trễ.

Ảnh minh họa.

Lịch xét xử của Tòa án là công việc đặc thù, khác với những công việc hành chính khác. Tuy nhiên, Tòa án phải căn cứ vào từng nội dung vụ việc và khối lượng công việc để có lịch xét xử phù hợp để không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Thực tế, đã có bị cáo ngất xỉu, thậm chí có biểu hiện bệnh lý ngay tại phiên tòa khi phiên xét xử kéo dài, HĐXX đã không đồng ý với ý kiến đề xuất của Luật sư tạm dừng phiên xét xử...

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thực tiễn xét xử cho thấy không phải phiên tòa nào cũng khai mạc hay kết thúc trong giờ hành chính, có phiên tòa diễn ra trong vài tiếng nhưng có phiên tòa phải xét xử cả thứ Bảy, Chủ nhật; có phiên tòa xét xử trong một ngày nhưng cũng có phiên tòa kéo dài một tuần, cả một tháng, thời gian nghỉ là do HĐXX ấn định, theo quy định pháp luật tố tụng thì việc xét xử phải được tiến hành liên tục trừ thời gian nghỉ. Hiện nay, luật chưa có quy định việc không được xét xử quá giờ hành chính hoặc vào ngày nghỉ.

Thông thường các Tòa đều xử án trong giờ hành chính nhưng trong một số trường hợp cụ thể thì quy định này cũng có thể thay đổi theo đặc thù, điều chỉnh theo sự sắp xếp của Tòa án. Bởi, trong cùng một ngày Tòa án có thể phải xét xử liên tiếp nhiều vụ án, nên có khi giờ bắt đầu phiên tòa của một vụ án nào đó còn nằm trong giờ hành chính nhưng phiên xử về sau có thể kéo dài qua giờ hành chính và kết thúc trễ. Nhằm tránh án quá hạn, tồn đọng. Số lượng án quá hạn, tồn đọng tại các Tòa ngày càng tăng cao, nếu chỉ xử án trong giờ hành chính thì sẽ không thể giải quyết hết và các án sẽ chồng chất và tỉ lệ án quá hạn sẽ tăng cao. Ngoài ra, việc xét xử liên tục nhằm tránh tốn kém, mất thời gian, công sức của các bên đương sự. 

Tuy nhiên, nhiều trường hợp phiên tòa kéo dài quá giờ hành chính thì HĐXX cũng cần phải xem xét, tính toán tới chất lượng giải quyết vụ án. Bởi, nếu phiên tòa kéo dài quá giờ hành chính thì những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng không đảm bảo sức khỏe, bị đói và mệt mỏi, làm ảnh hưởng tới chất lượng xét hỏi hoặc tranh luận. Trong một vài trường hợp cụ thể, chủ tọa phiên tòa nên tham khảo ý kiến các bên, nếu xét cần tạm dừng phiên tòa để các bên nghỉ ngơi thì cũng nên tạm dừng nhằm đảm bảo chất lượng xét xử.

Tuy nhiên, để có căn cứ chính xác về việc bị cáo không đủ sức khỏe để tiếp tục phiên tòa thì HĐXX hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp kiểm tra sức khỏe tại chỗ để đánh giá khả năng tiếp tục phiên tòa của bị cáo. Ở phiên tòa có bị cáo tuổi cao và sức khỏe yếu HĐXX nên cho bị cáo được ngồi trả lời, nếu bị cáo phải đứng nhiều giờ sẽ dẫn tới mệt mỏi, chóng mặt ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe từ đó nội dung xét hỏi, tranh tụng sẽ không đảm bảo.

Theo Điều 250, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục cũng nêu rõ:

"1. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói.

Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

2. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa".

 Và Điều 251, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định về tạm ngừng phiên tòa như sau:

"1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;

b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;

c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.

2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa".

Trong trường hợp bị cáo là người cao tuổi, có tiền sử bệnh mãn tính, tuy nhiên lại xét xử liên tục quá giờ hành chính khiến bị cáo bị ngất dẫn tới phải đưa đi cấp cứu. Phía Luật sư bào chữa có thể yêu cầu cho bị cáo đề nghị ngừng phiên tòa là có căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 251, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc xét xử có thể tạm ngừng khi tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa.

TRẦN MINH

Rao bán công khai camera quay lén: Cần quản lý chặt

Nguyễn Hoàng Lâm