Ảnh minh họa.
Ngày 28/9/2021 Tòa án Hiến pháp liên bang (Tòa án HPLB) tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, một chặng đường hơn nửa thế kỷ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của hệ thống Tòa án Hiến pháp Đức, bảo vệ quyền cơ bản của người dân do LCB quy định, gây được lòng tin trong nhân dân. Có thể nói, Tòa án HPLB nói riêng và hệ thống Tòa án Hiến pháp độc lập của 16 bang nước Đức nói chung có những nét đặc trưng mang nhiều ý nghĩa, khi LCB quy định Tòa án HPLB là một trong bảy Cơ quan Hiến pháp cao nhất của liên bang.
Vài nét về tài phán hiến pháp của Công hòa liên bang Đức
Nhìn tổng quát, nước Đức có nhiều loại hình tài phán phong phú, trong đó, tài phán hiến pháp vẫn giữ vai trò và ý nghĩa to lớn với tính chất đặc biệt, ở tầm cao nhất của hệ thống tài phán khi Tòa án HPLB và Tòa án Hiến pháp của các bang đưa ra phán quyết cuối cùng về “tranh chấp hiến pháp” hay còn gọi là “khiếu kiện hiến pháp” hoặc “khiếu nại hiến pháp”. Đây là cách diễn đạt ngắn gọn, nhưng thực chất là tranh chấp pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, người dân được quy định trong LCB, những quyết định của Cơ quan nhà nước, Cơ quan công quyền và Tòa án cũng như một quy phạm pháp luật, một đạo luật được xác định là vi hiến hoặc trái pháp luật…, bởi vậy phải “gõ cửa” đến Tòa án HPLB hoặc các Tòa án Hiến pháp bang.
Cách đây 112 năm, tài phán hiến pháp đã tồn tại khá sớm, từ thời Nhà nước Cộng hòa Weimar nổi tiếng với việc hình thành nền dân chủ Nghị viện, việc ban hành Hiến pháp Weimar 1919 và thành lập “Tòa án nhà nước” (Tòa án Hiến pháp) để giải quyết các “tranh chấp hiến pháp” của Vương quốc Đức.
Luật Cơ bản và Hiến pháp của các bang đã dành nhiều quy định về tài phán hiến pháp. Trên phương diện ý nghĩa chính trị to lớn do phán quyết về tính hợp hiến của các đạo luật nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng của quyền lực xét xử.
Cở sở pháp lý của tài phán hiến pháp là các Điều 93, 94, 99, 100 LCB và Luật Tòa án HPLB 1951 (với sửa đổi, bổ sung mới nhất có hiệu lực từ 2019); đối với các bang là Hiến pháp của 16 bang và các đạo luật của bang về Tòa án Hiến pháp bang. Sau khi nước Đức tái thống nhất (1990), 5 bang mới (trước đó là nước CHDC Đức) được hình thành và thành lập Tòa án Hiến pháp ở mỗi bang.
Tòa án Hiến pháp liên bang
Là Cơ quan Hiến pháp độc lập cao nhất thực hiện các phán quyết của CHLB Đức bên cạnh các Tòa án Hiến pháp các bang, được thành lập vào năm 1951, trụ sở đặt tại thành phố Karlsruhe, với 260 nhân sự, một thư viện riêng gồm 400.000 đầu sách và hàng trăm tuyển tập các bản án và quyết định quan trọng theo thời gian kể từ ngày thành lập.
Tòa án HPLB giữ vai trò quan trọng với vị thế là cơ quan quyền lực xét xử cao nhất liên bang, đồng thời cũng là Cơ quan Hiến pháp hoàn toàn độc lập, không những không trực thuộc bất cứ cơ quan nào, kể cả Bộ Tư pháp liên bang, mà còn giữ vị trí ngang hàng với 6 Cơ quan Hiến pháp khác: Quốc hội liên bang; Hội đồng liên bang; Ủy ban hỗn hợp; Hội nghị liên bang; Tổng thống và Chính phủ liên bang.
Ngay cả khi đất nước trong tình trạng chiến tranh thì việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án HPLB cũng được đặt lên hang đầu (Điều 115g LCB).
Tòa án HPLB và Tòa án Hiến pháp các bang là công cụ hữu hiệu giúp kiểm soát tốt quyền lực của Chính phủ liên bang, chính phủ các bang và các Cơ quan công quyền khác, là thành phần không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền.
Về cơ cấu tổ chức
Trên cơ sở pháp lý LCB 1949 và Luật Tòa án HPLB 1951, Tòa án HPLB được cơ cấu bởi 16 Thẩm phán do Quốc hội liên bang và Hội đồng liên bang bầu với tỉ lệ 50/50; chia làm 2 Hội đồng phán quyết, mỗi hội đồng gồm 8 Thẩm phán, với nhiệm kỳ công tác 12 năm, tuy nhiên chỉ đến 68 tuổi và không được bầu lại.
Tiêu chí để được bầu làm Thẩm phán tại Tòa án HPLB là người đủ năng lực theo Luật Thẩm phán Đức, tròn 40 tuổi, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm công tác tại Tòa án cấp cao của liên bang (Điều 1, 2, 3 và 4 Luật Tòa án HPLB); tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt trong các lĩnh vực thuộc luật công (hiện tại 14 Thẩm phán có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ trong 2 Hội đồng). Hội đồng phán quyết thứ nhất do Phó Chánh án làm Chủ tịch, có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền công dân; Hội đồng phán quyết thứ hai do Chánh án làm Chủ tịch, giải quyết tranh chấp về luật nhà nước (Điều 14 Luật Tòa án HPLB).
Chánh án và Phó Chánh án do Quốc hội liên bang và Hội đồng liên bang đề cử trong số 16 Thẩm phán được bầu và Tổng thống bổ nhiệm (khoản 1 Điều 9 và Điều 10 Luật Tòa án HPLB).
Các Thẩm phán không được là thành viên của Quốc hội liên bang, Hội đồng liên bang, Chính phủ liên bang hoặc các cơ quan tương ứng tại 16 bang trên toàn quốc.
Nếu một Thẩm phán vì lý do nào đó phải nghỉ trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác thì cơ quan đã bầu trước đó tiến hành bầu Thẩm phán mới thay thế ngay trong tháng.
Để phù hợp với chức năng và tính chất công việc, Tòa án HPLB thành lập một số tòa chuyên trách, mỗi tòa gồm 3 Thẩm phán để quyết định các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện (với điều kiện có sự đồng thuận). Nếu không có sự đồng thuận thì Hội đồng phán quyết gồm 8 Thẩm phán sẽ quyết định. Hội đồng phán quyết có thể tuyên một đạo luật bị vô hiệu hoặc vi hiến và tuyên các bản án một cách công khai, tuy nhiên tỉ lệ số bản án so với các quyết định của Tòa án HPLB rất thấp, chỉ bằng 2,5%.
Tính chất đặc trưng nhất của Tòa án HPLB là không tự xét xử như các Tòa án khác mà chỉ nhóm họp khi có đơn khiếu nại, khiếu kiện của cơ quan, tổ chức hoặc người dân với điều kiện khiếu nại, khiếu kiện đó không thể giải quyết được thông qua Tòa án các cấp.
Ai có thể khiếu kiện lên Tòa án Hiến pháp liên bang
Trước hết phải kể đến Tổng thống, tiếp đến là 1/3 số Nghị sĩ Quốc hội có quyền yêu cầu Tòa án HPLB nhóm họp trong trường hợp để chống lại một quy phạm pháp luật vi hiến; sau đó là Quốc hội liên bang, Hội đồng liên bang, Chính phủ liên bang hoặc các cơ quan của Chính phủ liên bang và chính phủ của các bang.
Xin nêu ví dụ cụ thể: Để khiếu kiện Tổng thống lên Tòa án HPLB trong trường hợp Tổng thống cố ý vi phạm LCB hoặc một trong các đạo luật của liên bang thì đơn khiếu kiện ít nhất phải do 1/4 Nghị sĩ Quốc hội liên bang hoặc 1/4 thành viên của Hội đồng liên bang đệ lên. Đơn khiếu kiện do một tổ chức đại diện hoặc một người được ủy nhiệm thực hiện.
Mỗi Tòa án ở Đức có nghĩa vụ khiếu kiện lên Tòa án HPLB khi xác định một đạo luật hoặc một quy phạm pháp luật cụ thể vi hiến.
Người dân có thể khiếu nại trực tiếp lên Tòa án HPLB khi xác định quyền cơ bản bị một Cơ quan nhà nước hoặc Cơ quan công quyền vi phạm.
Về thẩm quyền
Thẩm quyền của Tòa án HPLB được quy định tại Điều 93 LCB và Điều 13 Luật Tòa án HPLB. Thẩm phán Đức có quyền giải thích luật, vì vậy, việc Thẩm phán Tòa án HPLB - một Cơ quan Hiến pháp, giữ độc quyền giải thích hiến pháp trong quá trình thực hiện thủ tục tố tụng cũng không phải là điều khó hiểu; hơn nữa, LCB chỉ có thể quy định những nguyên tắc chung nhất nên phải thường xuyên được phân tích, giải thích cho phù hợp với sự thay đổi và phát triển của quan hệ xã hội. Sau đây có thể điểm qua một số tranh chấp thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án HPLB:
Trong thực tế cuộc sống, việc các Cơ quan công quyền làm ảnh hưởng hoặc vi phạm quyền cơ bản của người dân (Điều 15 LCB) thường dễ xảy ra; các đảng phái chính trị vi phạm hiến pháp trong quá trình hoạt động (Điều 21 LCB) cũng khó tránh khỏi; tranh chấp giữa các tổ chức, Cơ quan cấp cao của liên bang và các cơ quan, tổ chức tương ứng ở các bang về quyền và nghĩa vụ do hiến pháp quy định (điểm 1 đến 3 Điều 93 LCB); sự khác biệt về quan điểm hoặc tính nhất quán về hình thức và nội dung giữa Luật liên bang và Luật bang với LCB hoặc giữa Luật bang và các Luật khác của liên bang; tranh chấp thuộc Luật công giữa các bang hoặc trong nội bang mà chưa có cách giải quyết; khiếu nại hiến pháp của các địa phương, các Hiệp hội trên địa hạt khi cho rằng quyền tự quản bị vi phạm theo Điều 28 LCB, tất nhiên không thuộc khiếu kiện lên Tòa án Hiến pháp bang.
Ngoài ra, Tòa án HPLB có thẩm quyền giải quyết các trường hợp được chuyển giao do LCB quy định (Điều 99).
Tòa án HPLB thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên LCB có bị vi phạm hay không với mục đích bảo vệ Nhà nước liên bang, bảo vệ quyền cơ bản của công dân. Tòa án HPLB giải quyết các vụ tranh chấp hiến pháp để bảo vệ sự phân cấp, phân chia quyền lực giữa liên bang và các bang đã được LCB (Điều 30) bảo đảm.
Luật Cơ bản trao cho Tòa án HPLB thẩm quyền hủy bỏ (hay nói cách khác là tuyên bố vô hiệu) những đạo luật vi hiến, cho dù luật đó được xây dựng đúng quy trình và đã được Quốc hội liên bang thông qua. Là Tòa án cấp cao nhất, Tòa án HPLB có thể hủy các bản án, quyết định của tất cả các Tòa án của Đức, nếu các bản án và quyết định đó không chứa đựng yếu tố hợp hiến, hay nói một cách khác là trái với LCB.
Quyết định của Tòa án HPLB là bắt buộc đối với các Cơ quan Hiến pháp còn lại của liên bang và các bang cũng như tất cả các Tòa án và các Cơ quan công quyền. Các bản án, quyết định quan trọng của Tòa án HPLB được lưu giữ, tổng hợp liên tục theo thời gian; cho đến nay đã xuất bản 90 tập ở dạng sách tuyển tập.
Một số thủ tục quan trọng mà Tòa án HPLB thường giải quyết: khiếu nại hiến pháp; tranh chấp giữa liên bang và bang; thủ tục tranh chấp cơ quan; kiểm tra quy phạm pháp luật cụ thể; kiểm tra quy phạm pháp luật trừu tượng; khiếu nại bầu cử; thủ tục cấm đảng phái chính trị…
Để tránh việc tự do khiếu nại, khiếu kiện lên Tòa án HPLB bị lạm dụng, gây quá tải cho quá trình tố tụng, Luật Tòa án HPLB quy định: Tòa án HPLB có quyền yêu cầu nộp lệ phí đến 2.600 Euro đối với những trường hợp đơn khiếu nại, khiếu kiện bị trả lại sau khi Tòa chuyên trách (gồm 3 Thẩm phán) kiểm tra bước đầu và nhận thấy có sự lạm dụng quyền tự do trong nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, việc khiếu nại, khiếu kiện lên Tòa án HPLB không những không phải nộp lệ phí mà, nếu được thụ lý và giải quyết thắng kiện thì bên thắng kiện được hoàn lại các chi phí đã bỏ ra để hoàn thiện nội dung đơn kiện (tiền thuê luật sư, cước phí bưu điện…) theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 34 Luật Tòa án HPLB.
Tòa án Hiến pháp bang
Đức là một nhà nước liên bang, bởi vậy, điều dễ nhận thấy là sự phân cấp, phân quyền dựa trên tính độc lập cao. Mỗi bang đều có cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp riêng và một Tòa án Hiến pháp bang (Tòa án HPB) để giải quyết tranh chấp hiến pháp trong phạm vi bang. Tòa án HP các bang là Cơ quan Hiến pháp độc lập bên cạnh Quốc hội và Chính phủ bang.
Trong khi Luật liên bang có phạm vi hiệu lực trên toàn lãnh thổ Đức, Luật bang (về các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, giáo dục phổ thông, Đại học, hành chính địa phương) có hiệu lực trong phạm vi bang. Các bang đều có hiến pháp, biểu tượng và cờ riêng.
Nhìn chung, các Tòa án HPB có số lượng Thẩm phán và nhiệm kỳ công tác không giống nhau nhưng đều do Quốc hội bang bầu, Thủ hiến bang bổ nhiệm và phần lớn được cơ cấu từ các Thẩm phán chuyên nghiệp; tuy nhiên, một số bang được bầu từ Thẩm phán kiêm nhiệm (bang Bayern hoặc Berlin). Nhiệm kỳ công tác của Thẩm phán Tòa án HPB cũng rất khác nhau, có bang là 10 năm (Nordrhein - Westfalen), có bang là 8 năm (Bayern), các bang Berlin và Sachsen - Anhalt lại là 7 năm…
Về cơ cấu tổ chức
Cơ sở pháp lý cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Tòa án HPB là hiến pháp và Luật Tòa án HPB của các bang. Đối với 5 bang mới (Brandenburg, Mecklenburg - Vorpommern, Sachsen, Sachsen-Anhalt và Thueringen) thì việc thành lập Tòa án Hiến pháp trên cơ sở hiến pháp bang và Luật Tòa án HPB đều vào thời điểm sau khi tái thống nhất nước Đức (1990). Tòa án HPB là Tòa án cao nhất của bang để đưa ra những quyết định quan trọng, bởi vậy, tiêu chí để được làm việc tại Tòa án Hiến pháp của các bang trước hết phải tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ (cũng như Thẩm phán tại Tòa án HPLB), đặc biệt là Luật công. Hiện tại đa số Thẩm phán công tác tại các Tòa án HPB có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ, ví dụ: 7/9 Thẩm phán Tòa án HPB Berlin; 6/11 Thẩm phán Tòa án HP Bayern; 7/7 Thẩm phán Tòa án HPB Nordrhein - Westfalen là Giáo sư, Tiến sĩ. Hầu hết các bang đều bầu người đại diện (cũng tương đương học hàm, học vị) cho mỗi Thẩm phán Tòa án HPB. Mỗi Tòa án HPB có từ 2 - 3 cộng tác viên khoa học.
Về thẩm quyền
Tòa án HPB có thẩm quyền quyết định đối với các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ được Hiến pháp bang quy định; giải quyết “khiếu nại hiến pháp” của người dân xuất phát từ việc cho rằng quyết định của các Cơ quan nhà nước và Cơ quan công quyền là vi hiến (trái với quyền của công dân được quy định trong hiến pháp bang); đơn kiện chính thống về quy phạm pháp luật của bang trái với hiến pháp bang; tranh chấp giữa các Cơ quan nhà nước cao nhất về vấn đề Luật Hiến pháp; quan điểm khác biệt hoặc nghi ngờ về sự nhất quán của Luật bang với Hiến pháp bang; khiếu nại của địa phương về việc vi phạm quyền tự quản được Hiến pháp bang quy định; khiếu kiện thủ tục và kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội bang, khai trừ thành viên Đại biểu Quốc hội bang; Quốc hội bang kiện một thành viên Chính phủ bang; khiếu kiện của một Thẩm phán khi nhận thấy thủ tục tố tụng của một Tòa án bang áp dụng quy phạm pháp luật vi hiến… Ngoài ra, Tòa án HPB có thẩm quyền đối với các trường hợp được chuyển giao do Hiến pháp bang hoặc luật của bang quy định.
Bản án, quyết định của Tòa án HPB có hiệu lực bắt buộc đối với các Cơ quan Hiến pháp khác (quốc hội, chính phủ) và tất cả các Cơ quan nhà nước, Cơ quan công quyền trên lãnh thổ bang.
NGUYỄN QUANG DU