Một Tòa án ở Đức.
Tuy không có bằng chứng cụ thể và xác thực mà chỉ có những dấu vết, Tòa án ở Berlin vẫn cho rằng người đàn ông kia vào ngày 23/8/2019 đã bắn chết một người Chechnya tại Vườn thú Berlin. Người đàn ông Chechnya này khi xưa đã tham chiến chống lại quân đội Nga trong cuộc chiến tranh lần thứ 2 ở Chechnya và bị Chính phủ Nga coi là phần tử khủng bố.
Điều đáng chú ý ở phán quyết của Tòa án Berlin là tòa này trong lập luận về phán quyết không chỉ đơn thuần coi đó là một vụ giết người thuần tuý mà còn là hành động với bản chất “khủng bố nhà nước” bởi bị cáo không hành động tự phát và vì mục đích cá nhân mà có chính quyền Nga đứng ở phía sau và đã thực hiện nhiệm vụ được chính quyền Nga giao phó.
Một khi Tòa án cho rằng bản chất của hành động là “khủng bố nhà nước” thì vụ việc ngay lập tức đã trở thành chuyện chính trị, vụ xét xử ngay lập tức được chính trị hoá và luật pháp cũng như tư pháp ở nước Đức vừa bị chi phối vừa phục vụ cho chính trị. Phải có mối liên hệ tới chính trị và tạo ra được bản chất chính trị như thế cho vụ việc thì mới có thể biện luận cho quyết định chính trị liên quan trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đức và Nga.
Một khi Tòa án đi đến phán quyết rằng nhà nước Nga đứng phía sau vụ việc xảy ra ở Vườn thú Berlin hồi năm 2019 thì Chính phủ Đức vừa có lý do lại vừa bị buộc phải thể hiện thái độ cứng rắn đối với Nga. Với phán quyết và lập luận cho phán quyết như thế, Tòa án Berlin buộc Chính phủ Đức không thể không làm gì đối với Nga, đồng thời lại tạo cớ để Chính phủ Đức có thể hành động cứng rắn đối với Nga mà tránh được bị coi là chủ động làm cho mối quan hệ song phương giữa hai nước tồi tệ đi, dễ dàng biện minh khi bị Nga coi là chủ ý kích động xung khắc và gia tăng thù địch.
Tòa án Berlin dụng luật pháp quốc gia ở Đức để xét xử và phán xử vụ việc này. Nhưng việc Tòa án không có bằng chứng xác thực mà chỉ có những dấu vết nhất định, lại còn đưa ra phán quyết rất hiếm thấy cho rằng phía Nga đã có hành động “khủng bố nhà nước” trên lãnh thổ nước Đức trên thực tế là hệ lụy của tình trạng Tòa án nói riêng và luật pháp cũng như tư pháp nói chung bị ảnh hưởng bởi định kiến rất phổ biến trong thế giới phương Tây về Nga liên quan đến mấy vụ việc tương tự đã xảy ra trong thời gian trước đấy.
Định kiến này là vì luật pháp hiện hành ở Nga cho phép truy sát những phần tử bị chính quyền coi là khủng bố cả ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước Nga nên chính quyền Nga chắc chắn đứng phía sau vụ việc đã xảy ra ở Vườn thú Berlin hồi năm 2019.
Cách tư duy trong định kiến này là cho rằng Nga đã từng làm những chuyện như thế trước đấy thì cũng đã làm chuyện nói trên. Tòa án dễ dàng đi tới phán quyết nói trên và sử dụng những lập luận nói trên để biện luận còn bởi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung và với Đức nói riêng hiện không được bình thường mà rất căng thẳng. Chính giới ở nước Đức và trong khối phương Tây mong muốn Tòa án ở Berlin phán quyết vụ việc này như vừa đã phán quyết.
Ở đây trong thực chất có chuyện xung khắc giữa luật pháp quốc gia hiện hành của Đức và của Nga cũng như chuyện Tòa án mở đường cho những quyết định đối ngoại đáp ứng được nhu cầu đối nội ở nước Đức với cái giá sẽ phải trả,và phía Đức biết rõ từ trước là Nga sẽ trả đũa về chính trị và đối ngoại. Vụ việc này còn phủ bóng đen xuống và ám ảnh mối quan hệ giữa Đức và Nga.
HẠ NHAM/PLVN
Liên hợp quốc sẵn sàng triệu tập phiên họp thứ 7 của Ủy ban Hiến pháp Syria