Tòa án thuê thừa phát lại tống đạt văn bản tố tụng có phù hợp?

06/07/2020 16:53 | 3 năm trước

(LSO) - Trong quá trình thực hiện ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản tố tụng giữa tòa án và thừa phát lại cho thấy những tồn tại như: chất lượng thực hiện việc tống đạt còn thấp, một số trường hợp thực hiện thủ tục tống đạt không đúng quy định...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một số quy định về thừa phát lại

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 49) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra yêu cầu “từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”; “Nghiên cứu chế định thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Để thể chế hóa chủ trương đó của Đảng, Quốc hội đã cho ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự (Nghị quyết 24). Theo đó, tại Điều 2 Nghị quyết đã nêu: Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (thừa hành viên) tại một số địa phương.

Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày 01 tháng 7 năm 2012.

Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”.

Như vậy, cả Nghị quyết 49 và Nghị quyết 24 đã đề cập vấn đề xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, không có quy định nào nêu về việc xã hội hóa một số công việc của tòa án.

Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và sau này là Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP nêu trên, có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2013. Theo đó, công việc của thừa phát lại bao gồm:

1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Tòa án thuê thừa phát lại tống đạt văn bản tố tụng có phù hợp?

Hiện nay, một số tòa án địa phương được Tòa án nhân dân tối cao cấp ngân sách về để bắt buộc phải ký hợp đồng với thừa phát lại thực hiện thủ tục tống đạt văn bản tố tụng của tòa án. Số tiền để trả cho thừa phát lại đối với tòa án toàn tỉnh, thành hàng năm có thể lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản tố tụng giữa tòa án và thừa phát lại cho thấy những tồn tại như: chất lượng thực hiện việc tống đạt còn thấp, một số trường hợp thực hiện thủ tục tống đạt không đúng quy định. Mặt khác, việc thực hiện ký hợp đồng thuê thừa phát lại tống đạt văn bản tố tụng là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Nghị quyết 49, Nghị quyết 24 đều không có quy định nào về xã hội hóa để thừa phát lại thực hiện một số công việc của tòa án; các văn bản này chỉ quy định về xã hội hóa một số công việc thi hành án dân sự. Cho nên, quy định về việc tòa án bắt buộc phải ký hợp đồng thuê thừa phát lại như hiện nay là không phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 49 và quy định của Nghị quyết 24.

Thứ hai, hai mục tiêu then chốt của xã hội hóa là giảm bớt khối lượng công việc của cơ quan nhà nước và giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Nhưng trong trường hợp tòa án ký hợp đồng thuê thừa phát lại tống đạt văn bản tố tụng chỉ thực hiện được mục tiêu giảm bớt khối lượng công việc của tòa án; còn mục tiêu giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước thì quy định này chưa thực hiện được. Ngược lại, việc ký hợp đồng này còn gây tốn kém ngân sách Nhà nước hơn vì mức giá tống đạt các văn bản tố tụng cao hơn tiền công tác phí trong trường hợp cán bộ tòa án thực hiện việc tống đạt. Và trong một số trường hợp còn tạo điều kiện để tòa án và thừa phát lại xảy ra tiêu cực.

Thứ ba, hiện nay, Đảng và Nhà nước đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết trung ương 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 (Nghị quyết 39) của Ban chấp hành Trung ương về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với mục tiêu: “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương”. Tuy nhiên, trường hợp tòa án ký hợp đồng thuê thừa phát lại tống đạt văn bản tố tụng lại không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 39 vì không tiết kiệm, giảm chi thường xuyên và cải cách chính sách tiền lương như Nghị quyết đã đặt ra.

HUỲNH MINH KHÁNH

/khong-xac-dinh-duoc-nghi-can-nghi-ngo-lam.html