Tòa án Tối cao Mỹ dự kiến sẽ mở phiên tranh luận theo thể thức nhanh vào ngày 10/01/2025, khi luật cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ chính thức có hiệu lực từ ngày 19/01/2025. Phiên điều trần sẽ xem xét liệu Đạo luật do chính quyền Tổng thống Joe Biden ký ban hành có vi phạm Tu chính án Thứ nhất hay không.
Trung bình mỗi năm Tòa án Tối cao Mỹ tiến hành khoảng 70-80 phiên tranh luận miệng. Hình thức điều trần này là cơ hội để các thẩm phán Tòa án Tối cao đặt câu hỏi trực tiếp với luật sư đại diện cho bên khiếu nại, và cũng là cơ hội để luật sư trình bày những điểm tranh luận mà họ xem là nổi bật, giữ vai trò quyết định trong xem xét phán quyết cuối cùng.
Trước đó, TikTok ngày 16/12 đã gửi đơn kháng cáo khẩn tới Tòa án Tối cao Mỹ, cho rằng đạo luật mà Tổng thống Biden ký ban hành vi phạm quyền trong Tu chính án Thứ nhất và quyền của 170 triệu người dùng Mỹ. Trong đơn, luật sư của TikTok cũng yêu cầu thẩm phán Tòa án Tối cao cho chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump thêm thời gian để đưa ra quyết định, với lý do ông Trump và đội ngũ cố vấn từng lên tiếng ủng hộ duy trì nền tảng này.
Các luật sư cũng cho rằng nếu Tòa Tối cao bác đơn, quyết định cần được đưa ra trước ngày 06/01/2025, để TikTok có đủ thời gian điều phối với các nhà cung cấp dịch vụ nhằm thực hiện phần việc phức tạp về đóng cửa nền tảng này chỉ riêng ở thị trường Mỹ.
Tổng thống Joe Biden ngày 24/4/2024 đã ký ban hành Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA). Đạo luật buộc ByteDance - công ty có trụ sở tại Trung Quốc, phải hoàn tất việc thoái vốn tại TikTok theo thời hạn chót là ngày 19/1/2025. Nếu ByteDance không thực hiện chuyển quyền sở hữu, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ. Đạo luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, khi các nhà lập pháp Mỹ lo ngại dữ liệu về người Mỹ có thể bị khai thác khi họ sử dụng ứng dụng TikTok.