Cùng với sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản, những loại hình bất động sản mới, như: condotel, Officetel, Hometel,… bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ năm 2009 và phát triển mạnh trong giai đoạn 2016 – 2018, đến nay, có khoảng 83.000 condotel đang hoạt động hoặc hoàn thành xây dựng.
Với đặc điểm của một khách sạn có không gian nghỉ dưỡng như một căn hộ tiện nghi, condotel được xem là sản phẩm bất động sản có sức hút lớn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì còn hạn chế về hành lang pháp lý, nhất là những văn bản quy định rõ ràng về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, chế độ sử dụng đất, quy chế quản lý, kinh doanh… cũng như các quy định liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương nên nhiều vướng mắc, tranh chấp pháp lý đã phát sinh trong thực tiễn chưa được giải quyết, gây nhiều vướng mắc, thậm chí là thiệt hại cho cả chủ đầu tư, các nhà đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Để làm rõ hơn thực trạng, nguyên nhân, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là các khuyến nghị nhằm đóng góp thêm ý kiến để các cơ quan hữu quan xem xét, kịp thời sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh condotel, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển và khai thác giá trị từ loại hình bất động sản này, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Gỡ nút thắt pháp lý cho condotel” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện ngân hàng, Luật sư và các doanh nghiệp bất động sản.
Buổi Tọa đàm diễn ra từ 09h đến 11h30, Thứ 3, ngày 22 tháng 3 năm 2022 tại Trường quay Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tầng 1, Tòa nhà CT13B, KĐT Nam Thăng Long, đường Võ Chí Công, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Buổi tọa đàm hứa hẹn sẽ đem đến những ý kiến phân tích rất xác đáng, những cứ liệu đầy thuyết phục, những khuyến nghị thẳng thắn từ các vị khách mời.
HỒNG HẠNH
Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?