Ông Phan Diễn, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tọa đàm do TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Phan Hồng Thuỷ, Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Phan và Thân hữu đồng chủ trì.
Ông Phan Hồng Thuỷ; TSKH Phan Xuân Dũng, GS.TS. Trần Ngọc Đường đồng chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm còn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học pháp lý, Luật sư, luật gia, doanh nhân tiêu biểu.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Tọa đàm chia làm 3 phần gồm:
- Vai trò của Luật sư, Luật gia trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ - Luật sư Phan Văn Trường và Tiến sĩ - Luật sư Phan Anh;
- Doanh nhân – Luật sư – Luật gia Việt Nam: Thượng tôn pháp luật – Hội tụ, tỏa sáng.
GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Trong đó, đáng chú ý, Tọa đàm "Thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ - Luật sư Phan Văn Trường và Tiến sĩ - Luật sư Phan Anh" đã được các đại biểu phân tích dưới nhiều góc nhìn khác nhau qua các bài tham luận.
Ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội.
Đặc biệt, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ công lý, tạo lập nên truyền thống cho nghề Luật sư ở Việt Nam của hai tấm gương sáng về trí tuệ và nhân cách này đã được các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học pháp lý, Luật sư, luật gia, doanh nhân,… phân tích, đưa ra những giá trị tiến bộ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trình bày tham luận: “Luật sư - Tiến sĩ Phan Văn Trường, những tư tưởng cách mạng tiên phong của thời đại”.
Tiến sĩ - Luật sư Phan Văn Trường (1876 - 1933) sinh ra tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội, trong một gia đình khoa bảng. Ông được ghi nhận là vị Luật sư đầu tiên của Việt Nam. Trong thời gian học tập và hành nghề Luật sư tại Pháp, ông còn tích cực hoạt động yêu nước và giao lưu, bảo vệ nhiều người Việt Nam có cùng chí hướng. Ông thường xuyên liên hệ với Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và các nhà trí thức tiến bộ, cùng tham gia các hoạt động cách mạng. Tại Paris, hai chí sĩ họ Phan đã lập ra “Hội đồng bào thân ái”, tập hợp những người Việt Nam sinh sống học tập lao động tại Pháp. Ông là người dịch ra tiếng Pháp những tư tưởng của Phan Châu Trinh. Khi Nguyễn Ái Quốc đến Pháp, gặp Phan Văn Trường, thì chính nhà Luật sư Việt kiều yêu nước này đã hỗ trợ Bác trong việc diễn đạt ra Pháp văn những ý tưởng chính luận của Bác một cách hùng hồn. Cái tên Phan Văn Trường cùng với Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đã hợp thành bộ ba thường xuyên có mặt trong các báo cáo mật của cơ quan an ninh Pháp. Cuối năm 1923, ông từ bỏ tất cả về nước kết hợp giữa pháp lý với báo chí để tiếp tục đấu tranh cho độc lập dân tộc. Ông mở một Văn phòng Luật sư tham vấn ở Sài Gòn, đồng thời cùng với Nguyễn An Ninh xuất bản báo Chuông rè (La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L'Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn để đấu tranh chống thực dân Pháp. Ông mất ngày 23/4/1933, ở tuổi 57 khi ý định tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp trên mặt trận báo chí công khai chưa kịp thực hiện. |
Tiến sĩ - Luật sư Phan Anh (1912 - 1990) là người xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trước 1945 là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương, Luật sư, giáo sư Trường Thăng Long (Hà Nội), tham gia phong trào bình dân và truyền bá quốc ngữ. Sau cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Tổng Thư kí phái đoàn Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự Hội nghị Phôngtennơblô (06/7 - 13/9/1946). Từ 1947 – 1976, ông là Bộ trưởng: Bộ Kinh tế, Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 - 1990); Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và Uỷ viên Thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (1955 - 1990); Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Việt Nam (1976 - 1986); Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới (1978 - 1990). Đại biểu Quốc hội khóa II - VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII. Huân chương Độc lập hạng Nhất, Kỷ niệm chương “Bảo vệ hòa bình” của Liên hợp quốc, Huy chương Vàng Giôliô Quyri của Hội đồng Hòa bình thế giới. |
Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.
Ngoài ra, nhiều tham luận có giá trị sâu sắc cũng đã được trình bày tại Tọa đàm, qua đó thể hiện sự nhìn nhận vai trò của Luật gia, Luật sư, Doanh nhân trên nhiều góc độ, như: Những điểm mới của Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Bản chất của Nhà nước pháp quyền, vai trò của Quốc hội trong nhà nước pháp quyền; Cơ hội và thách thức đối với Doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền;...
Tiến sĩ Phan Chiêu Dương, con trai cố Tiến sĩ - Luật sư Phan Anh.
Tại Tọa đàm, nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10 và Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Ban Tổ chức đã tặng hoa và Kỷ niệm chương vinh danh một số Luật sư, Luật gia, Doanh nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
PV