Tội “Thao túng thị trường chứng khoán”: Lý luận và thực tiễn

19/09/2023 22:59 | 8 tháng trước

(LSVN) - Thời gian gần đây, những vụ vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán xảy ra khá nhiều, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do các quy định pháp luật chưa hoàn chỉnh, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định các tội danh liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có tội “Thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại Điều 211. Tuy nhiên, những quy định của điều luật này cũng như trong quá trình thực thi đã xuất hiện một số tồn tại, bất cập. Vì vậy, việc nghiên cứu về tội danh này để từ đó đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan là rất cần thiết.

Ảnh minh họa.

Khái niệm và đặc điểm của hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế bởi đây là kênh hữu hiệu để huy động vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đây cũng là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Lợi dụng điều này, đã có không ít trường hợp các công ty phát hành chứng khoán bằng thủ đoạn gian dối đã tạo ra hiện tượng cung cầu giả trên thị trường để trục lợi trái pháp luật. Theo quy định pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm, hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Thực tiễn cho thấy việc thao túng giá chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động khi gần đây liên tục các trường hợp tạo cung cầu giả bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện và xử lý(1). Tuy nhiên, các vụ vi phạm về thị trường chứng khoán, nhất là liên quan đến hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” rất ít khi bị xử lý hình sự mà chủ yếu chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính. Điều này vô hình trung dẫn đến hệ quả là các vụ thao túng thị trường chứng khoán không có chiều hướng giảm mà còn gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ra không ít khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật khi điều tra và xử lý.

Cho đến nay, đã có khá nhiều định nghĩa khác nhau về hành vi “thao túng thị trường” và “thao túng thị trường chứng khoán” được các học giả đưa ra ở cả bình diện quốc tế và trong nước. Theo đó, thao túng thị trường là một kiểu lạm dụng thị trường trong đó cố ý can thiệp vào hoạt động tự do và công bằng của thị trường; các trường hợp trắng trợn nhất liên quan đến việc tạo ra các hình thức giả dối hoặc gây hiểu lầm về giá hoặc thị trường cho một sản phẩm, chứng khoán hoặc hàng hóa(2). Thao túng thị trường là khi ai đó tác động giả tạo đến cung hoặc cầu đối với chứng khoán (Ví dụ: Làm cho giá cổ phiếu tăng hoặc giảm đột ngột)(3). Thao túng thị trường là hành vi được thực hiện để đánh lừa các nhà đầu tư bằng cách kiểm soát hoặc tác động giả tạo đến giá chứng khoán(4). Thao túng thị trường là một thuật ngữ chung mô tả các hoạt động can thiệp vào quá trình bình thường của giao dịch chứng khoán, định giá hoặc chuyển nhượng vốn. Khi các hoạt động như vậy có khả năng tạo ra một môi trường giao dịch không công bằng hoặc phá vỡ trật tự dòng vốn, chúng cấu thành hành vi gian lận và bất hợp pháp(5). Nhìn chung các định nghĩa nêu trên của các học giả quốc tế đã phản ánh được những đặc điểm chung nhất, cơ bản nhất liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đó là hành vi gian dối, thực hiện do cố ý nhằm đánh lừa các nhà đầu tư, gây hiểu lầm về giá của chứng khoán để từ đó trục lợi trái pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt giữa khái niệm “thao túng thị trường” và khái niệm “thao túng thị trường chứng khoán”. Khái niệm “thao túng thị trường” có nội hàm rộng hơn khái niệm “thao túng thị trường chứng khoán” bởi thị trường chứng khoán chỉ là một bộ phận cấu thành nên thị trường nói chung.

Ở trong nước, đến nay cũng đã có khá nhiều định nghĩa về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Thao túng thị trường chứng khoán được mô tả là việc gian lận nhằm tạo ra cung cầu giả tạo ảnh hưởng đến giá chứng khoán để đánh lừa các nhà đầu tư. Thao túng thị trường là một hình thức lạm dụng thị trường, chẳng hạn như lan truyền thông tin sai lệch thị trường, nhập lệnh mua và bán cho cùng một mã chứng khoán ở cùng một mức giá, che giấu tỷ lệ sở hữu khi luật pháp yêu cầu báo cáo(6). Thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây(7). tội "Thao túng thị trường chứng khoán" là hành vi của người vi phạm quy định về quản lý thị trường chứng khoán nhằm mục đích thu lợi bất chính(8)… Trên cơ sở các định nghĩa nêu trên, tác giả rút ra một số đặc điểm cơ bản của hành vi thao túng thị trường chứng khoán như sau:

Một là, chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thường là những người hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán hoặc liên quan đến thị trường chứng khoán, đa số họ đều hiểu biết sâu về lĩnh vực này. Họ có khả năng khai thác, sử dụng thành thạo các công cụ, phương tiện hỗ trợ như: Máy tính; internet; các thiết bị điện tử... Không ít người trong số họ là lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn có hoạt động kinh doanh liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của họ thường được thực hiện rất tinh vi, gây không ít khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

Hai là, công cụ, phương tiện hỗ trợ chủ yếu cho họ để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán là máy tính, internet, các thiết bị điện tử… Nếu như trong các hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, vai trò của máy tính, internet, các thiết bị điện tử… chỉ giữ vị trí thứ yếu thì để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, các công cụ, phương tiện nêu trên luôn có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong việc hỗ trợ họ thực hiện hành vi vi phạm.

Ba là, các hành vi thao túng thị trường chứng khoán thường diễn ra rất đa dạng và được những chủ thể đó thực hiện rất tinh vi. Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê các hành vi hành vi thao túng thị trường chứng khoán(9) mà chưa có một định nghĩa có tính chất khát quát hóa cao về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Dưới góc độ khoa học pháp lý, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng có ba nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán sau:

Thứ nhất, hành vi cố gắng thay đổi giá của cổ phiếu bằng cách thực hiện tác động giá thực tế nhằm thay đổi dòng tiền tương lai, ví dụ: Bán một chi nhánh của doanh nghiệp mà không thông báo cho các cổ đông. Để ngăn chặn loại hành vi này, các cơ quan quản lý thường đưa ra quy định giám đốc và người nội bộ bị cấm thực hiện các giao dịch sử dụng thông tin chưa được công bố công khai trên thị trường. Quy định thời gian nắm giữ cổ phiếu của các đối tượng này trong một thời gian nhất định kể từ ngày cổ phiếu giao dịch. Thứ hai, thao túng dựa trên thông tin để thay đổi giá thông qua việc đưa ra các tin đồn hoặc thông tin sai lệch. Để hạn chế vấn đề này, cơ quan quản lý thường quy định tổ chức phát hành phải thường xuyên công bố thông tin ra công chúng theo nội dung luật định.

Thứ ba, thao túng dựa trên các giao dịch, xảy ra khi nhà đầu tư cố gắng thao túng giá bằng cách đơn giản mua và bán cổ phiếu, mà không thực hiện bất kỳ hành động công bố công khai nào về việc thực hiện giao dịch. Loại này khá khó để có thể ngăn chặn bởi các thao tác dựa trên hành động chủ yếu liên quan đến các hành động diễn ra bên ngoài thị trường, để xác định hành vi cấu thành thao túng là rất khó(10).

Các yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán"

So với quy định tại Điều 181c Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ và cụ thể hơn về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 211 Bộ luật này thì bị áp dụng hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi được quy định cụ thể tại các khoản 1, 2, 3, 4 của điều luật. Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể đã thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì tội phạm phải thỏa mãn bốn yếu tố cấu thành tội phạm sau:

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Thao túng thị trường chứng khoán" có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Bên cạnh những đặc điểm chung giống như các chủ thể tội phạm khác thì chủ thể của tội "Thao túng thị trường chứng khoán" còn có một số đặc điểm riêng biệt, điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của thị trường chứng khoán. Bộ luật Hình sự quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy là chưa có người nào từ 16 - 18 tuổi bị truy tố về tội danh này. Chủ thể của tội phạm này thường hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán hoặc liên quan đến thị trường chứng khoán nên đa số họ đều có kiến thức sâu về chứng khoán và thị trường chứng khoán, một số người trong số họ là lãnh đạo các công ty chứng khoán hoặc liên quan đến chứng khoán.

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội "Thao túng thị trường chứng khoán" chính là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm này là thị trường chứng khoán. Thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán(11). Để quản lý lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này. Hiện nay, các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được tích hợp chủ yếu trong Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản pháp luật liên quan. Hành vi vi phạm quy định của các văn bản pháp luật nêu trên, tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa.

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là hành vi thao túng thị trường chứng khoán và được chủ thể thực hiện bằng một hoặc nhiều thủ đoạn dưới đây: sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán(12). Các thủ đoạn trên được thực hiện có thể làm cho các nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường chứng khoán và ra quyết định có lợi cho chủ thể thực hiện các thủ đoạn này(13). Tuy nhiên, chỉ khi chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm phải thỏa mãn 2 điều kiện cơ bản, đó là chủ thể đó phải thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán và việc thực hiện hành vi đó phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mà luật hình sự đã quy định. Chính vì vậy, hậu quả xảy ra có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội và là một dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hơn thế nữa, mức độ của hậu quả xảy ra còn có ý nghĩa quan trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để từ đó quyết định hình phạt phù hợp.

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội là hai dấu hiệu quan trọng thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Trong tội "Thao túng thị trường chứng khoán", động cơ của người phạm tội là làm sao để cho các nhà đầu tư hiểu sai lệch về giá đích thực của cổ phiếu cũng như các thông tin liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán để từ đó người phạm tội thu lợi bất chính.

Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra và sẽ cố gắng đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Giữa mục đích phạm tội và hậu quả của tội phạm luôn có mối quan hệ với nhau, hậu quả của tội phạm là sự thể hiện, phản ánh mục đích phạm tội. Do đó, có thể thấy là mục đích của người phạm tội "Thao túng thị trường chứng khoán" là làm sao để kiếm được một khoản tiền nhất định bằng hành vi trái pháp luật.

Thực trạng các quy định pháp luật liên quan đến tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, pháp luật hiện hành chỉ dừng lại ở việc liệt kê các hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đưa ra được một định nghĩa có tính khái quát hóa cao về vấn đề này.

Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán hiện được liệt kê tại điểm a, b, c, d, e khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Mặc dù khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP giải thích “thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019. Tuy nhiên, cách định nghĩa trên chưa thực sự có tính khái quát cao về mặt học thuật bởi nó chỉ giới hạn hành vi thao túng thị trường chứng khoán khi hành vi đó vi phạm các quy định mà nhà làm luật đã dự liệu và đưa vào trong luật. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu đi một công cụ quan trọng để xem xét, xác định những hành vi thao túng thị trường chứng khoán khác ngoài các hành vi đã được liệt kê nêu trên. Trong khi đó, sự phát triển nhanh chóng của thị trường nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng dẫn đến xuất hiện nhiều loại hành vi thao túng thị trường chứng khoán khác mà nhà làm luật chưa thể dự liệu được.

Về nguyên tắc, việc ban hành các quy định rõ ràng dưới dạng một danh mục chi tiết như cách tiếp cận của pháp luật hiện nay là rất cần thiết và mang lại một số lợi ích nhất định như nhanh chóng xác định hành vi vi phạm, tránh áp dụng tùy tiện... Tuy nhiên, để có thể xử lý tốt hơn các hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong bối cảnh các vi phạm về lĩnh vực này không ngừng gia tăng thì nhà làm luật cần xem xét để thiết kế quy định pháp luật dưới dạng kết hợp giữa một điều khoản chung, trong đó đưa ra các tiêu chí khái quát nhất để xác định thế nào là hành vi thao túng thị trường chứng khoán, từ đó bổ sung cho danh mục các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đã được liệt kê trong các điều luật đã dẫn nêu trên. Theo tác giả, khi thiết kế điều khoản chung định nghĩa về hành vi thao túng thị trường chứng khoán cần phản ánh được các nội dung cơ bản sau: Thao túng thị trường chứng khoán là hành vi gian lận do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện, tác động giả tạo đến cung hoặc cầu đối với một hoặc một số chứng khoán làm cho cổ phiếu tăng hoặc giảm đột ngột nhằm mục đích thu lợi trái pháp luật.

Thứ hai, theo quy định pháp luật, hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý bằng một trong hai biện pháp là xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp nào sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra.

Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng (thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội phạm này có cấu thành vật chất nên các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là phải có hành vi khách quan và hậu quả là thiệt hại do hành vi đó gây ra. Chính vì vậy, để có thể khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì các cơ quan bảo vệ pháp luật bắt buộc phải chứng minh được hành vi khách quan và hậu quả của hành vi đó gây ra. Thực tế cho thấy là để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng thị trường chứng khoán thường rất khó do phải theo dõi, điều tra, thu thập chứng cứ trong một thời gian dài. Hơn thế nữa, việc tính giá trị khoản thu lợi bất chính và chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư không hề dễ bởi các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này chưa cụ thể. Hiện nay, công thức tính khoản thu lợi bất chính được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định tại Quyết định số 201/ QĐ-UBCK ngày 03/3/2014. Tuy nhiên, việc áp dụng cách tính đối với khoản thu lợi bất chính có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn gặp nhiều khó khăn. Để truy cứu được trách nhiệm hình sự thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh được chủ thể có hành vi thao túng giá chứng khoán và thu lợi bất chính hoặc phải xác định được nhà đầu tư nào đó bị thiệt hại. Do đó, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về việc xác định giá trị khoản thu lợi bất chính cũng như thiệt hại của nhà đầu tư để từ đó cơ quan bảo vệ pháp luật thuận lợi trong việc xử lý hình sự các hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Trong thời gian tới, nhà làm luật cần xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng nâng số tiền tối thiểu thu lợi bất chính và số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư cao hơn hiện nay, bởi ngưỡng tiền nêu trên không quá lớn trong các giao dịch liên quan đến chứng khoán.

Thứ ba, hình phạt áp dụng đối với tội "Thao túng thị trường chứng khoán" nhìn chung còn nhẹ, chưa bảo đảm hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến thị trường chứng khoán.

Thực tiễn cho thấy các chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thường thu lợi bất chính rất lớn và xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều nhà đầu tư chứ không phải chỉ là một vài nhà đầu tư. Hành vi đó không những gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư mà còn cho cả thị trường chứng khoán. Mức hình phạt như quy định tại điều luật chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung đối với tội phạm thao túng thị trường chứng khoán nên các vụ thao túng thị trường chứng khoán vẫn không ngừng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn. Cần xem xét tăng mức hình phạt chính cao hơn hiện nay nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, từ đó hạn chế các vụ thao túng thị trường chứng khoán.

Thứ tư, việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Mặc dù hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trên cơ sở giám sát, thanh tra, kiểm tra từ năm 2020 đến tháng 9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 659 tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 34 tỷ đồng; trong đó, xử phạt 11 tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xác minh, điều tra các vụ việc thao túng, vụ việc hình sự(14). Để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường hơn nữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, từ đó có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu. Nếu vụ việc nào có dấu hiệu hình sự, cần chuyển cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền.

Thứ năm, hiện nay pháp luật đã quy định khá rõ về việc xử lý hình sự đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử lý hình sự không nhiều, chủ yếu vẫn là xử lý hành chính.

Nạn thao túng giá chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động khi gần đây liên tục các trường hợp tạo cung cầu giả bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện. Đáng nói Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành xử phạt hàng loạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, cá biệt những trường hợp mức phạt lên đến hàng tỷ đồng nhưng lại không thể truy tố, xử lý hình sự đối với các trường hợp này(15). Điểm chung trong các vụ này là cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác định các khoản thu lợi bất chính và thiệt hại cho nhà đầu tư do hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân gây ra dẫn đến không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Cá biệt có trường hợp xác định được các yếu tố nêu trên nhưng không biết vì lý do gì mà một số vụ vi phạm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Chính vì vậy, nhà làm luật cần sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể việc xác định khoản thu lợi bất chính và thiệt hại của nhà đầu tư, để từ đó các cơ quan bảo vệ pháp luật thuận lợi trong việc xử lý hình sự hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý hình sự khi các vụ việc đó có đủ dấu hiệu cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", kết hợp xử lý nghiêm các hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm… nhằm góp phần để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời là mối đe dọa đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán. Nhằm hạn chế các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp mà trước hết là sớm hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, từ đó làm cơ sở vững chắc để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành điều tra, truy tố và xét xử các hành vi vi phạm. Mặt khác, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

(1) Xuân Trường - Thái Dương (2022), Từ các vụ thao túng giá chứng khoán: Vì sao ít xử lý hình sự? Có hay không việc bỏ lọt tội phạm? (https://phaply. net.vn/tu-cac-vu-thao-tung-gia-chung-khoan-vi-sao-it-xu-ly-hinh-su-co-hay-khong-viec-bo-lot-toi- pham-a253270.html, ngày 02/6/2023).

(2) From Wikipedia, the free encyclopedia, Market manipulation (https://en.wikipedia.org/wiki/Market_manipulation, accessed at 8: 45 AM date June 3th, 2023).

(3) U.S. Sercurities and Exchange Commmision, Market Manipulation (https://www.investor.gov/introduction-investing/ investing-basics/glossary/market -manipulation#:~:text= Market% 20manipulation%20is%20when%20someone,rise%20or%20 to%20fall%20dramatically), accessed at 9: 15 AM date June 3th, 2023).

(4) U.S. Securities and Exchange Commission, Market Manipulations and Case Studies (https://www.sec.gov/files/Market%20 Manipulations%20and% 20Case%20Studies.pdf, accessed at 10: 15 AM date June 4th, 2023, Page 4).

(5) Richard Lehman (2022), Stock Market Manipulation: Definition And How It Works (https://seekingalpha.com/article/4484512- stock-market-manipula tion, accessed at 10: 25 AM date June 4th, 2023).

(6) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2018), Thao túng thị trường chứng khoán - Góc nhìn pháp lý (http://www.ssc.gov. vn/ubck/faces/oracle/webcenter/portalapp/pages/vi/aptcnoidungchitiet.jspx?id=1422&_afrLoop=918198830000&_ afrWindowMode=0#%40%3F_afrLoop%3D918198830000%26id%3D1422%26_afrWindowMode%3D0%26_adf.ctrl- state%3Deswb0kbwe_9, ngày 03/6/2023).

(7) Xem khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(8) Công ty Luật Hoàng Sa, tội "Thao túng thị trường chứng khoán" được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 (https://luathoangsa. vn/toi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-nd60471.html).

(9) Xem khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.

(10) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2018), tlđd.

(11) Xem khoản 27 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019.

(12) Xem khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.

(13) GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ biên (2018), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm), Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr. 472.

(14) MBsecurities, Thao túng thị trường chứng khoán - khó xử lý hình sự (https://mbs.com.vn/trung-tam-nghien-cuu/tin-tuc-thi- truong/thi-truong-ck/thao-tung-thi-truong-chung-khoan-kho-xu-ly-hinh-su/, ngày 17/6/2023).

(15) Xuân Trường - Thái Dương (2022), tlđd.

TS.LS NGÔ VĂN HIỆP

Trưởng văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh (HALF)

Xử lý tài sản liên quan tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự