Các dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại"
Tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" được quy định tại Điều 187 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại được hiểu là hành vi bố trí, sắp xếp, tạo điệu kiện cho người mang thai hộ thực hiện việc mang thai hộ cho người khác để thu lợi (hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác).
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác (khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Sự khác nhau cơ bản của hai trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại và mang thai hộ vì mục đíc nhân đạo thể hiện rõ ở mục đích. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện mang thai giúp cho người khác mà không vì lợi ích vật chất hoặc một lợi ích nào khác.
Các yếu tố cấu thành tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại"
Về mặt khách quan: Có hành vi tổ chức mang thai hộ bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; hành vi tổ chức được thể hiện qua việc bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện cho người mang thai hộ thực hiện việc mang thai hộ cho người khác để nhằm mục đích thu lợi; hành vi mang thai hộ phải do người phụ nữ thực hiện mang thai hộ cho người khác; dấu hiệu khác.
Đồng thời, có hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác từ việc tổ chức mang thai hộ. Nếu trường hợp người mang thai hộ chỉ nhận tiền, vật để chi phí bù đắp tổn thất về sức khỏe (bồi dưỡng sức khỏe trong quá trình mang thai) hoặc thu nhập trong thời gian mang thai một mức hợp lý tương tự như mức thu nhập của người lao động nhằm bù vào khoản thu nhập bị mất trong thời gian mang thai, thì không bị coi là vì mục đích thương mại.
Hành vi nêu trên của tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" đã xâm hại đến chế độ quản lý nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật và tính nhân đạo của hành vi mang thai hộ trong trường hợp vợ chồng gặp khó khăn về vấn đề sinh sản vì mục đích nhân đạo được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.
Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích vụ lợi, nhằm hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác (tức vì mục đích thương mại) là dấu hiệu cấu thành bắt buộc của tội này.
Về chủ thể: Những người phạm tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" là những cá nhân có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, đáp ứng độ tuổi theo quy định pháp luật, đồng thời có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi dân sự. Hành vi tổ chức mang thai hộ của họ chỉ nhằm mục đích thương mại. Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này chỉ áp dụng đối với người tổ chức mang thai hộ, không áp dụng đối với người nhờ mang thai hoặc người trực tiếp mang thai.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật
Mặc dù đã có các quy định pháp luật điều chỉnh về mang thai hộ, nhưng thực tiễn áp dụng các quy định này cho thấy vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng đến ý nghĩa thực sự của quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định tại khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định mang thai hộ vì mục đích thương mại thông qua kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó không quy định rõ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bao gồm những loại kỹ thuật nào. Theo khoản 21 Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình thì “sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi liệu thụ tinh nhân tạo có thể được xem là hình thức mang thai hộ hay không. Theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, thụ tinh nhân tạo không thuộc phạm vi điều chỉnh về mang thai hộ, vì mang thai hộ phải thực hiện bằng thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó phôi được tạo từ noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng, sau đó cấy vào người mang thai hộ.
Tác giả cho rằng, bản chất của mang thai hộ là mang thai cho người khác. Thụ tinh nhân tạo khiến người phụ nữ mang thai bằng noãn của chính mình nên không thể coi là mang thai hộ. Do đó, không thể xem việc mang thai qua thụ tinh nhân tạo và chuyển con cho cặp vợ chồng khác vì lợi ích vật chất là mang thai hộ vì mục đích thương mại, mà là hành vi mua bán thai nhi hoặc trẻ em. Vấn đề này hiện vẫn còn "khoảng trống" pháp lý, chưa có quy định rõ ràng để xử lý. Việc xác định đúng bản chất giúp thiết lập hành lang pháp lý hiệu quả và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ hai, ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại trong việc nhờ mang thai hộ rất khó xác định. Theo pháp luật hiện hành, bên nhờ mang thai hộ phải chi trả các chi phí hợp lý để chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ, như quy định tại khoản 1 Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Thông tư số 32/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe và an tâm cho người mang thai hộ, đồng thời xác định trách nhiệm của bên nhờ mang thai.
Tuy nhiên, khó khăn nằm ở việc kiểm soát các chi phí phát sinh. Nếu không có cơ chế rõ ràng, rất khó phân biệt đâu là chi phí hợp lý cho sức khỏe và đâu là khoản tiền mang tính thương mại. Việc không kiểm soát được dễ dẫn đến trục lợi, làm mờ đi ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại trong mang thai hộ. Do đó, cần làm rõ nội hàm, đặc điểm và cơ chế pháp lý điều chỉnh để bảo đảm ý nghĩa nhân văn của quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, các cơ quan tư pháp trung ương cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về những “phương pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” nào được xem là hình thức mang thai hộ sao cho phù hợp với các Luật và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Cần thiết sửa đổi các khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình theo hướng loại trừ phương pháp thụ tinh nhân tạo, cụ thể như sau:
“23. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác, trừ trường hợp áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.”
Thứ hai, cần có cơ chế rõ ràng để phân biệt đâu là chi phí hợp lý cho sức khỏe, tinh thần mà người mang thai hộ được nhận và đâu là khoản tiền mang tính thương mại của việc mang thai hộ. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều khía cạnh, đạo đức, xã hội và pháp lý. Tuy nhiên, để giữ được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, phát huy ý nghĩa thực sự thì việc xây dựng cơ chế rõ ràng về các chi phí hợp lý cho sức khỏe, tinh thần mà người mang thai hộ được nhận, tạo hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn các nguy cơ về mang thai hộ vì mục đích thương mại là vô cùng cần thiết và không thể không thiết lập.
PHẠM CAO SƠN
Tòa án quân sự khu vực Hải quân