/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư và đồng nghiệp

Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư và đồng nghiệp

30/03/2023 11:13 |

(LSVN) - Quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp là sự tương tác, chân thành, thấu hiểu giữa những người cùng làm Nghề Luật sư. Có tình đồng nghiệp, các Luật sư luôn có sự tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau. Khi đó, tình trạng kỳ thị, chèn ép, phân biệt đối xử giữa các Luật sư đồng nghiệp sẽ không xảy ra và vì vậy, uy tín, vị thế nghề Luật sư được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Bản chất của quan hệ giữa các Luật sư với đồng nghiệp: Thuộc về phạm trù đạo đức nhiều hơn. Do đó, pháp luật về Luật sư không có nhiều quy phạm điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật sư và đồng nghiệp mà thay vào đó mối quan hệ này sẽ được điều chỉnh trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư tại Việt Nam đã dành chương III (từ Quy tắc 17 đến Quy tắc 25) quy định về mối quan hệ giữa Luật sư với các đồng nghiệp. Quan hệ giữa Luật sư và đồng nghiệp không chỉ là quan hệ giữa Luật sư với Luật sư mà còn là quan hệ giữa Luật sư với nhân viên trong Tổ chức hành nghề Luật sư, quan hệ giữa Luật sư với Người tập sự hành nghề Luật sư, quan hệ giữa Luật sư với Tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư.

Đạo đức và ứng xử của Luật sư trong mối quan hệ với đồng nghiệp chính là “Tình đồng nghiệp của Luật sư”. Quy tắc 17 quy định về tình đồng nghiệp của Luật sư đòi hỏi luật sư: “Trong giao tiếp, hành nghề Luật sư, Luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề; Luật sư không để kết quả thắng, thua trong hành nghề làm ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp của Luật sư”. Việc sử dụng cụm từ “Tình đồng nghiệp” mà không phải “Quan hệ đồng nghiệp” hay cụm từ nào khác cho thấy Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam coi trọng, đề cao tâm đức, tình nghĩa của con người với con người trong quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp, bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp. 

Từ quy tắc 17, các quy tắc tiếp theo đã làm rõ hơn về vai trò trách nhiệm của Luật sư trong mối quan hệ với đồng nghiệp. Quy tắc 18 quy định: Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp Luật sư. Đối với nghề Luật sư, việc tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp là nghĩa vụ bắt buộc, không có ngoại lệ. Đây là nguyên tắc cơ bản điều chỉnh ứng xử nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp, là nền tảng xây dựng tình đồng nghiệp của Luật sư. 

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp là quan hệ giữa những người làm trong cùng một nghề nên việc xảy ra cạnh tranh nghề nghiệp là khách quan tất yếu. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam quy định Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp (Quy tắc 19). 

Hiểu một cách đơn giản, cạnh tranh không lành mạnh là thủ đoạn mà các đối thủ cạnh tranh sử dụng để loại trừ lẫn nhau. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư với tính chất là một nghề cao quý, có đặc thù riêng, cạnh tranh trong hoạt động Luật sư cần phù hợp với quy định của pháp luật, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bộ Quy tắc quy định Luật sư không được thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh với đồng nghiệp tức là cấm Luật sư thực hiện các hành vi cạnh tranh có tính chất loại bỏ hoạt động hành nghề của Luật sư đồng nghiệp hoặc gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp. Cạnh tranh nghề nghiệp tất yếu sẽ phát sinh tranh chấp giữa các Luật sư đồng nghiệp với nhau. 

Quy tắc 20.1 quy định: Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, Luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả. Thương lượng, hòa giải không chỉ là phương pháp, cách thức để các bên chấm dứt tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của Luật sư khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp mà còn để giữ tình đồng nghiệp giữa các Luật sư. Bên cạnh đó, đây cũng là phương pháp giải quyết có tính chất bắt buộc trước khi Luật sư nhờ Cơ quan Nhà nước giải quyết. 

Quy tắc 20.2 quy định: Trước khi khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp, Luật sư cần thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi mình là thành viên và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi đồng nghiệp là thành viên biết để có thể hòa giải. Qua hòa giải sẽ thể hiện vai trò, trách nhiệm tự quản của Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư đồng thời nhằm giữ gìn đoàn kết nội bộ, củng cố tình đồng nghiệp giữa các Luật sư thành viên.

Ngoài việc ban hành những quy tắc định hướng để Luật sư lựa chọn ứng xử phù hợp trong các tình huống cụ thể, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam còn trực tiếp quy định những việc Luật sư không được làm trong mối quan hệ với đồng nghiệp gồm 08 nhóm hành vi quy định ở Quy tắc 21. 

Quy tắc quy định cụ thể, rõ ràng những hành vi Luật sư không được làm để Luật sư nhận biết và không thực hiện trong quan hệ với đồng nghiệp. Đây là những hành vi Bộ Quy tắc nghiêm cấm Luật sư thực hiện, trường hợp Luật sư vi phạm có thể bị xem xét kỷ luật bằng hình thức kỷ luật xóa tên ra khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư, là hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất đối với Luật sư theo quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hiện nay.

Tình đồng nghiệp của Luật sư còn được thể hiện qua mối quan hệ giữa Luật sư với các nhân viên trong Tổ chức hành nghề Luật sư. Mối quan hệ giữa Luật sư với các nhân viên trong Tổ chức hành nghề Luật sư cần sự tôn trọng, cư xử đúng mực (Quy tắc 22.1). 

Bộ Quy tắc cũng đặt ra yêu cầu Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không để mình bị chi phối bởi các yêu cầu, quy định nội bộ của Cơ quan, Tổ chức nơi Luật sư đang làm việc trong trường hợp nội dung quy định của Cơ quan, Tổ chức mâu thuẫn Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam; yêu cầu Luật sư phải có trách nhiệm kiến nghị, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật tại Cơ quan, tổ chức đó nếu có (Quy tắc 23).

Bộ Quy tắc điều chỉnh quan hệ giữa Luật sư hướng dẫn với Người tập sự hành nghề Luật sư yêu cầu Luật sư hướng dẫn phải tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, đối xử tôn trọng với Người tập sự hành nghề Luật sư đồng thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, lợi dụng sự bất bình đẳng, phụ thuộc trong mối quan hệ thầy – trò để Luật sư hướng dẫn có thể đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi không thỏa đáng, vi phạm đạo đức đối với Người tập sự hành nghề Luật sư (Quy tắc 24).

Bộ Quy tắc điều chỉnh quan hệ của Luật sư với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư theo đó buộc Luật sư phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của thành viên đối với tổ chức trên tinh thần tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín, chấp hành Điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, nội quy của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư (Quy tắc 25) cũng là một loại quan hệ đồng nghiệp.

Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư với đồng nghiệp không chỉ là quy định riêng biệt, độc lập được quy định tại các Quy tắc cụ thể. Các quy tắc trong Bộ Quy tắc là một thể thống nhất, quy tắc này bổ trợ, hỗ trợ, hoàn thiện quy tắc kia.

LÊ THỊ THANH BÌNH

Học viên lớp Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp

Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng

Bùi Thị Thanh Loan