/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

24/03/2024 06:15 |

(LSVN) - Mặc dù thừa nhận trách nhiệm hình sự đối với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội, tuy nhiên BLHS năm 2015 cũng như các Bộ luật, luật có liên quan không quy định về trường hợp pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng quá trình giải quyết vụ án hình sự pháp nhân thương mại đó chấm dứt hoạt động như: tuyên bố giải thể, phá sản... thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) nữa hay không? Điều này gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trên thực tiễn áp dụng pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu cá nhân thực hiện hành vi phạm tội “chết” sẽ bị đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án tuỳ từng giai đoạn tố tụng, vậy pháp nhân khi chấm dứt hoạt động có được đình chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Theo học viên, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội sau đó chấm dứt hoạt động. Vì nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ tạo tiền đề cho người khác mở pháp nhân thương mại mới, sau đó lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự rồi lại chấm dứt hoạt động để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa.

Điều kiện, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội

Về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội 

Không phải mọi hành vi phạm tội có liên quan đến pháp nhân thương mại (PNTM), thì pháp nhân thương mại đó đều phải chịu trách nhiệm hình sự, mà BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể các điều kiện một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, tại khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ bốn điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại với tư cách là một thực thể pháp lý không thể tự mình thực hiện được các hành vi phạm tội như một thể nhân; mà hành vi phạm tội của pháp nhân được thực hiện thông qua hành vi phạm tội của cá nhân dưới danh nghĩa của pháp nhân. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi phạm tội của người đại diện, người lãnh đạo điều hành của pháp nhân thương mại thực hiện, thì pháp nhân thương mại đều phải chịu trách nhiệm hình sự, như trường hợp những người này thực hiện hành vi phạm tội với danh nghĩa cá nhân. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi người người đại diện theo pháp luật, người quản lý, điều hành hoặc những người được ủy quyền, phân công nhiệm vụ tại pháp nhân thương mại dùng danh nghĩa của pháp nhân đó để thực hiện hành vi phạm tội.

Điều kiện thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Điều kiện này được hiểu là việc cá nhân thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp này phải nhằm mục đích đem lại lợi ích cho pháp nhân thương mại. Nếu một người đại điện hoặc nhân danh pháp nhân thương mại để thực hiện hành vi phạm tội, nhưng lại vì mục đích tìm kiếm lợi ích cho riêng cá nhân, không phải vì lợi ích chung của pháp nhân thì pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà cá nhân đã nhân danh pháp nhân đó thực hiện.

Điều kiện thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Điều kiện này phản ánh dấu hiệu “lỗi” của pháp nhân thương mại trong việc nhận thức được tính nguy hiểm của việc thực hiện hành vi phạm tội và thấy trước được hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn chỉ đạo, điều hành, hoặc chấp thuận cho cá nhân trong pháp nhân đó thực hiện hành vi phạm tội và vì vậy mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại đối với việc thực hiện hành vi phạm tội có thể thể hiện thông qua các hình thức như: Nghị quyết Hội đồng quản trị (trong công ty cổ phần), quyết định của Giám đốc, Tổng giám đốc hay những người được ủy quyền, ý kiến chấp thuận của pháp nhân thông qua những người có thẩm quyền cũng được coi là điều kiện để xem xét truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại.

Điều kiện thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội là thời hạn do BLHS quy định, mà khi hết thời hạn đó, pháp nhân thương mại phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được xác định thông qua thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân tương ứng với hành vi phạm tội của pháp nhân thuộc các tội danh được liệt kê tại Điều 76 BLHS năm 2015. Theo quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015 ta xác định được thời hiệu truy cứu TNHS của PNTM như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày hành vi phạm tội được thực hiện.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội

Phạm vi về tội danh mà PNTM phải chịu trách nhiệm hình sự là giới hạn các tội danh mà BLHS quy định PNTM phải chịu TNHS. Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 thì PNTM phạm tội phải chịu THNHS đối với 33 tội quy định tại 3 chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định tại chương XVIII của BLHS năm 2015,đây là nhóm tội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước ta về kinh tế. Trong nhóm các tội phạm này, BLHS năm 2015 quy định PNTM phải chịu TNHS đối với 22 tội danh nếu PNTM thực hiện hành vi được mô tả trong mặt khách quan của điều luật tương ứng, các tội danh tại các Điều này bao gồm: Điều 188; Điều 189;Điều 190;Điều 191; Điều 192; Điều 193;Điều 194; Điều 195; Điều 196; Điều 200; Điều 203; Điều 209; Điều 210; Điều 211; Điều 213; Điều 216; Điều 217; Điều 225; Điều 226; Điều 227; Điều 232; Điều 234.

Thứ hai, nhóm các tội phạm về môi trường. Các tội về môi trường được quy định tại chương XIX của BLHS năm 2015. Trong nhóm các tội phạm này, BLHS năm 2015 quy định PNTM phải chịu TNHS đối với 09 tội danh nếu PNTM thực hiện hành vi được mô tả trong mặt khách quan của điều luật tương ứng, các tội danh này bao gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 242); Tội huỷ hoại rừng (Điều 243); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).

Thứ ba, nhóm tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, tại Chương XXI BLHS năm 2015. Trong nhóm các tội phạm này, BLHS năm 2015 quy định PNTM phải chịu TNHS đối với 02 tội danh nếu PNTM thực hiện hành vi được mô tả trong mặt khách quan của điều luật tương ứng, đó tội "Tài trợ cho khủng bố" (Điều 300); tội "Rửa tiền" (Điều 324).

Hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội

Thứ nhất, cần mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội "Đưa hối lộ".

Để đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống nạn tham nhũng hiện nay và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo ra sự bình đẳng trong xử lý trách nhiệm hình sự giữa cá nhân và pháp nhân và đảm bảo sự phù hợp, tương thích với các công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên, học viên kiến nghị cần bổ sung thêm tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 BLHS vào phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại tại điều 76 BLHS năm 2015 và bổ sung hình phạt đối với tội "Đưa hối lộ" do pháp nhân thương mại thực hiện, cụ thể như sau:

Sửa Điều 76 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thành:

Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300, 324 và 364của Bộ luật này.

Sửa đổi và bổ sung Điều 364 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thành:

Điều 364. tội "Đưa hối lộ" 

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ.) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm...

Thứ hai, bổ sung quy định về đồng phạm đối với chủ thể pháp nhân thương mại phạm tội.

Khi BLHS thừa nhận tư cách chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, thì chủ thể này hoàn toàn có thể câu kết với pháp nhân thương mại khác để cùng thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, theo quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 lại không đặt ra vấn đề đồng phạm đối với pháp nhân thương mại là một thiếu sót, qua đó gây ra khó khăn trong việc xử lý triệt để các hành vi phạm tội. Do đó, học viên cho rằng cần phải ghi nhận vấn đề đồng phạm và quy định trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm là pháp nhân thương mại phạm tội.

Vì vậy, học viên đề xuất sửa đổi Điều 17 BLHS năm 2015 theo hướng: tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 17 cần bổ sung thêm chủ thể là pháp nhân thương mại. Tại khoản 3 Điều 17 không nên quy định về các loại người đồng phạm mà nên quy định các hành vi trong đồng phạm gồm hành vi thực hành, hành vi tổ chức, hành vi xúi giục và hành vi giúp sức. Bổ sung thêm khoản 5 quy định “người hoặc pháp nhân thương mại đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm họ cùng thực hiện”. Với quy định này, pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm thông qua các cá nhân, người đại diện, hành vi các cá nhân đó là gì thì pháp nhân thương mại sẽ được xác định là giữ vai trò đó trong đồng phạm.

Thứ ba, bổ sung quy định về việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng quá trình giải quyết vụ án hình sự pháp nhân đó chấm dứt hoạt động.

Mặc dù thừa nhận trách nhiệm hình sự đối với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội, tuy nhiên BLHS năm 2015 cũng như các Bộ luật, luật có liên quan không quy định về trường hợp pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng quá trình giải quyết vụ án hình sự pháp nhân thương mại đó chấm dứt hoạt động như: tuyên bố giải thể, phá sản... thì có bị truy cứu TNHS nữa hay không? Điều này gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trên thực tiễn áp dụng pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu cá nhân thực hiện hành vi phạm tội “chết” sẽ bị đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án tuỳ từng giai đoạn tố tụng, vậy pháp nhân khi chấm dứt hoạt động có được đình chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Theo học viên, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội sau đó chấm dứt hoạt động. Vì nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ tạo tiền đề cho người khác mở pháp nhân thương mại mới, sau đó lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự rồi lại chấm dứt hoạt động để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án Quân sự khu vực QK4

NGUYỄN VĂN LINH

Tòa án Quân sự khu vực Quân chủng Hải quân

Sở hữu bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam - Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn

Nguyễn Hoàng Lâm