Ảnh minh họa.
Khoản 2 Điều 24 Luật Luật sư 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư 2012 (sau đây gọi là Luật Luật sư) quy định: “Khi nhận vụ, việc, Luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng”. Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi: Thông báo không đầy đủ cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý” (điểm a khoản 2) và “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: Không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý” (điểm e khoản 3).
Như vậy, việc thông báo cho khách hàng về trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư khi thực hiện dịch vụ pháp lý là một nghĩa vụ mang tính pháp lý, bắt buộc, nếu không thông báo hoặc thông báo không đầy đủ sẽ bị áp dụng chế tài hành chính. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư là những trách nhiệm gì và cơ sở pháp lý của trách nhiệm này được quy định ở đâu? Việc làm rõ nội hàm của “trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư” không những là cơ sở để xác định được hành vi “không thông báo” mà còn xác định được việc có thông báo đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật hay không? Bởi lẽ, hiện nay không có quy định nào minh thị về trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư.
Dưới góc độ bài viết này, tác giả không đi sâu vào những vấn đề lý luận về trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư nói chung và Luật sư Việt Nam nói riêng mà chỉ làm rõ trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật
Khoản 2 Điều 24 Luật Luật sư yêu cầu khi nhận vụ, việc, ngoài việc thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ, Luật sư còn phải thông báo trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Quyền và nghĩa vụ (chung) của Luật sư được quy định tại Điều 21 Luật Luật sư.
Cụ thể, Luật sư có các quyền sau đây: Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề Luật sư; Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật; Hành nghề Luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề Luật sư và hình thức tổ chức hành nghề Luật sư; Hành nghề Luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Hành nghề Luật sư ở nước ngoài và các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư.
Đồng thời, Luật sư có các nghĩa vụ sau đây: Tuân theo các nguyên tắc hành nghề Luật sư quy định tại Điều 5 của Luật Luật sư; Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; Có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà Luật sư tiếp xúc khi hành nghề; Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; thực hiện trợ giúp pháp lý; Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư.
Khi thực hiện dịch vụ pháp lý, tùy theo tư cách tham gia (tố tụng) trong từng vụ việc khác nhau mà Luật sư có quyền và nghĩa vụ khác nhau, chẳng hạn như khi tham gia trong vụ án hình sự với tư cách người bào chữa, Luật sư có quyền và nghĩa vụ của người bào chữa quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự, tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, Luật sư có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tham gia trong vụ án dân sự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Luật sư có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, dù tham gia vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật với bất kỳ tư cách nào thì Luật sư cũng có trách nhiệm nghề nghiệp chung. Vấn đề cần làm rõ là trách nhiệm nghề nghiệp được quy định như thế nào trong trong 3 văn bản nền tảng liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư gồm Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam năm 2015 và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam năm 2019.
Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc trưng của nghề Luật sư là nghề tự do, cung cấp dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng và nhận thù lao từ khách hàng nhưng góp phần vào việc tuân thủ pháp luật, bảo vệ công lý. Nghề Luật sư được tiến hành thông qua một loạt các giá trị nhằm hướng dẫn, điều chỉnh việc cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư cho khách hàng nhưng cũng đề cao trách nhiệm đặc biệt trước công chúng. Cốt lõi của những giá trị này là hành nghề với sự trung thực, liêm chính và lịch sự.
Do vậy, nghề Luật sư vừa chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật vừa phải tuân thủ những quy tắc nghề nghiệp bổ sung cho các quy định của pháp luật. Trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư chính là những chuẩn mực, quy tắc mà Luật sư phải tuân thủ, thực hiện nhằm bảo vệ và nâng cao uy tín của nghề Luật sư, phản ánh những đặc trưng của nghề Luật sư so với những nghề khác nói chung và trong nhóm nghề luật nói riêng. Như vậy, trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư chính là những điều Luật sư phải tuân thủ hoặc không được làm khi hành nghề. Tùy theo mối quan hệ thiết lập trong từng hoàn cảnh và phạm vi thực hiện dịch vụ pháp lý khác nhau mà Luật sư sẽ phải thực hiện những trách nhiệm phù hợp.
Luật Luật sư có một số quy định liên quan đến hoạt động hành nghề của Luật sư như nguyên tắc hành nghề Luật sư (Điều 5), các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), nhận và thực hiện vụ, việc của khách hàng (Điều 24), bí mật thông tin (Điều 25), thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý (Điều 26) và quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Luật sư (khoản 6 Điều 40, khoản 2 Điều 49, điểm d khoản 2 Điều 73).
Điều 5 Luật Luật sư quy định 5 nguyên tắc hành nghề Luật sư gồm: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam; Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp Luật sư. Các nguyên tắc này là kim chỉ nam cho hoạt động hành nghề của Luật sư, phản ánh chung nhất quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Luật sư.
Khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư quy định: “Nghiêm cấm Luật sư thực hiện các hành vi sau đây: a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật; b) Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật; c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; d) Sách nhiễu, lừa dối khách hàng; đ) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; e) Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc; g) Lợi dụng việc hành nghề Luật sư, danh nghĩa Luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; h) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật; i) Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng; k) Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác”.
Nhóm 10 hành vi bị cấm nêu trên có thể phân thành 3 nhóm [1]: Nhóm thứ nhất liên quan đến mối quan hệ cốt lõi giữa Luật sư và khách hàng (điểm a, c, d, đ), nhóm thứ hai liên quan đến hoạt động hành nghề của Luật sư (điểm b, e, i, k) và nhóm thứ ba liên quan đến việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (điểm g, h), riêng điểm b ở mức độ nào đó đều liên quan đến cả 3 nhóm trên. Qua đó có thể thấy rằng, khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư đã phản ánh tập trung nhất trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư.
Ngoài quy định tại khoản 2 như đã nêu ở trên, khoản 1 và khoản 3 Điều 24 Luật sư quy định: “Luật sư tôn trọng sự lựa chọn Luật sư của khách hàng; chỉ nhận vụ, việc theo khả năng của mình và thực hiện vụ, việc trong phạm vi yêu cầu của khách hàng. Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho Luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng”. Điều 25 Luật Luật sư quy định “Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tổ chức hành nghề Luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình”.
Từ những quy định trên có thể thấy rằng, khoản 1 và khoản 3 Điều 24, Điều 25 Luật Luật sư đặt ra các trách nhiệm cho Luật sư khi thiết lập quan hệ với khách hàng. Như vậy, quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 1, khoản 3 Điều 24 và Điều 25 chính là trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư mà Luật sư có nghĩa vụ thông báo cho khách hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Luật sư.
Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ quy định về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyền, nghĩa vụ của các thành viên Liên đoàn; quan hệ của Liên đoàn với các thành viên, với cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước. Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam không quy định về trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư.
Lời nói đầu của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư ghi nhận: “Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư”. Bộ Quy tắc quy định đan xen những vấn đề về đạo đức, ứng xử và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư trong nhiều mối quan hệ khác nhau, như quan hệ Luật sư với khách hàng, quan hệ với đồng nghiệp, quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng, với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác…
Nhiều quy tắc được chuyển hóa, phát triển từ những quy định tại Điều 5, Điều 9, Điều 21, Điều 24, Điều 25 và Điều 26 của Luật Luật sư. Các quy tắc được xây dựng dưới dạng các quy phạm đạo đức mang tính chất cấm đoán (không được làm) hoặc tính chất khuyến nghị để các Luật sư lựa chọn thái độ ứng xử cho phù hợp với truyền thống đạo đức nói chung và đặc tính nghề nghiệp Luật sư nói riêng [2]. Do vậy, khi nhận vụ việc vụ, việc, Luật sư không cần thiết phải thông báo trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư được quy định trong Bộ Quy tắc mà chỉ cần sư thông báo trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của Luật Luật sư.
Có ý kiến cho rằng trách nhiệm trong hoạt động hành nghề của Luật sư bao gồm các trách nhiệm khi nhận và thực hiện vụ, việc của khách hàng quy định tại Điều 24, giữ bí mật thông tin khách hàng quy định tại Điều 25 và các trách nhiệm pháp lý (dân sự, hình sự, hành chính và kỷ luật) [3]. Tác giả cho rằng khi hành nghề, Luật sư vừa có trách nhiệm nghề nghiệp vừa có trách nhiệm pháp lý nhưng trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm pháp lý là khác nhau, trách nhiệm nghề nghiệp là trách nhiệm đặc thù gắn liền với nghề nghiệp đó, phản ánh đặc trưng của mỗi nghề nghiệp và làm cho nghề đó khác biệt với những nghề còn lại và thường thể hiện trong những quy định mang tính chuyên ngành, như trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư được thể hiện ở quy định tại Luật Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Trách nhiệm pháp lý là việc một chủ thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do có hành vi vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp và vi phạm pháp luật, trừ trách nhiệm kỷ luật thường thể hiện trong quy định chuyên ngành, các trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự được điều chỉnh bởi những quy định được áp dụng chung cho nhiều đối tượng. Trách nhiệm nghề nghiệp là tiền đề của trách nhiệm pháp lý, vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với tính chất và mức độ vi phạm nên đây là hai loại trách nhiệm khác nhau.
Nghĩa vụ thông báo trách nhiệm nghề nghiệp Luật sư cho khách hàng
Về thời điểm thông báo, khoản 2 Điều 24 Luật Luật sư quy định: “Khi nhận vụ, việc, Luật sư thông báo...”. Thời điểm thông báo là khi nhận vụ, việc nhưng thời điểm nhận vụ, việc được tính từ thời điểm Luật sư tiếp nhận thông tin, tiếp cận hồ sơ vụ, việc hay thời điểm ký hợp đồng dịch vụ pháp lý thì chưa được rõ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn khi Luật sư và khách hàng tiến hành ký hợp đồng dịch vụ pháp lý vì khi đó Luật sư đã chính thức tiếp nhận vụ, việc, phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với khách hàng.
Về phạm vi thông báo, khoản 2 Điều 24 Luật Luật sư cho thấy Luật sư chỉ phải thông báo trách nhiệm nghề nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng mà không phải thông báo toàn bộ trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư. Tuy nhiên, Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP yêu cầu Luật sư phải thông báo đầy đủ. Do vậy, tùy thuộc vào phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý khác nhau (tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý khác) mà sẽ có phạm vi thông báo khác nhau.
Về cách thức thông báo, hiện không có quy định cách thức thông báo nên Luật sư sẽ quyết định cách thức thông báo cho khách hàng một cách linh hoạt, đó có thể là trao đổi bằng lời nói, gởi cho khách hàng qua email, tin nhắn, ghi nhận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý… miễn sao phải chứng minh được việc đã thông báo khi công chức, viên chức Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, thanh tra.
============================== [1] Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (2010), Đặc san tuyên truyền pháp luật, số 04, chủ đề Luật sư và pháp luật về Luật sư Việt Nam, trang 16. [2] Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Nghĩ thêm về đạo đức của nghề Luật sư, /nghi-them-ve-dao-duc-cua-nghe-luat-su1612431471.html, truy cập ngày 20/10/2021. [3] Nguyễn Khánh Linh, Bàn về trách nhiệm của Luật sư trong hoạt động hành nghề, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ban-ve-trach-nhiem-cua-luat-su-trong-hoat-dong-hanh-nghe, truy cập ngày 04/8/2020. |
Thạc sĩ, Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương