Vừa qua, một người đàn ông ở tỉnh Kiên Giang đang lái xe tới khu vực xã Mỹ Hiệp Sơn thì va chạm với một máy bay không người lái do anh M.V.L. điều khiển, đang xịt thuốc gần đó. Ông này bị cánh quạt của máy bay không người lái chém vào đầu và cổ, bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về quản lý máy bay không người lái (drone) và các phương tiện bay siêu nhẹ. Việc sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu là trường hợp được quy định tại Nghị định này. Theo đó, cá nhân, tổ chức muốn sử dụng máy bay không người lái phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Ảnh minh hoạ.
Trước khi xin phép sử dụng drone phun thuốc trừ sâu, tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu kỹ các quy định về sử dụng loại phương tiện tại địa phương. Để được phép bay, người dân cần chuẩn bị hồ sơ xin phép sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu đầy đủ và hợp lệ. Theo quy định, thời gian để giải quyết hồ sơ xin phép bay máy bay phun thuốc trừ sâu là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ngoài ra, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP cũng quy định người sử dụng máy bay không người lái không được bay phun thuốc trừ sâu ở khu vực đông dân cư, nơi có công trình quan trọng, không bay trong thời tiết xấu như mưa to, gió lớn.
Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, việc xin phép sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu là bắt buộc. Sự cố xảy ra ở Kiên Giang là một tình huống tai nạn mới, nếu không tăng cường công tác quản lý thì trong tương lai sẽ xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc sử dụng máy bay không người lái có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Người điều khiển máy bay không người lái có vi phạm các quy tắc đảm bảo an toàn hay không để làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển máy bay không người lái này có lỗi trong quá trình điều khiển dẫn đến không kiểm soát được hướng di chuyển và để xảy ra tai nạn chết người thì cơ quan điều tra có thể khởi tố người này về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015.
Ngoài trách nhiệm pháp lý có thể bị phạt tù tới 5 năm thì người có lỗi gây ra cái chết của người khác phải bồi thường thiệt hại toàn bộ chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần.
"Qua vụ việc này cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát phương tiện bay không người lái, quy định về điều kiện cũng như là các yếu tố đảm bảo an toàn để tránh những vụ việc dân sự có thể xảy ra", Luật sư Cường nêu quan điểm.