Đặt vấn đề
Sự ra đời của internet và bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mở ra cho nhân loại bước vào kỷ nguyên số với sự ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực. Hiện nay AI đang được ứng dụng sâu rộng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống, xã hội, quản trị, tự động hóa. Nếu như trước đây hầu hết công việc phức tạp, khó đòi hỏi sự tính toán chính xác, tỉ mỉ và có hệ thống với những con người chuyên môn sâu thì đến nay các công việc này đã có máy tính, robot thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.
Những thành tựu vượt trội như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), internet vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) của Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng vào lĩnh vực báo chí; sự ra đời của các mạnh xã hội, truyền thông xã hội đã đặt ra yêu cầu tất yếu khách quan để báo chí chuyển đổi số mạnh mẽ, quyết liệt. Một trong những xu thế của báo chí hiện nay là sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếng Anh là “artificial intelligence” gọi tắt là AI để ứng dụng vào công nghệ báo chí.
Việc ứng dụng và thích nghi AI vào báo chí đã phổ biến, đem lại nhiều cải tiến nâng cao chất lượng, nội dung và phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng. Báo chí trong kỷ nguyên số đứng trước nhiều cơ hội đổi mới, phát triển nhưng cũng không ít thách thức. Hiện nay chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam và là xu thế không thể đảo ngược.
Báo chí cần kịp thời ứng dụng công nghệ, chuyển đổi thích ứng kịp thời để phục vụ công chúng. Mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa nền tảng được xem là xu thế tất yếu hiện nay trong đó ứng dụng công nghệ máy tính trí tuệ nhân tạo AI cụ thể là sử dụng các phần mềm viết báo, robot làm báo, báo chí thuật toán đã phổ biến và là lựa chọn của báo chí. Trí tuệ nhân tạo giúp báo chí trong việc tự động tạo ra nội dung. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để tạo ra các bài viết, báo cáo và tin tức một cách tự động. Điều này giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho các tờ báo và tạp chí. Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu về độc giả, đưa ra các dự đoán về xu hướng và tạo ra các báo cáo về thị trường. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để tương tác với độc giả, trả lời các câu hỏi và cung cấp thông tin liên quan đến các chủ đề đang được quan tâm.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là cơ hội và thách thức cho Nhà báo. Nhà báo thời kỹ thuật số phải là Nhà báo công nghệ. Yêu cầu của một Nhà báo hiện nay không chỉ là đi săn tin, viết bài mà còn phải biết am hiểu về về internet, mạng xã hội và công nghệ số, biết sử dụng công nghệ trong nghề báo. Điều này rất hiếm gặp trong thập kỷ trước, khi mà công nghệ thông tin còn chưa phát triển.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI – Robot làm báo được sử dụng phổ biến trong báo chí hiện đại
Vậy thế nào gọi là Robot làm báo? Hiện nay sử dụng robot làm báo không phải là vấn đề xa lạ. Đây là một loại robot được sử dụng để thực hiện công việc liên quan đến việc tạo ra nội dung báo chí, bao gồm việc viết bài, biên tập nội dung, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và tạo ra báo cáo tự động. Các robot làm báo thường được lập trình để tự động tạo ra nội dung bằng cách sử dụng các thuật toán và công nghệ AI. Chúng có thể thu thập thông tin từ các nguồn dữ liệu trực tuyến, phân tích dữ liệu và viết bài báo dựa trên các mẫu và quy tắc được lập trình trước.
Theo Matt Carlson, tác giả cuốn “Phóng viên robot”, đó chính là quy trình thuật toán chuyển hóa dữ liệu thành các đoạn tin tường thuật mà không có sự can thiệp của con người. Với sự tiến bộ của dữ liệu lớn và thuật toán, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi báo chí trở thành đích đến tiếp theo của công nghệ. Cách sản xuất và phân phối tin tức thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Sự ra đời của Chat GPT ngày 30/11/2022 khiến thế giới xôn xao vì sự thông minh và khả năng tư duy, cách sử dụng ngôn ngữ tự nhiên giống như con người. Công cụ này có tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển.
Với Chat GPT thay vì phải nhập một truy cập và nhận lại một danh sách dài đường link như trải nghiệm với Google hiện tại thì người dùng có thể có một cuộc trò chuyện với AI để tìm thấy những gì mình đang tìm kiếm. Trong lĩnh vực báo chí, AI đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều năm qua ở trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Nếu như trước đây ít người nhắc đến nay khá phổ biến. AI bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, từ các cơ quan báo chí lớn của Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Argentina, Việt Nam... Tại Việt Nam, ngày 05/01/2021, Báo Thanh Niên trở thành đơn vị tiên phong ứng dụng AI. Đến nay, nhiều tờ báo Việt Nam cũng đã khai thác AI, nhưng ở mức sơ khai.
Sử dụng công nghệ AI làm báo đã cho thấy một số thế mạnh sau:
- Tăng cường tốc độ và hiệu quả của báo chí, bởi robot có thể tự động sản xuất và phân phối tin tức một cách nhanh chóng và liên tục, giúp cung cấp thông tin đến người đọc một cách nhanh nhất có thể;
- Sự đa dạng trong nội dung của báo chí, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, báo chí robot có khả năng tạo ra nội dung đa dạng và phong phú, từ tin tức đến bài viết phân tích, thậm chí là tin tức dựa trên dữ liệu;
- Độ chính xác và khả năng phân tích cao, công nghệ AI có thể giúp báo chí robot phân tích dữ liệu và tạo ra bài viết chính xác hơn, đồng thời cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề phức tạp và nhiều chiều;
- Thách thức về độ tin cậy: Một trong những thách thức lớn robot làm báo là độ tin cậy của thông tin. Vì công nghệ AI chưa thể hoàn toàn hiểu và đánh giá các khía cạnh nhân văn và xã hội, nên có nguy cơ thông tin không chính xác hoặc thiếu đáng tin cậy.
Theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ở nước ta trong đó có một số mục tiêu liên quan trực tiếp đến ứng dụng công nghệ AI vào chuyển đổi số như sau:
Một số mục tiêu đến năm 2025 là 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí; Hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.
Mục tiêu đến năm 2030 là 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Như vậy ứng dụng công nghệ AI trí tuệ nhân tạo vào làm báo là nhiệm vụ cũng như xu thế khách quan của các cơ quan báo chí.
Vai trò của Nhà báo trong thời đại chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI – Robot làm báo
Không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí. Hiện nay xu thế sử dụng trí tuệ nhân tạo AI tạo ra công cụ robot làm báo hay còn gọi là “phóng viên robot”, “nhà bào robot. Nhiều công việc trước đây phải phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà báo tứ phát hiện vấn đề, sản xuất tin, phân phối tin, quan hệ công chúng thì nay công việc đó đã được trí tuệ nhân tạo thực hiện. Như đã phân tích ở trên, việc ứng dụng trí thuệ nhân tạo AI đã mở ra kỷ nguyên mới của báo chí. Đồng thời, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Nhà báo trong tương lai. Có thể nói công nghệ AI vừa là cộng sự vừa là đối thủ của Nhà báo. Nói vậy để hiểu rằng công nghệ vừa là người bạn, người cộng sự khi Nhà báo biết phát huy và vận dụng nó, nhưng ngược lại nó cũng là đối thủ cạnh tranh với lao động của Nhà báo.
Tuy nhiên, vai trò của Nhà báo vẫn rất quan trọng trong việc sản xuất tin tức chất lượng và đáng tin cậy, có cảm xúc và gần gũi với công chúng. Nhà báo có khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra những ý kiến chuyên môn về các vấn đề thời sự, đồng thời có thể tạo ra nội dung độc đáo và sáng tạo. Nhà báo cũng có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin được đưa ra, để đảm bảo người đọc có được cái nhìn toàn diện và chính xác về các vấn đề thời sự. Vì vậy, robot và báo chí thuật toán không thể thay thế hoàn toàn vai trò của Nhà báo trong ngành báo chí. Thay vào đó, các công nghệ này có thể hỗ trợ cho Nhà báo trong việc tạo ra nội dung và phân phối tin tức một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp cho ngành báo chí phát triển và đáp ứng nhu cầu của người đọc trong thời đại số hóa.
Trong thời đại báo chí thuật toán sử dụng trí tuệ nhân tạo, vai trò của Nhà báo vẫn rất quan trọng. Dưới đây là một số điểm về vai trò của Nhà báo như:
- Nhà báo giữ vai trò là người kiểm tra và xác minh thông tin, đảm bảo việc đăng tin chính xác, đúng tôn chỉ mục đích và tôn trọng công chúng. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, việc tạo ra và lan truyền thông tin giả đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhà báo đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, xác minh và đánh giá tính xác thực của thông tin trước khi đưa ra công chúng;
- Phát hiện và quyết định chất lượng nội dung của sản phẩm báo chí từ khâu phát hiện đề tài đến sản xuất tin. Mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung tự động, nhưng Nhà báo vẫn cần đóng vai trò trong việc tạo ra nội dung chất lượng, mang tính phân tích, sáng tạo và đáng tin cậy. Nhà báo có khả năng hiểu và phân tích sâu vấn đề, khám phá các góc nhìn mới và tạo ra nội dung có giá trị cho công chúng;
- Giám sát và phản biện với thuật toán kịp thời điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, trào lưu công chúng. Trí tuệ nhân tạo và thuật toán đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc lựa chọn, tùy chỉnh và hiển thị thông tin cho người dùng. Nhà báo có nhiệm vụ giám sát và phản biện với thuật toán, đảm bảo rằng thông tin được hiển thị công bằng, đa dạng và không gây thiệt hại cho xã hội.
Nhà báo trong thời đại kỹ thuật số, công nghệ trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng không thể thay thế và là nhân tố quyết định sự thành công của báo chí. Không máy móc và công nghệ nào có thể thay thế hoàn toàn sức lao động của con người, trong lĩnh vực báo chí công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng nhưng không thể thay thế được vai trò của Nhà báo.
Việc ứng dụng công nghệ nhân tạo vào làm báo giúp giải phóng sức lao động đơn giản của Nhà báo, tạo cho họ có thêm thời gian, điều kiện sáng tạo, học tập và tiếp thu công nghệ, cống hiến nhiều hơn cho xã hội và đem lại các sản phẩm tốt hơn phục vụ nhu cầu của công chúng, công nghệ trở thành cộng sự đắc lực cho Nhà báo. Tuy nhiên để không bị tụt hậu hoặc bị thay thế thì Nhà báo thời nay phải biết sử dụng công nghệ, thuần thục kỹ năng sử dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo, thích ứng kịp thời và thường xuyên trau dồi kiến thức về chuyên môn và công nghệ để phục vụ công việc tốt hơn.
Tài liệu tham khảo: -Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; -Báo chí chuyển đổi số và bài toán “nhân lực chuyển đổi số toàn diện” ( https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuyen-doi-so/bao-chi-chuyen-doi-so-va-bai-toan-nhan-luc-chuyen-doi-so-toan-dien-731519 ); - Báo chí thực hiện chuyển đổi số trước hết từ tư duy (https://baochinhphu.vn/bao-chi-thuc-hien-chuyen-doi-so-truoc-het-tu-tu-duy-10222101413384638.htm); -Ngày 5.1.2021, Báo Thanh Niên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (https://thanhnien.vn/ngay-512021-bao-thanh-nien-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-1851025651.htm); -Nhiều thay đổi sau một năm ChatGPT ra đời (https://nhandan.vn/nhieu-thay-doi-sau-mot-nam-chatgpt-ra-doi-post786292.html). |
HƯNG NGUYÊN
Lợi dụng nghề nghiệp phạm tội lừa đảo