Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao vị thế của Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương

04/06/2019 03:00 | 4 năm trước

LSVNO - “Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VIII và phương hướng công tác nhiệm kỳ IX được trình bày tại Đại hội (ngày 03/6/2019) cho thấy tập thể các luật sư trong Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương, dướ...

LSVNO - “Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VIII và phương hướng công tác nhiệm kỳ IX được trình bày tại Đại hội (ngày 03/6/2019) cho thấy tập thể các luật sư trong Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chủ nhiệm (nhiệm kỳ VIII) đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao vị thế của Đoàn. Tuy nhiên, theo nhận thức của tôi, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan”, LS Nguyễn Trọng Quyết – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương chia sẻ.

Điều đáng nói, vấn đề làm cách nào để nâng cao vị thế không chỉ là câu chuyện thường trực của Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương mà còn là vấn đề chung của nhiều Đoàn luật sư khác trong cả nước. Mong mỏi về việc nâng cao vị thế của Đoàn, trong suy nghĩ của tôi đôi khi như rơi vào trạng thái bất khả thi nếu nhìn vào thực trạng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực hỗ trợ…

Cụ thể hóa chỉ tiêu và kế hoạch phát triển số lượng đội ngũ luật sư

Mặc dù vậy, tìm ra cách để nâng cao vị thế của Đoàn trong mối quan hệ với xã hội (bao gồm người dân và cộng đồng doanh nghiệp), với các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, nhất là các cơ quan thuộc khối nội chính… từ suy nghĩa của tôi, vẫn là trách nhiệm của mỗi luật sư, của Đại hội, của những thành viên được Đại hội tin tưởng bầu chọn vào các vị trí trong Ban Chủ nhiệm khóa tới.

Để làm tốt điều này, tôi cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có một số giải pháp.

Theo Báo cáo tổng kết, số lượng luật sư hiện tại của Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương là 45. Con số này nếu so với thời điểm tôi gia nhập Đoàn cách đây 15 năm thì cũng không tăng thêm đáng kể. Đối với 1 đoàn, hội, chỉ tiêu về số lượng là yếu tố rất quan trọng để đánh giá quy mô, vị thế và rõ ràng, với 45 luật sư  trên tổng số 1,8 triệu dân (theo wikipedia) và hơn 1.6000 doanh nghiệp (theo trang web: thongtindoanhnghiep.com) trên địa bàn tỉnh Hải Dương là rất khiêm tốn.

Nhưng số lượng chỉ là một khía cạnh, trong tổng số 45 luật sư đang là thành viên của Đoàn thì số lượng luật sư trên 70 tuổi là 14 - tương ứng với tỷ lệ trên 31%, số lượng luật sư từ 60 tuổi đến 70 tuổi là 11 - tương ứng với tỷ lệ 24.4%, số lượng luật sư hành nghề và làm việc tại Hà Nội là 07 - tương ứng với 15,5%. Mặc dù các luật sư lão thành có nhiều kinh nghiệm, sâu về kiến thức, nghiệp vụ,… nhưng lại hạn chế về sức khỏe do tuổi cao, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn tới hoạt động nghề nghiệp.

Với các luật sư làm việc ở Hà Nội, do điều kiện về công việc, nhu cầu cuộc sống phát sinh, luôn tồn tại khả năng các luật sư có thể xin rút khỏi Đoàn bất kỳ lúc nào như vẫn thường xảy ra.

Vấn đề số lượng thành viên của các Đoàn luật sư tại các tỉnh lân cận cũng có sự khác nhau. Một số tỉnh có lượng thành viên đông hơn chúng ta như: Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh có 57 thành viên, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang có 58 thành viên, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh có 58 thành viên…, nhưng cũng có đoàn số lượng ngang bằng, như Nam Định: 45 luật sư hoặc ít hơn chúng ta khá nhiều, Hưng Yên trên 20 luật sư.

Do vậy, để góp phần nâng cao vị thế, cần cụ thể hóa chỉ tiêu và kế hoạch để tăng cường số lượng đội ngũ luật sư, nhất là các luật sư trẻ. Cụ thể hóa, thay vì không để cập hoặc đề cập chung chung.

LS Nguyễn Trọng Quyết – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương.

Theo số liệu thống kê đến tháng 01/2019, cả nước có trên 13.000 luật sư. Như vậy, nếu tính trên 97 triệu dân, thì mức trung bình cứ 7.461 người dân sẽ có 1 luật sư, và nếu tính trên tổng số 702.000 doanh nghiệp hiện có ở Việt Nam thì mức trung bình là cứ 54 doanh nghiệp sẽ có 1 luật sư. Do đó, số lượng luật sư chưa thể đáp ứng được nhu cầu cần thiết của các doanh nghiệp và người dân, cần có những giải pháp mang tính đột phá để phát triển đội ngũ luật sư trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu trên, theo tôi cần triển khai đồng đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, giải pháp về nhận thức, cần xác định đây là nhiệm vụ của cả Đoàn luật sư, đứng đầu là Ban Chủ nhiệm. Các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thể giới thiệu cho Ban chủ nhiệm các trường hợp đăng ký học việc tại đơn vị mình, hoặc các học viên đang theo học tại Học viện tư pháp có hộ khẩu thường trú tại Hải Dương… để Ban chủ nhiệm lập danh sách nguồn;

Thứ hai, chủ động tiếp xúc với các cơ quan, đơn vị có nhân sự thuộc trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 16 Luật Luật sư để lập danh sách. Trên cơ sở đó, chủ động liên hệ, trao đổi với từng nhân sự về vấn đề gia nhập Đoàn;

Thứ ba, chủ động liên hệ, làm việc với Học viện Tư pháp để lập danh sách học viên tham gia khóa đào tạo luật sư - những học viên có hộ khẩu thường trú tại Hải Dương. Trên cơ sở đó, chủ động trao đổi với từng học viên về vấn đề đăng ký tập sự. Nhân đây, tôi cũng đề xuất Ban Chủ nhiệm cần tham gia với vai trò chủ trì để xây dựng quy chế cho hoạt động tập sự hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh được chuyên nghiệp, thống nhất, tạo thuận lợi và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn và người tập sự hành nghề luật sư;

Thứ tư, linh hoạt trong việc áp dụng phí đăng ký tập sự hành nghề luật sư, phí gia nhập đoàn luật sư. Chúng ta không nhất thiết phải áp dụng mức phí cao nhất trong khung phí theo hướng dẫn tại Nghị quyết 05/NQ-LĐLSTQ ngày 14/12/2015 của Hội đồng luật sư toàn quốc là 5 triệu/trường hợp đăng ký tập sự và 10 triệu/trường hợp gia nhập. Thậm chí, chúng ta có thể giảm xuống 50% so với mức cao nhất này để đạt mục tiêu tăng số lượng luật sư như đã đặt ra. Số tiền giảm này tuy không quá lớn nhưng rất quý giá với các học viên mới ra trường hay các luật sư trẻ mới bước chân vào nghề, vừa thể hiện sự sẻ chia với những khó khăn ban đầu của họ, cũng đồng thời là nhân tố thu hút để tăng số lượng luật sư gia nhập Đooàn.  

Chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động đòi hỏi chuyên môn sâu về nghiệp vụ pháp lý

Có câu châm ngôn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhưng tôi thì cho rằng, câu châm ngôn này khó có thể áp dụng được với Đoàn của chúng ta, ít nhất trong 5 năm tới. Chúng ta có 45 luật sư, nếu đóng đủ thì mỗi tháng được 9 triệu đồng, mỗi năm được 108 triệu đồng và đôi khi thu được khoảng 5-10 triệu cho một trường hợp gia nhập hoặc đăng ký tập sự, hoàn toàn không có hỗ trợ từ ngân sách (như Báo cáo tổng kế đã nêu)… Với nguồn quỹ ít ỏi này, mọi suy nghĩ cho rằng phát triển, nâng cao vị thế của Đoàn bằng tiềm lực tài chính rõ ràng là không có cơ sở.

Trong tình hình ngân quỹ eo hẹp, làm thể nào để hệ thống các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tỉnh, rộng hơn là người dân và doanh nghiệp đặt lòng tin nơi chúng ta? Theo tôi, cách thức quan trọng nhất là phát huy khâu chuyên môn về mặt pháp lý - thế mạnh duy nhất của Đoàn ở thời điểm hiện tại.

Nâng cao vị thế theo hướng này, theo tôi cần tập trung vào các giải pháp:

Tích cực tham gia vào khâu thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành, thậm chí tham gia rà soát cả những văn bản đã có hiệu lực. Việc phát hiện ra những bất cập, những quy định trái với văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư... bằng những lập luận sắc bén, những dẫn chứng cụ thể… chắc chắn sẽ tạo ra sự ghi nhận tích cực từ phía Cơ quan nhà nước;   

Rà soát các thủ tục hành chính hiện hành đang được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Hải Dương, bao gồm: thủ tục hành chính thực hiện tại UBND tỉnh, tại các sở, ngành, tại UBND thành phố Hải Dương và cấp huyện, thậm chí tại UBND cấp xã. Việc phát hiện ra các sai sót, lỗi chậm cập nhật quy định mới… của các thủ tục này không chỉ giúp Cơ quan hữu quan điều chỉnh lại thủ tục, mẫu biểu cho phù hợp mà còn gián tiếp giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện dễ dàng, đúng đắn các thủ tục hành chính;

Giao chỉ tiêu các bài viết để gửi đăng trên các tạp chí chuyên ngành, nhất là Tạp chí Luật sư Việt Nam, trang website của Liên đoàn Luật sư Việt Nam,... Một bài viết chất lượng đăng tên tác giả là “Luật sư Phạm Văn A – Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương” không chỉ mang đến cho người viết, cho luật sư trong Đoàn sự khích lệ mà còn giúp bạn đọc có sự đánh giá tích cực về chuyên môn của Đoàn;

Đối với những vụ án mà luật sư tham gia mang đến thành công cho khách hàng, nhất là những vụ hình sự minh oan cho bị can, bị cáo, hoặc giảm đáng kể mức hình phạt cho bị cáo,… Đoàn có thể phối hợp với Báo Hải Dương, Đài phát thành truyền hình tỉnh Hải Dương để đăng bài biết, bản tin hoặc thậm chí một phóng sự về những vụ việc này, thông qua đó để dư luận hiểu được công sức, sự vất vả, nhọc nhằn mà luật sư đã phải bỏ ra trong suốt tiến trình tố tụng, giúp họ ghi nhận chính xác hơn vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng nói riêng và trong xã hội nói chung, cũng là góp phần nâng cao vị thế của Đoàn;

Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả để Đoàn có thể tiếp nhận thường xuyên các ý kiến phản ánh vướng mắc trong quá trình hành nghề của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư về những bất cập trong công tác thi hành pháp luật mà khối cơ quan công quyền hay mắc phải. Ví dụ: theo quy định hiện hành, thành phần tham gia hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở phải có mặt “đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất”; thực tế, nhiều UBND cấp xã không nắm được quy định này đã dẫn đến nhiều vụ việc Tòa án trả hồ sơ khởi kiện để hòa giải lại…

Trên cơ sở phản ánh của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn có thể gửi văn bản kiến nghị tới UBND tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện… để đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thi hành đúng quy định về thành phần tham gia hòa giải để tiết kiệm thời gian cho dân cũng như cho chính cơ quan Nhà nước;

Cần có đại diện của Đoàn tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân thành phố và Hội đồng nhân dân các huyện. Theo tôi, tham gia vào các diễn đàn này là cơ hội quý báu để luật sư trúng cử phát huy năng lực chuyên môn, tích cực đóng góp vào công tác lập quy, ban hành chính sách hay đóng góp ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…. Sự tham gia có hiệu quả của luật sư trúng cử sẽ giúp nâng cao rõ rệt vị thế của Đoàn trong sự nhìn nhận của các cơ quan Đảng, Ủy ban, các sở ngành, Mặt trận, Đoàn thể chính trị …

Tích cực tham gia vào hoạt động chuyên môn tại các diễn đàn đã có như: Mặt trận tổ quốc tỉnh, tổ công tác của UBND tỉnh về giải quyết khiếu nại tố cáo, Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục của tỉnh...

LS Nguyễn Trọng Quyết