Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15 sáng 21/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung gỡ điểm nghẽn thể chế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật đã kéo dài nhiều năm để tránh lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Trong 03 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
Sửa 13 luật và sức ép với những người làm nghề luật
Trước hết, người làm nghề luật phải tham gia tối đa vào quá trình này trong lúc vẫn phải bảo đảm nhiệm vụ chuyên môn đang làm. Song thách thức lớn hơn là mỗi người phải học hỏi không ngừng để kịp nắm bắt được tình thần và lời văn của các văn bản luật mới được ban hành – kể cả phần hướng dẫn, quy định chi tiết kèm theo. Đó là cả một khối lượng khổng lồ các công việc cần làm mà ai cũng thiếu thốn về thời gian và điều kiện để tiếp cận. Nhưng không có cách nào khác, buộc chúng ta phải vừa tích cực tham gia tối đa vào quá trình này lại phải vừa tiếp cận nhanh để có thể nắm chắc các quy định đã được sửa đổi đủ sức để làm “một chuyên gia luật” – đòi hỏi với mỗi người làm nghề luật. Bởi nếu không thế, làm sao chúng ta đủ sức làm nghề - dù là đang tại chức ở cơ quan tư pháp, hành pháp hay là luật gia, luật sư hành nghề độc lập?
Báo Thanh Niên ngày 22/8/2024 đăng bài với ý nhấn mạnh: Đại biểu Quốc hội chất vấn về việc nhiều dự án Luật vừa thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa, đồng thời đề nghị chỉ ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục (tại Kỳ họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Báo Tuổi trẻ ngày 14/9/2024 có bài lý giải phần nào điều này: Theo báo cáo, ngay sau khi Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được thành lập, ngày 08/7/2024, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất để xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của 15 bộ, cơ quan ngang bộ, 55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhận được 594 kiến nghị đối với 13 luật. Trên cơ sở rà soát, Bộ Tư pháp và nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đã tổng hợp, phân loại các vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý tại 13 luật để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.
Mấy năm gần đây, thực thi pháp luật nhiều bất cập, vi phạm và oan sai còn nhiều, trên mặt báo có hàng loạt bài về thực trạng này: Án hành chính tồn đọng ngày càng tăng (Thanh Niên 13/9/2024); Tòa sơ thẩm, phúc thẩm ở Khành Hòa vi phạm xử án hành chính (Lao Động 14/10/2024); Kỷ luật hàng loạt cán bộ Công an, Viện Kiểm sát gây 02 án oan cho người dân (Tuổi trẻ 18/9/2024); Đôi vợ chồng bị bắt giam oan được xin lỗi công khai (Dân Trí 21/6/2024); Khổ vì án dân sự bị hủy, sửa: Khi tòa và viện “chỏi” nhau (Thanh Niên 18/9/2024); Tội phạm cưỡng dâm tăng 200% “chưa bao giờ cao như thế” (Dân Trí 27/10/2024); Đại gia Đức An: Tôi thất vọng sau 13 năm theo đuổi vụ kiện (ngoisao.vnexpress.net 28/8/2024)…
Trong bối cảnh thực thi pháp luật nhiều bất cập, vi phạm và oan sai còn nhiều như thế, sức ép rất lớn đối với việc trọng trách và sứ mệnh của người hành nghề luật – trong đó nặng hơn là sứ mạnh của luật sư vì phải trực diện.
Trong số các vụ án với 804 bị cáo đã xét xử, Tòa án nhân dân các cấp xử phạt 23 bị cáo tù chung thân và tử hình, 87 bị cáo tù trên 15 năm đến 20 năm, 169 bị cáo tù trên 07 năm đến 15 năm, 270 bị cáo tù trên 03 năm đến 7 năm, 171 bị cáo tù từ 03 năm trở xuống, còn lại là hình phạt khác. (Dân Trí 28/10/2024)
Những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật còn đến từ việc nợ đọng văn bản, khi tình trạng luật "ngồi chờ" nghị định, thông tư hướng dẫn thường xuyên diễn ra. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong số 325 văn bản được giám sát năm 2023 thì có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Rõ ràng là, người làm nghề luật đang phải đối mặt không chỉ với thách thức mới khi luật liên tục được sửa đổi, mà cả những khó khăn với khuyết tật nội tại mà các chuyên gia đã vạch ra như nêu trên.
Mấy năm trởi lại đây, hàng loạt người có chức vụ cao ở nhiều cơ quan hành pháp, kể cả ở cơ quan trọng yếu như Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, bị vướng vòng lao lý cho thấy, người làm nghề luật tại đây đã chưa làm tròn sứ mệnh tham mưu và ngăm chặn vi phạm pháp luật. Phải chăng, họ đã không theo kịp biến đổi của tình hình? Gần đây, công luận tốn không ít giấy mực quanh vụ ồn ào bằng tiến sĩ luật của một tu sĩ có chức sắc cao (thượng tọa) lại giống lên nỗi lo ngại về chất lượng đào tạo nghề luật. Thực tế đó chứng tỏ nghề luật đang đối mặt với quá nhiều thách thức!
Chương trình hoàn thiện thể chế trong thời gian tới đây có yêu cầu cao về tính minh bạch và tính khả thi. Do vậy, đội ngũ những nghười làm nghề luật có khối lượng công việc khá lớn trong tiến trình này, bởi lẽ quá trình được chú trọng tính khả thi trên cả hai phương diện. Trước hết, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình. Mặt thứ hai, quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết.
Vnexpress ngày 21/10/2024 đăng bài giới thiệu nội dung bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn với tiêu đề: Thượng tôn pháp luật tạo nên sức mạnh.
Người làm nghề luật buộc phải vào cuộc khi các hoạt động xây dựng pháp luật được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Sứ mệnh của luật sư và nhiệm vụ sửa Luật Luật sư
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐluật sưTQ năm 2019 về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành, có quy định về sứ mệnh của một luật sư như sau:
- Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư.
- Tham gia hoạt động cộng đồng.
Trong đời sống xã hội và thực tiễn tố tụng, có thể nói, mỗi sự kiện pháp lý xảy ra, từ người dân bình thường cho đến các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan Nhà nước đều có nhu cầu nhờ sự hỗ trợ của luật sư nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Vì thế, vai trò của luật sư trong đời sống và trong tố tụng ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, điều cảm nhận chung là sự phát triển về số lượng chưa tương xứng với nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của các chủ thể xã hội. Mặc dù, có nhiều đóng góp trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp nhưng làm sao tạo được sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, dấn thân thật sự vào tiến trình bảo vệ công lý, khẳng định được tố chất và kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn là thách thức lớn của đội ngũ luật sư Việt Nam. Thách thứ lớn hơn nhiều, khi mỗi luật sư đều phải thực thi Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong bối cảnh khác thường về kinh tế - xã hội hiện nay.
Luật sư là một thiết chế độc đáo của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Luật sư là một trong ba thành phần của hệ thống tư pháp, trong đó vai trò của công tố là buộc tội, luật sư giữ vai trò gỡ tội, và để trên cơ sở đó cơ quan Tòa án mới phán xét được công bằng, khách quan. Vì thế, nâng cao vai trò của đội ngũ luật sư trong xây dựng và hoàn thiện thể chế có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo đảm công lý, trong việc phòng ngừa và hạn chế các vi phạm, sai sót của quá trình điều tra, xét xử các loại vụ án. Đó cũng là một mặt của việc bảo đảm quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp được thực hiện thực sự trong đời sống của nhân dân.
Trong đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế là nội dung quan trọng trong giai đoan hiện nay, nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, thục đẩy tăng trưởng trước những thách thức của thời cuộc. Đội ngũ luật gia, luật sư có vị thế đặc biệt trong vấn đề này, do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên tiếp cận với những bất cập, xung đột trong đời sống kinh tế và đời sống dân sự.
Trong xã hội, ít tầng lớp xã hội nào khác có điều kiện và cơ hội tiếp cận, đụng chạm đến các gay cấn, bức xúc trong các quan hệ kinh tế như các luật sư. Bởi lẽ, thông qua bốn loại hình hoạt động hành nghề luật sư theo quy định tại Chương III của Luật Luật sư, các luật sư dường như hàng ngày đều bắt gặp các tình huống có xung đột trong các quan hệ về tài sản, kinh doanh, thương mại, lao động. Nhờ đó, thông qua việc tham gia tố tụng, các luật sư đã tích cực giúp cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc tránh và hạn chế được những oan, sai, đem lại sự công bằng cho người dân và xã hội, từ đó góp phần hoàn thiện pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN.
Thực tế, anh chị em luật gia, luật sư chúng ta không hề dễ dàng tiếp cận và thích nghi với đặc thù về quy mô và tính chất phức tạp của Chương trình xây dựng và hoàn thiện thể chế giai đoạn mới. Song buộc chúng ta phải thích nghi để hoàn tất sứ mạng bảo vệ công lý đã được xác định và cũng thấu hiểu rằng "Bảo vệ công lý là bảo vệ uy tín chế độ".
Với tư cách những chuyên gia pháp lý, với kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động nghề nghiệp của mình, đội ngũ luật gia, luật sư chúng ta phải tìm hiểu, nắm vững các vấn đề trọng tâm, các nội dung chủ yếu của công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế giai đoạn mới để không bị coi là người ngoài cuộc, để thích nghi trong hoạt động thực tiễn và góp phần bảo vệ công lý.
Trước mắt, bản thân luật sư đối mặt với việc chuẩn bị sửa đối hay ban hành mới Luật Luật sư. Trong đó, nổi cộm là đề xuất cự thể hóa tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị của luật sư – thay cho dự thảo ghi bản lĩnh nghề nghiệp của luật sư; tránh tình trang luật sư phải một cổ ba tròng khi dự thảo có thêm quy định UBND cấp huyện kiểm tra tổ chức và hoạt động của luật sư; thay quy định miễn trừ bởi quy định hạn chế thời gian tập sự nghề luật sư đối với một số chức danh tư pháp (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên).
Dù có sự khác biệt về vị thế và điều kiện hành nghề, nhưng hiện tại, người làm nghề luật đều phải đối mặt với thách thực mới, nặng nề hơn trước đây rất nhiều. Rất cần sự nỗ lực vượt bậc để góp sức chung, đặc biệt là người làm nghề luật tại chức tại các cơ hành pháp mới có thể hoàn thành sứ mệnh tham mưu cho cấp ủy và chính quyền để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tội phạm diễn ra khá nhiều với chính những người đứng đầu các cơ quan này mấy năm gần đây.
Rõ ràng là, trong bối cảnh hiện nay, trọng trách và sứ mệnh của những làm nghề luật – trong đó có đội ngũ luật sư – nặng nề hơn nhiều và đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc.