SÁNG
1. Thông báo rút kinh nghiệm vụ án dân sự ‘Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu’
(LSVN) - Thông qua công tác kiểm sát theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn cụ Ngô Quang Đ với bị đơn Văn phòng công chứng LV do TAND thành phố P giải quyết tại Bản án phúc thẩm số 20/2020/DS-PT ngày 16/01/2020, VKSND cấp cao tại Thành phố D thấy Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ dẫn đến tuyên bố bản Di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 do cụ N lập tại Văn phòng công chứng LV vô hiệu không có căn cứ. VKSND cấp cao tại thành phố D thấy cần thông báo để rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát trong lĩnh vực dân sự.
1. Nội dung và quá trình giải quyết vụ án
Cụ Ngô Thị N sinh năm 1928, có hộ khẩu thường trú tạ số 4 ngõ 195A, MK, phường MG, quận HBT, thành phố D. Ngày 01/4/2014, tại Văn phòng công chứng LV, cụ N điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào phiếu yêu cầu công chứng và ký chữ “N” vào bản di chúc cho cháu ruột là anh Ngô Mạnh C được hưởng toàn bộ thửa đất số 14, tờ bản đồ số 51-I-21 và tài sản gắn liền trên đất tại số 195 MK, phường MG, quận HBT, thành phố D theo Giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107351080 do UBND thành phố D cấp ngày 03/7/2001. Ngày 27/4/2017, cụ N chết. Ông Ngô Quang Đ, nhận được bản Di chúc đồng thời tự nhận là em ruột của cụ N, ông cho rằng cụ N bị giảm sút trí nhớ, không minh mẫn và bị lừa dối khi lập di chúc, cụ N là người không biết chữ và chỉ viết được chữ “N” nên ông không đồng ý với nội dung bản di chúc của cụ N ký ngày 01/4/2014. Cụ N không có chồng, không có con, ông Đ là người thừa kế duy nhất theo pháp luật của cụ N. Do đó, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố bản di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 của Văn phòng công chứng LV vô hiệu.
Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của TAND quận BĐ, thành phố D quyết định: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Ngô Quang Đ. Tuyên văn bản Di chúc công chứng số 360.2014/DC ngày 01/4/2014 của Văn phòng công chúng LV vô hiệu.
Bản án dân sự phúc thẩm số 20/2020/DS-PT ngày 16/01/2020 của TAND thành phố P xử: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Văn phòng công chứng LV và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Ngô Mạnh C. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của TAND quận BĐ, thành phố D.
Ngày 25/5/2020, VKSND cấp cao tại thành phố D nhận được Đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của anh Ngô Mạnh C với nội dung đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên.
Ngày 28/7/2020, Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố D ban hành Quyết định số 24/KNGĐT-VC1-DS, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên theo hướng hủy án phúc thẩm, sơ thẩm để giải quyết lại.
2. Vi phạm cần rút kinh nghiệm
Bản di chúc có số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 lập tại Văn phòng công chứng LV (địa chỉ số 49 phố VC, phường LG, quận BĐ, thành phố D) có nội dung thể hiện cụ Ngô Thị N ký, điểm chỉ vào bản di chúc cho anh Ngô Mạnh C được hưởng toàn bộ thửa đất số 74, tờ bản đồ số 51-I-21 và tài sản gắn liền với đất tại số 195 MK, phường MG, quận HBT, thành phố D. Bản di chúc này có lời chứng của công chứng viên Bùi Huy B. Trước khi ký bản di chúc, cụ N còn điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào phiếu yêu cầu công chứng. Kết luận giám định số 87/C09-P5 ngày 15/5/2019 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an và Kết luận giám định số 61/C09(P3) ngày 17/5/2019 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an đều kết luận chữ ký “N”, chữ viết “Ngô Thị N” và dấu vân tay điểm chỉ trên bản di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 là của cụ Ngô Thị N. Như vậy, có căn cứ khẳng định cụ N lập di chúc tại Văn phòng công chứng LV bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Công chứng năm 2014.
Ông Đ cho rằng cụ N bị lừa dối khi lập di chúc vì cụ N bị giảm sút trí nhớ, không còn minh mẫn, cụ N không được đi học, không biết đọc, không biết viết mà chỉ biết viết duy nhất chữ “N” nhưng ông Đ không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ N bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và không biết chữ. Trong khi bà Nguyễn Thị Z là Tổ trưởng tổ dân phố số 12A phường MG (nơi cụ sinh sống trước khi chết) xác nhận: “Đến năm 2015 sức khỏe của cụ N vẫn bình thường, cụ vẫn tự sinh hoạt, vẫn minh mẫn”.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định cụ N không biết đọc, không biết viết chỉ biết viết duy nhất chữ “N”, để từ đó xử tuyên bản di chúc số công chứng 360.2014/DC ngày 01/4/2014 do cụ N lập tại Văn phòng Công chứng LV vô hiệu do vi phạm Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2005 là không đủ căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi của anh Ngô Mạnh C.
Do bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm của Tòa án hai cấp thành phố thành phố D có vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chúng cứ nên tại Quyết định giám đốc thẩm số 41/2021/DS-GĐT ngày 23/6/2021 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố D xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố D; hủy bản án phúc thẩm nêu trên và bản án sơ thẩm số 21/2019/DSST ngày 23/9/2019 của TAND quận BĐ, thành phố D để xét xử lại theo quy định của pháp luật.
PV
Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp
2. Quy định về xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu
(LSVN) - Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BTC hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ. Trong đó, quy định về xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, về xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Thông tư số 46/2021/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Thông tư số 46/2021/TT-BTC) và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Xử lý tài chính theo phương án tái cơ cấu
Thông tư quy định rõ nguyên tắc xử lý tài chính:
- Việc xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn liền với việc Công ty Mua bán nợ Việt Nam chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp và không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây.
- Đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính không chấp hành đúng chế độ Quy định, gây thất thoát vốn, tài sản thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm bồi thường và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nội dung xử lý tài chính:
- Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, căn cứ phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt: Công ty Mua bán nợ Việt Nam xem xét, giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo Quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về xác định giá trị doanh nghiệp trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị số sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ; Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên.
- Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp tái cơ cấu tiếp tục xử lý tài chính theo quy định. Trong đó:
+ Lợi nhuận phát sinh được phân phối theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
+ Doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành (nếu có).
+ Trường hợp phát sinh lỗ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định, số lỗ còn lại được Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách khoản nợ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2022.
DUY ANH
Ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự
3. Trang phục của người có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi
(LSVN) - Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên tịch ban hành quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Ảnh minh họa.
Theo đó, tại Điều 25 Thông tư quy định rõ về trang phục của người có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Cụ thể, trong giai đoạn kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố vụ án, nếu có mặt người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và những người có thẩm quyền khác không nhất thiết phải mặc trang phục của ngành, cơ quan, tổ chức mình, có thể mặc thường phục dân sự nhưng phải bảo đảm gọn gàng, lịch sự.
Trường hợp phiên tòa tổ chức tại phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên thì Thẩm phán mặc trang phục theo quy định của Thông tư số 02/2018, những người tiến hành tố tụng khác và những người được triệu tập đến phiên tòa mặc trang phục theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó, liên quan đến quy định phối hợp thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, Thông tư nêu rõ, trường hợp vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nếu cần thu thập chứng cứ, lấy lời khai người tham gia tố tụng đang ở nước ngoài thì các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động trao đổi phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện các hoạt động ủy thác tư pháp hình sự.
Trường hợp cần phối hợp thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ ở nước ngoài, nhận dạng người hoặc đồ vật bằng hình thức trực tuyến thì cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao trao đổi với cơ quan tư pháp nước có liên quan để phối hợp thực hiện.
Khi nhận được kết quả ủy thác tư pháp của phía nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời chuyển cho cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp kết quả ủy thác tư pháp chưa đầy đủ thì cơ quan tiến hành tố tụng lập yêu cầu ủy thác tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục đề nghị cơ quan nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp bổ sung.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/4/2022.
TIẾN HƯNG
Những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
4. Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu biệt thư nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch
(LSVN) – Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (Dự thảo) để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý là dự thảo này đã bổ sung quy định về chứng nhận chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch), trên đất thương mại, dịch vụ.
Theo quy định của pháp luật, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó, tháng 02/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở, trong đó đã có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.
Tuy nhiên thực tế triển khai việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình nêu trên gặp nhiều khó khăn tại các địa phương. Có địa phương chưa triển khai thực hiện được việc cấp Giấy chứng nhận hoặc có địa phương đã triển khai thực hiện được việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình, tuy nhiên không phù hợp với quy định của pháp luật (như xác định loại đất là đất ở hoặc đất ở không hình thành đơn vị ở với thời hạn sử dụng lâu dài), dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư cũng như của người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu.
Để thống nhất trong cách triển khai thực hiện tại các địa phương, giải quyết những khó khăn,vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận cho các loại công trình này, Dự thảo đã bổ sung 01 điều (Điều 32a) quy định về chứng nhận chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng,căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ, với những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) được chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng; Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ hai, việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn,văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch trên đất thương mại, dịch vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này.
Thứ ba, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo Công văn hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng như Dự thảo đều quy định việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch, nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ với thời hạn thuê đất không quá 50 năm, đồng thời phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đến thời điểm này không có việc xây dựng dự thảo luật, nghị định theo hướng hợp thức hóa cho những sai phạm trước đây của các địa phương trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch có xác định loại đất là đất ở hoặc đất ở không hình thành đơn vị ở với thời hạn sử dụng lâu dài theo đề nghị của các chủ đầu tư dự án khu du lịch.
Box:
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 22/ 4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở như sau:
Về chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 48 của Luật Du lịch năm 2017 thì căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú,ăn uống quy định tại Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 10 của Luật Đất đai và quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ.
Về chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ đã được quy định tại Điều 153 của Luật Đất đai, thời hạn sử dụng đất được quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai, theo đó thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm, đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
5.
CHIỀU
1. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
HỒNG HẠNH
Người lao động được nghỉ thế nào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5?
2. Trình tự, thủ tục để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
(LSVN) - Được biết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Vậy, người lao động cần thực hiện trình tự, thủ tục như thế nào để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo quy định mới này?
Tại Điều 7 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này (sau đây gọi là Mẫu số 01) và chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định này để gửi doanh nghiệp tổng hợp.
Về hồ sơ đề nghị hỗ trợ, danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này (sau đây gọi là Mẫu số 02).
Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì hồ sơ đề nghị cần có thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Trên cơ sở đề nghị của người lao động, doanh nghiệp tổng hợp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 02 và niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 03 ngày làm việc.
Trường hợp có ý kiến phản ánh về đối tượng và điều kiện hỗ trợ, doanh nghiệp tiến hành xác minh đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 Quyết định này trong vòng 02 ngày làm việc.
Doanh nghiệp gửi danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 02 đến cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực thông tin của người lao động quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Quyết định này. Doanh nghiệp lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo từng tháng và có thể đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận gộp 02 tháng hoặc 03 tháng.
Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
Doanh nghiệp gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 02 tháng hoặc 03 tháng.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15 tháng 8 năm 2022.
Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.
Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp thực hiện chi trả cho người lao động.
TIẾN HƯNG
Chính thức hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
3. Dẹp bỏ ‘đường lưỡi bò’: Cần nâng cao trách nhiệm của người dân!
(LSVN) - Liên quan đến việc hàng loạt phim điện ảnh và phim truyền hình nước ngoài có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam bị cơ quan chức năng phát hiện, cấm chiếu. Tuy vậy, qua theo dõi, nắm bắt của cơ quan chức năng thì vẫn còn nhiều trang mạng chia sẻ, lan truyền những loạt phim bị cấm này.
Dẹp bỏ ‘đường lưỡi bò’: Cần nâng cao trách nhiệm của người dân!
Điều đáng nói là nhiều phim đã tồn tại trên mạng gần một năm qua nhưng chưa được xử lý triệt để, thậm chí những đối tượng vi phạm coi như “chưa có chuyện gì xảy ra”, vì lợi nhuận mà vẫn phát tán, lan truyền chúng. Vì vậy, dư luận bức xúc đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, kiên quyết gỡ bỏ toàn bộ, xử lý triệt để các bộ phim vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền rất nghiêm trọng này. Theo đó, ngoài xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các tổ chức, cá nhân liên quan thì cần thiết phải đóng cửa các trang mạng có hành vi vi phạm pháp luật kéo dài này.
Tuy nhiên, xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng này cần có sự chung tay vào cuộc với tinh thần trách nhiệm công dân của các tầng lớp nhân dân, kể cả người Việt định cư ở nước ngoài. Bởi nhiều bộ phim được tải lên mạng có máy chủ hoặc xuất phát từ nước ngoài, trong đó có sự tham gia của người Việt định cư ở nước ngoài.
Có thể nói, việc ngang nhiên lan truyền các bộ phim có “đường lưỡi bò” ngay trên các nền tảng tiếng Việt hoặc phụ đề tiếng Việt để người truy cập xem trực tiếp hoặc tải về là không thể chấp nhận được. Bởi các sản phẩm xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp bị cấm lưu hành, cắt sóng ngay sau khi được nhập về Việt Nam và đã được các cơ quan chức năng thông báo công khai, rộng rãi cho dư luận biết.
Mặt khác, với ý thức của công dân đối với đất nước nếu phát hiện bất cứ sản phẩm nào có “đường lưỡi bò” phi pháp đều phải có trách nhiệm báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Đặc biệt là người Việt dù là ở trong nước hay định cư ở nước ngoài khi gặp các loại phim này không nên tải, xem hoặc chia sẻ và phải có hành động cụ thể bảo vệ chủ quyền đất nước như xóa, khóa đường truyền hoặc tẩy chay, lên án…
Theo đó, cần lên án mạnh mẽ, tẩy chay các tổ chức sản xuất phim, diễn viên, nhất là các nhà mạng, đơn vị đưa lên nền tảng số để trình chiếu, quảng cáo, kiếm lời. Đây là hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của mọi người dân, của cả dân tộc.
Thiết nghĩ, bên cạnh cơ quan chức năng phải mạnh tay đối với tất cả những hành vi gây tổn hại đến chủ quyền đất nước thì cần có sự chung tay của mọi người dân trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này. Nếu không những việc làm này sẽ "ngấm dần" thành chuyện thường, "chuyện đã rồi" rất nguy hiểm. Bởi sẽ làm xói mòn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông bao đời đã đổ máu xương để giữ gìn./.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Trao quyền nhiều hơn cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị
4.
SÁNG CN
1. Hoàn thiện một số vấn đề về tội ‘Vô ý làm chết người’
(LSVN) - Bài viết chỉ ra cấu thành tội "Vô ý làm chết người", phân tích các hạn chế, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật của tội phạm này. Từ đó kiến nghị một số biện pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật; tăng cường đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Ảnh minh họa.
Quyền sống là quyền thiêng liêng và cao quý của con người. Vì thế, ngoài việc quy định các hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người khác, pháp luật hình sự còn ghi nhận hành vi vô ý làm chết người cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này là hợp lý, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn gặp phải một số vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
1. Các yếu tố cấu thành tội "Vô ý làm chết người"
Khách thể: Tội "Vô ý làm chết người" xâm phạm đến quyền sống của con người, khách thể trực tiếp của tội này là quyền sống hay còn gọi là quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng của con người.
Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm các quy tắc bảo đảm an toàn tính mạng con người, qua đó gây hậu quả chết người. Các quy tắc bảo đảm an toàn tính mạng con người có thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy định, cũng có thể chỉ là những quy tắc xử sự trong xã hội thông thường mà mọi người đều biết và thừa nhận.
Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội này. Hành vi khách quan thuộc cấu thành tội này phải dẫn đến hậu quả chết người, mối quan hệ nhân quả phải được làm rõ và là dấu hiệu bắt buộc.
Tuy nhiên, cần chú ý nếu hành vi vi phạm quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực và gây hậu quả chết người nhưng đã được quy định thành các tội riêng thì người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng mà không bị xử lý về tội "Vô ý làm chết người".
Chủ thể: Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý, bao gồm vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
2. Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tội "Vô ý làm chết người".
Vướng mắc trong định tội danh:
Xuất phát từ thực tiễn đa dạng của hành vi khách quan trong tội "Vô ý làm chết người", việc quy định như Điều 128 BLHS là hợp lý. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, cần xác định quy tắc an toàn nào đã bị vi phạm, nhưng các quy tắc đó không phải lúc nào cũng được quy định, xác định rõ ràng, cụ thể. Do đó, nhiều trường hợp còn vướng mắc, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Ví dụ: Khoảng 11h00 ngày 12/02/2021, A (chiến sỹ) thực hiện nhiệm vụ trực gác tại đơn vị thì trời mưa, B từ phòng nghỉ đơn vị chạy ra giúp A đưa đồ vào trong phòng trực gác rồi ngồi lại cùng nói chuyện. Quá trình nói chuyện A cầm súng, đột nhiên A nói với B: “Mày dám bóp cò không B” rồi cầm súng bằng hai tay, nòng súng kề vào ngực mình, báng súng quay về phía B. Thấy A vừa nói vừa cười, nghĩ A nói đùa và trong súng không có đạn (về nguyên tắc súng gác không có đạn, quá trình điều tra không xác định được nguyên nhân tại sao súng có đạn) nên B đưa tay ra bóp cò làm súng nổ khiến A chết. Quá trình giải quyết vụ án, có 2 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của B cấu thành tội “Vô ý làm chết người” do quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều không thu thập được bất kỳ văn bản nào thể hiện các quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp có liên quan. Hành vi của B được xác định là vi phạm quy tắc bảo đảm an toàn (bất thành văn) là “không được đùa nghịch súng, không được bóp cò khi súng đang hướng về phía người khác” (các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập, Tòa án đã yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu nhưng không thể thu thập được).
Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi của B phải cấu thành tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” vì mặc dù không tìm được văn bản nào thể hiện các quy tắc như trên, nhưng đây là những quy tắc mà bất kỳ quân nhân nào cũng được quán triệt, học tập từ những ngày đầu bước chân vào quân ngũ.
Trường hợp này, tác giả đồng ý với quan điểm của Tòa án đã xét xử B về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính”, bởi vì: Hành vi tự ý đưa tay bóp cò súng của B khi chưa kiểm tra các điều kiện an toàn đã vi phạm những “quy tắc bảo đảm an toàn khi tiếp xúc, sử dụng các loại vũ khí quân dụng” mà bất kỳ quân nhân nào cũng đều phải chấp hành. Khi sử dụng phải kiểm tra các quy tắc an toàn, súng chỉ được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù không thu thập được văn bản chứa đựng các quy định trên, nhưng đã xác định được đơn vị đã giáo dục chiến sỹ những nội dung này, quán triệt thường xuyên, liên tục theo đúng quy định chung của quân đội. Mọi quân nhân đều có nghĩa vụ chấp hành nghiêm các quy tắc này nhưng B đã vi phạm dẫn đến hậu quả chết người.
Chưa quy định rõ trách nhiệm của chủ nuôi các loài động vật nguy hiểm:
Liên quan đến việc động vật làm chết người, đây không phải trường hợp hiếm gặp nhưng hiện nay việc xử lý còn khó khăn. Trước đây, năm 2009 đã xảy ra trường hợp hổ cắn chết người tại Bình Dương. Thời điểm đó, do chưa có quy định về tiêu chuẩn chuồng trại nuôi thú giữ nên các cơ quan chức năng không đủ căn cứ xử lý hình sự mặc dù người chủ rõ ràng đã có hành vi vô ý vì quá tự tin. Hiện nay, việc nuôi một số loài động vật như cá sấu, rắn… diễn ra ngày càng nhiều. Những loại động vật này hoàn toàn có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, cần sớm ban hành những tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt đối với việc nuôi nhốt các loại động vật có nguy cơ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, một số loại động vật như chó săn, chó becgiê, trâu, bò… cũng là một nguồn nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe con người, mới đây là vụ bé trai 07 tuổi bị đàn chó cắn chết tại Hưng Yên vào ngày 04/3/2019. Nhưng chúng có phải nguồn nguy hiểm cao độ hay không lại chưa có hướng dẫn. Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, thú dữ là nguồn nguy hiểm cao độ và theo từ điển tiếng việt, thú dữ là động vật bậc cao có lông mao, tuyến vú, nuôi con bằng sữa, rất dữ, có thể làm hại người khác như hổ, báo, sư tử, gấu,… Đồng thời, BLDS quy định trách nhiệm bồi thường của chủ vật nuôi nhưng chỉ là trách nhiệm dân sự.
Thực tế khi xảy ra các trường hợp vật nuôi gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Liên tiếp các trường hợp này đã gây nên sự bất bình trong dư luận. Bởi vì BLHS 2015 mặc dù có quy định về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 138 và tội "Vô ý làm chết người" tại Điều 128 nhưng cả hai quy định này đều thể hiện “Người nào…”, có nghĩa đã trực tiếp chỉ ra rằng, chủ thể của tội phạm là con người.
Vậy, chủ nuôi những động vật này khi có hậu quả chết người xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự hay chỉ chịu trách nhiệm dân sự cần được quy định rõ ràng bởi hậu quả nó mang lại là nghiêm trọng. Tham khảo quy định của một số quốc gia trên thế giới có thể thấy rằng pháp luật Cộng hòa Pháp có riêng một điều khoản quy định về tội Vô ý làm chết người do chó gây ra (Điều 221-6-2 BLHS Pháp); các nước Canada, Úc, Thụy Sỹ… đều quy định trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi trong trường hợp này [1].
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng chủ vật nuôi có hành vi vô ý trong quản lý, nuôi mà để vật nuôi gây ra hậu quả chết người cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" hoặc tội "Vô ý làm chết người".
Trường hợp sử dụng điện để chống trộm, chống chuột, bảo vệ tài sản gây hậu quả chết người:
Đây là trường hợp đã xảy ra nhiều trên thực tế nhưng biện pháp này vẫn được người dân sử dụng. Hiện nay, đã có đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, nhưng các văn bản hướng dẫn còn mâu thuẫn với nhau.
- Theo Công văn giải đáp nghiệp vụ số 81/2002/TANDTC của HĐTP TANDTC thì về nguyên tắc chung, TANDTC hướng dẫn như sau:
"a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.
b. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người".
Như vậy, TANDTC hướng dẫn theo hai nội dung là mục đích sử dụng điện và thái độ của người thực hiện hành vi đối với hậu quả. Mọi trường hợp sử dụng điện để chống trộm cắp, do đối tượng hướng tới là con người nên phải chịu trách nhiệm về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Trường hợp sử dụng điện để chống chuột, súc vật thì căn cứ vào thái độ đối với hậu quả chết người có thể bị truy cứu về tội giết người hoặc vô ý làm chết người.
- Tại Thông báo số 228/P4 ngày 26/5/1998 của Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an: Đối với các trường hợp dùng điện để bảo vệ tài sản, nếu bản thân các đối tượng đã có thông báo công khai, treo biển cấm, dặn dò những người xung quanh..., nhưng trong lúc trông coi lại bỏ đi làm việc khác để xảy ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội "Giết người" với lỗi cố ý gián tiếp.
Trường hợp khi mắc điện họ có thông báo cho mọi người biết đồng thời có tổ chức trông coi, đề phòng người qua lại, nhưng không may hậu quả chết người vẫn xảy ra thì có thể khởi tố về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp việc chết người xảy ra sau khi người sử dụng điện trái phép đã ngắt điện, nhưng do tác động của thiên nhiên hoặc do người khác vô tình làm cho hệ thống dây bảo vệ đó bị dẫn điện dẫn đến chết người thì có thể khởi tố về tội "Vô ý làm chết người" [2].
Theo đó, hướng dẫn của Cục Cảnh sát điều tra đã thể hiện một số nội dung không đồng nhất với hướng dẫn của TANDTC, ngoài tội "Giết người" và "Vô ý làm chết người", có trường hợp phải chịu trách nhiệm về tội "Sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng".
- Tại Công văn số 2293/KSĐT-TA ngày 08/11/1999 Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn: Đối với hành vi dùng điện diệt chuột... nếu trước, trong và sau khi mắc điện đã có các biện pháp phòng ngừa như: Thông báo về việc mắc điện cho mọi người biết; cử người trông coi cẩn thận; mắc điện vào ban đêm ở những nơi không có người qua lại và có canh gác, phòng ngừa, nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra thì họ sẽ bị xử lí về tội "Vô ý làm chết người".
Nếu hành vi dùng điện để diệt chuột đã được chính quyền nhân dân nhắc nhở hoặc không có các biện pháp phòng ngừa, mắc điện ở những thời điểm hoặc ở những nơi mọi người thường qua lại và đã gây ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội "Giết người với lỗi cố ý gián tiếp".
Hành vi sử dụng điện để diệt chuột gây chết người không bị xử lí về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, các hướng dẫn trên là chưa thống nhất, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, hoàn chỉnh và mang tính liên ngành áp dụng chung nào đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
3. Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần linh hoạt trong xét xử, phân biệt hành vi vô ý làm chết người và vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính theo hướng nếu có căn cứ rõ ràng cho thấy hành vi vô ý làm chết người đã vi phạm các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi, bản thân người thực hiện hành vi đã biết, hiểu và có nghĩa vụ chấp hành các quy tắc đó nhưng vẫn vi phạm thì thuộc trường hợp vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính.
Thứ hai, cần sửa đổi quy định tại Điều 128, 138 BLHS hoặc có văn bản hướng dẫn trong đó quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi khi xảy ra các trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác. Trong hướng dẫn này, cần phân định rõ tỷ lệ tổn thương sức khỏe ở các mức khác nhau phải chịu các trách nhiệm khác nhau.
Thứ ba, có văn bản hướng dẫn liên ngành, thống nhất về việc xử lý hành vi sử dụng điện trái phép gây hậu quả chết người theo hướng: Người nào sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để bảo vệ tài sản, gây hậu quả chết người mà có ý thức ngăn chặn con người, hoặc không có ý thức ngăn chặn con người nhưng không có ý thức lợi trừ hậu quả chết người thì truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Giết người". Trường hợp chỉ nhằm bảo vệ tài sản và có ý thức bảo vệ tính mạng con người thì truy cứu tội "Vô ý làm chết người"./.
[1] TS. Nguyễn Văn Quân, Trách nhiệm của chủ vật nuôi trong trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác; Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát Online, ngày 10/4/2019. [2] Phạm Thị Hồng Đào, Quy định của pháp luật hình sự về hành vi giết người cần được hướng dẫn; https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1952. |
VĂN LINH
TAQS Khu vực Hải quân
Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?
2. Chồng có được nghỉ theo chế độ thai sản khi vợ sinh con?
(LSVN) - Vợ tôi sắp sinh, tôi đang đi làm, có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, vậy tôi có được hưởng các chế độ liên quan đến thai sản và có được nghỉ chăm sóc vợ hay không?
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi; Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản; Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Ngoài ra người lao động cũng cần đáp ứng thêm điều kiện về thời gian tham gia để được hưởng chế độ thai sản:
- Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
Người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.
Về thời gian hưởng chế độ khi vợ sinh con, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 5 ngày làm việc: Trường hợp thông thường.
- 7 ngày làm việc: Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
- 10 ngày làm việc: Vợ sinh đôi; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
- 14 ngày làm việc: Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Thời gian nghỉ việc này không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, lao động nam cũng được hưởng các chế độ thai sản và thời gian nghỉ chế độ căn cứ theo quy định trên.
HỒNG HẠNH
Người lao động được nghỉ thế nào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5?
3.