/ Kinh tế - Pháp luật
/ Trường hợp nào tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt?

Trường hợp nào tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt?

04/05/2023 10:50 |

(LSVN) - Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á. Vậy, theo quy định của pháp luật, trường hợp nào tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt?

Ảnh minh họa.

Khoản 34 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu rõ, kiểm soát đặc biệt là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục 1 Chương VIII Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo khoản 1 Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:

- Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;

Khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể như sau:

"Điều 130. Tỷ lệ bảo đảm an toàn

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:

a) Tỷ lệ khả năng chi trả;

b) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;

c) Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

d) Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;

đ) Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

e) Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh".

- Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.

Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định cụ thể, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 130 của Luật này.

- Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác hoặc bị giải thể.

- Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành thủ tục phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

TIẾN HƯNG

Hoãn thi hành án tử hình trong trường hợp nào?

Bùi Thị Thanh Loan