/ Trao đổi - Ý kiến
/ Trường hợp nào người tham gia phiên tòa hình sự được ngồi 'phòng riêng' trong quá trình xét xử?

Trường hợp nào người tham gia phiên tòa hình sự được ngồi 'phòng riêng' trong quá trình xét xử?

05/01/2021 18:03 |

(LSO) - Hội đồng xét xử cần xem xét người có nghĩa vụ liên quan tham gia phiên tòa có bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng khi tham gia phiên tòa để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Tuy nhiên, việc bảo vệ phiên tòa đã có lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp.

Đường "Nhuệ" tham gia phiên tòa “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” ngày 11/5 được ngồi phòng riêng trong quá trình xét xử.

Khi nào người tham gia phiên tòa hình sự được ngồi phòng riêng trong quá tình xét xử, pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia phiên tòa, vừa đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động tố tụng?

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định chung của pháp luật, việc xét xử tại tòa án được tiến hành công khai nhằm đảm bảo cho công tác xét xử đạt hiệu quả giáo dục cao, thu hút đông đảo lực lượng xã hội tham gia đấu tranh phòng ngừa tội phạm, góp phần tuyên truyền và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, tòa án có thể tiến hành xét xử kín.

Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…). Đặc biệt, những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.

Điều 11 Luật Tổ chức tòa án nhân dân cũng quy định tòa án nhân dân xét xử kịp thời, công bằng, công khai như sau: Tòa án nhân dân xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án nhân dân có thể xét xử kín.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người không tham gia thực hiện tội phạm hoặc có tham gia, nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tòa án phải xử lý quyền lợi, tài sản của họ vì liên quan đến tội phạm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người tham gia tố tụng. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của họ trong tố tụng hình sự. Theo quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định một số người có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa như bị hại mà không quy định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền này.

"Tuy nhiên, về nguyên tắc tính mạng, sức khỏe của mọi người đều được pháp luật bảo vệ. Hội đồng xét xử cần xem xét người có nghĩa vụ liên quan tham gia phiên tòa có bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng khi tham gia phiên tòa để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Tuy nhiên, việc bảo vệ phiên tòa đã có lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Việc cho người có nghĩa vụ liên quan ngồi phòng riêng sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có sự ưu ái, không khách quan và phủ nhận năng lực của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp", Luật sư Bình nói.

Sáng ngày 11/5, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết, cùng trú tại tỉnh Thái Bình về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.
Liên quan đến vụ việc này, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, 49 tuổi – trú tại TP. Thái Bình), được xác định là người làm chứng nhưng từng vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm.
Trong phiên tòa phúc thẩm lần này, Đường “Nhuệ” được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại tòa, Đường “Nhuệ” được đưa đến và bố trí trong một phòng riêng, có camera ghi hình để trả lời qua màn hình tivi tại tòa.

THANH LOAN

/duoc-toa-an-cap-cao-trieu-tap-duong-nhue-ngoi-phong-rieng-du-phien-xet-xu-vo-chong-giam-doc-cong-ty-lam-quyet.html
/tang-cuong-trach-nhiem-cong-to-trong-giai-quyet-cac-vu-an-hinh-su.html